Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam

Tuệ Lâm Thứ ba, ngày 15/10/2024 14:15 PM (GMT+7)
Trong số các nghệ sĩ gắn liền với dòng nhạc cách mạng, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi là một người rất đặc biệt. Bà là Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam xuất bản 1996.
Bình luận 0

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi đã dành cả đời mình cho biểu diễn và sáng tác âm nhạc và công tác xã hội. Bà từng đoạt nhiều giải thưởng như: Huy chương Vàng tại Liên hoan giọng hát hay toàn quốc (1962); Huy chương Vàng tại Liên hoan ca nhạc quốc tế Sofia (1968), Liên hoan nhạc quốc tế Berlin (1969). Giải Nhì toàn quốc bài "Phi đội ta xuất kích", giải Ba toàn quốc bài "Quê hương anh là biển cả".

Bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự có giọng hát hiếm nhất thế giới- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi. Ảnh: TL

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi là nữ ca sĩ Việt Nam nổi tiếng với những ca khúc cách mạng như: Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta Lư, Bóng cây Kơ-nia, Người lái đò trên sông Pô Cô, Tháng Ba Tây Nguyên, Suối Lê Nin, Hoa Pơ Lang… Đặc biệt, hai bài hát Cô gái vót chông Tiếng đàn Ta Lư được xem là 2 bài hát thành công nhất trong sự nghiệp của bà. Trong ca khúc Cô gái vót chông, bà đã sáng tạo thêm một đoạn staccato giả tiếng chim hót rất nổi tiếng, sau này các ca sĩ đều phải hát thêm đoạn này như điều bắt buộc.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi từng đi biểu diễn nhiều nước như: Liên Xô, Ba Lan, Chile, Cuba, Lào… Bà cũng là một trong số ít ca sĩ được nhiều lần biểu diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài vai trò nghệ sĩ biểu diễn, bà còn là tác giả của hơn 50 ca khúc như: Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển cả, Em lắng nghe tiếng đời, Đời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi đừng buồn…

Thời gian sau này, bà làm giảng viên giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và từng đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Đồng Quang Vinh, Giáng Son, Khánh Thi… Bà còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1962–1982); Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1962–1982).

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự có giọng hát hiếm nhất thế giới- Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi nhiều lần biểu diễn trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TL

Với những cống hiến trong nghệ thuật, nữ nghệ sĩ sớm được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1984 và Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1993. Bà cũng vinh dự là nghệ sĩ hiếm hoi được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, xuất bản năm 1996.

Cuộc đời của Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi như một bản nhạc với rất nhiều đoạn trường, cung bậc. Năm 16 tuổi, nữ nghệ sĩ xung phong nhập ngũ vì cú sốc bà ngoại trúng bom qua đời. Những ngày đầu vào chiến trường, bà làm công việc của một y tá, chăm sóc và chữa trị cho các chiến sĩ tại Viện Quân y 108. Trong quá trình chăm sóc thương binh, bà hay cầm đàn guitar hát cho họ nghe nên được điều sang Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị hoạt động chuyên nghiệp.

Tại đây, bà bộc lộ rõ chất giọng nữ cao vang sáng lanh lảnh như chim hót của mình. Năm 1962, bà thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội. Tới năm 1974, bà theo học tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi được đào tạo bài bản về thanh nhạc, nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phức tạp.

Trong những năm chiến tranh, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường, dùng "tiếng hát át tiếng bom". Bà trở thành thế hệ nghệ sĩ đầu tiên hát phục vụ các thương binh, giúp họ phần nào quên cơn đau và yên tâm chữa trị. Bà cũng là một trong số ít ca sĩ được nhiều lần biểu diễn trước Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như những thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội.

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự có giọng hát hiếm nhất thế giới- Ảnh 3.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi là người sở hữu giọng hát cực hiếm. Ảnh: TL

Theo đạo diễn Khắc Tuế - nguyên Trưởng đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi có giọng hát tốt và chất giọng hiếm. Bà từng khiến một chuyên gia nước bạn thốt lên: "Thật hiếm gặp được một ca sĩ có chất giọng như em ấy". Trên sân khấu, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi không chỉ hát cho khán giả mà dường như đang hát cho chính mình.

"Trong những năm cùng công tác với Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi, tôi thấy chị là nghệ sĩ có rất nhiều đức tính đáng quý, luôn cổ vũ, trọng thị những tài năng nghệ thuật. Chị chính là người phát hiện tài năng Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung từ những ngày đầu Lê Dung còn đang chập chững vào nghề ở đoàn nghệ thuật quân khu. Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi đã đề nghị với tổ chức điều động Lê Dung về Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị và trực tiếp kèm cặp, trao đổi, truyền lại cho Lê Dung mọi kinh nghiệm, kỹ thuật thanh nhạc để Lê Dung không ngừng trưởng thành như chị tâm sự với bạn bè khi ấy: "Lê Dung được chăm sóc tốt sẽ vượt tôi rất nhiều!".

Đến tận cuối đời, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi vẫn say mê với sự nghiệp biểu diễn, sáng tác và đào tạo khi mở các trung tâm đào tạo âm nhạc dành cho trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn. Cũng từ cơ sở đào tạo của chị, nhiều nghệ sĩ đã thành danh hôm nay. Cho đến nay, rất khó có một giọng hát nữ cao nào vượt được âm vực cao chót vót với độ cao ba quãng 8 của nữ Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi. Giọng ca ấy sẽ còn sống mãi với thời gian, với công chúng yêu mến chị", đạo diễn Khắc Tuế chia sẻ.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi: Một trái tim bao la

Nhắc đến Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi không thể không nhắc đến một trái tim bao dung, hiếm người có được. Năm 1992, bà là người đã đứng ra lo lắng mọi thủ tục để xin thành lập Trung tâm Nghệ thuật Tình thương Bồi dưỡng tài năng trẻ trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại Hà Nội, tiếp sau đó là Đà Nẵng và Quảng Nam. Bà cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giáo viên tâm huyết, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhận những em khó khăn, khuyết tật, thiếu may mắn có năng khiếu để nuôi dưỡng và dạy năng khiếu, ngoại ngữ.

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự có giọng hát hiếm nhất thế giới- Ảnh 4.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi mang một trái tim bao la. Ảnh: TL

Nhạc sĩ Trần Hùng – con trai của Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi kể, Trung tâm là tâm huyết của nữ nghệ sĩ, bà đã làm việc bằng tất cả trái tim. Sau khi về hưu, bà dành hết tâm huyết truyền cảm hứng, tạo niềm tin cuộc sống cho biết bao mảnh đời khiếm khuyết.

Bà gom góp những đồng lương hưu ít ỏi cùng với sự sẻ chia của bạn bè nghệ sĩ, nhà hảo tâm để bồi dưỡng tâm hồn người bất hạnh bằng tình thương nghệ thuật. Bà đi đến từng làng mồ côi, từng trường khuyết tật, từng gia đình cựu chiến binh, giáo viên khó khăn tìm những em nhỏ có năng khiếu để gọi vào trường. Mỗi khóa như vậy trên dưới 50 em, có lúc cao điểm tới gần cả trăm em theo học.

Lúc sinh thời, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi là người sống kín đáo trước truyền thông. Được biết, vào những ngày cuối đời, nghệ sĩ sống tại TP. Đà Nẵng. Bà có con trai là nhạc sĩ Trần Hùng – chồng cũ của ca sĩ Ngọc Anh 3A. Sau này, cặp đôi này chia tay nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi vẫn xem Ngọc Anh là con cái trong nhà và Ngọc Anh giữ tình cảm đặc biệt với mẹ chồng cũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem