Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày xưa, người ta nghĩ tôi là người ái nam ái nữ”

Tuệ Lâm Thứ ba, ngày 15/10/2024 06:10 AM (GMT+7)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ, chỉ vì ông lấy vợ muộn mà ngày xưa nhiều người nghĩ ông có vấn đề về giới tính, "ái nam ái nữ"... trong khi kỳ thực ông yêu từ rất sớm.
Bình luận 0

Mới đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có buổi giao lưu và gặp gỡ các ông bố, bà mẹ trẻ và người yêu sách tại Nhà sách Tân Việt (cơ sở Gia Lâm, Hà Nội). Tại sự kiện này, ngoài việc đưa ra những lời khuyên dành cho các phụ huynh trẻ, nhà thơ còn ký tặng 100 cuốn sách Góc sân và khoảng trời vừa được tái bản.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể chuyện lén đọc sách "cấm" của anh trai

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bộc bạch rằng, ông không dám đưa ra bất kỳ lời khuyên nào cho các ông bố, bà mẹ trẻ. Vì trên cuộc đời này, không có ai hơn ai để đưa ra lời khuyên. Ông chỉ chia sẻ những câu chuyện của bản thân để các ông bố, bà mẹ soi chiếu và rút ra bài học cho mình.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày xưa, người ta nghĩ tôi là người ái nam ái nữ” - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ký tặng sách cho các độc giả nhí. Ảnh: NS Tân Việt

"Kinh nghiệm của người này bây giờ cũng lạc hậu so với người kia. Vì thế, chúng ta phải tự tìm con đường để hướng các con đến với thế giới văn minh. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì các con cũng không thể bỏ việc tự đào tạo, tự nâng mình lên và không có cách nào tốt hơn là đọc sách. Những người giỏi nhất, thành công nhất đều là những người có khả năng tự đào tạo cao… Không có khả năng tự đào tạo thì rồi sẽ tái mù thôi", nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng thú nhận, ông không có tài siêu việt "thần đồng" như nhiều người nói, ông chỉ có một bí quyết đó là đọc sách. Và ông cảm thấy may mắn khi sinh ra trong một gia đình thuần nông nhưng dòng họ lại có truyền thống chữ nghĩa.

"Dòng họ nhà tôi, ở phía bên mẹ chủ yếu làm Đông y. Ông ngoại và cậu tôi là những thầy thuốc Đông y rất giỏi nghề. Người ta chết lâm sàng rồi mà cụ vẫn cứu được. Có người bị bệnh viện trả về mà cụ vẫn nhận chữa và chữa khỏi bệnh cho. Phía bên nội tôi toàn là khoa bảng. Cả họ nhà tôi có 3 cụ đều đỗ Tiến sĩ, làm đến chức Tể tướng, đều có văn bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ngày xưa, bố của cụ Nguyễn Du đã về đến đất dòng họ nhà tôi. Bố của cụ Lê Quý Đôn cũng đã về gặp gỡ các cụ bên nội nhà tôi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày xưa, người ta nghĩ tôi là người ái nam ái nữ” - Ảnh 2.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chụp ảnh với những người mến mộ. Ảnh: NS Tân Việt

Nhưng đến đời bố mẹ tôi lại thất học. Bố tôi là thợ cày chính hiệu. Mẹ tôi không được đến trường ngày nào. Ngày đó, người ta nói, phụ nữ không nên đi học làm gì cả vì đi học rồi về cũng chỉ viết thư cho trai thôi. Bù lại, mẹ tôi thuộc lòng cả cuốn Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Mẹ tôi thuộc Truyện Kiều là nhờ bà tôi dạy (mẹ tôi gọi bằng cô), bà tôi lại được cụ tôi dạy cho. Các cụ toàn dạy truyền khẩu vì không ai biết chữ cả.

Năm tôi học lớp 2, mẹ đã dạy tôi thuộc gần nửa cuốn Truyện Kiều rồi, em tôi cũng thế và anh trai tôi cũng vậy. Nhà tôi ngày xưa nghèo lắm, rất nghèo. Nếu các anh chị theo dõi những bức ảnh chụp Trần Đăng Khoa ngày xưa thì sẽ thấy tôi mặc những tấm áo trông rất kinh khủng. Đó là những tấm áo đã nát bươm ra rồi, không thể dùng được nữa nhưng mẹ tôi vẫn gom những chiếc áo rách lại, nhặt những mảnh còn lành, khâu chúng lại thành áo mới cho con mặc. Thời thơ ấu, chúng tôi toàn mặc những áo như thế thôi. Ăn đói, mặc rét, rất khổ.

Nhưng bù lại, gia đình tôi lại có một tủ sách rất đầy, khoảng 3000 cuốn sách. Tủ sách này có được là nhờ ông anh của tôi rất yêu văn chương. Cứ đi dạy học được bao nhiêu tiền là dành dụm lại để mua sách. Hồi đó, bác ấy đi dạy ở Quảng Ninh nhưng tủ sách kê ở quê nhà Hải Dương, chìa khóa tủ sách thì nhét vào trong thân tượng nhà văn Macxim Gorky kê trên nóc tủ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày xưa, người ta nghĩ tôi là người ái nam ái nữ” - Ảnh 3.

Rất đông bố mẹ trẻ và người yêu sách đến giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ảnh: NS Tân Việt

Trong tủ sách có nhiều cuốn sách ông anh ghi là sách cấm. Cuốn Đỏ và đen cũng bị xem ghi là sách cấm; Giông tố của Vũ Trọng Phụng cũng bị xem là sách cấm; Thi nhân Việt Nam cũng ghi là sách cấm. Anh ấy ghi bên ngoài là "Sách cấm – đài báo nói là sách độc hại". Nhưng hồi đó, cứ cuốn sách nào ghi sách cấm tôi lại mò ra tôi đọc. Vì riêng mấy cái vụ cấm đoán là lúc nào cũng gợi sự tò mò và hấp dẫn. Tôi đọc cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân; Giamilia, Truyện Núi đồi và thảo nguyên của Aimatop; Đỏ và đen của Stendhal…

Đọc những cuốn sách đó tôi mới biết, xung quanh mình có một thế giới rất tuyệt vời. Thế giới ấy nằm ngoài lũy tre làng. Có một lần tôi tìm thấy cuốn Tấm lòng chúng em của các bạn thiếu nhi viết về Bác Hồ. Tôi đọc cái là nhớ ngay vì đó là tập thơ của thiếu nhi. Tôi ngộ ra "Ơ, các bạn làm thơ được thì mình cũng làm thơ được" thế là tôi bắt đầu làm thơ. Không ai dạy tôi làm thơ cả, chỉ có sách dạy tôi thôi. Tôi đọc xem các bạn làm thơ như thế nào, vần với nhau ra làm sao", nhà thơ Trần Đăng Khoa kể.

Từng bị nghi ngờ về giới tính vì lấy vợ muộn

Kể về thời đi học của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, hồi đó, 3 bạn ngồi cùng bàn mới được chia một cuốn sách giáo khoa. Bạn ngồi giữa mở sách ra, hai bạn ngồi hai bên ghé vào nên thời đó nhiều bạn mắc tật lác mắt. Lớp của nhà thơ Trần Đăng Khoa rất nhiều bạn bị lác mắt. Ông bị ám ảnh bởi những cô bạn gái rất xinh nhưng bị lác mắt.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày xưa, người ta nghĩ tôi là người ái nam ái nữ” - Ảnh 4.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa được nhiều bố mẹ trẻ xin chụp ảnh cùng. Ảnh: NS Tân Việt

"Thời cấp 2 tôi đã viết một bài thơ tặng cho cô bạn bị lác mắt trong lớp. Bài thơ rằng: Ôi mắt em đẹp quá/ Nhìn được những hai nơi/ Nhìn anh chỉ một mắt/ Một mắt liếc ông trời/ Ông trời thì chẳng có/ Chỉ có mỗi anh đây/ Đừng để anh đến lớp/ Bơ vơ như giờ đây.

Sau này, vì quá ám ảnh với những người con gái mắt lác nên ông lại làm thêm một bài thơ nữa: Con mắt trời nóng bỏng/ Rừng rực những ngôi sao/ Đêm đêm con mắt ấy/ Cháy bùng trên mặt ao/ Thẳm sâu con mắt đất/ Hun hút những giếng khơi/ Đêm đêm con mắt ấy/ Nói điều chi với trời?".

Năm học lớp 9, tôi lại có bài thơ tặng cho cô bạn gái tên Nhung tôi rất thích: "Trời mưa anh bước xuống đò/ Chỉ thương em đứng trên bờ nhìn theo/ Bờ lùi dáng nhỏ liêu xiêu/ Chiều từ ấy thành chiều nhớ Nhung"

Mãi 60 năm sau tôi mới gặp lại bạn Nhung, khi đó cả hai đều già rồi, tôi mới thành thật thú nhận: "Hồi đó tớ thích bạn lắm!", bạn ấy bảo: "Sao hồi đó cậu không nói cho tớ hay". Và bạn ấy bảo tôi đọc lại bài thơ tôi làm ngày xưa cho bạn ấy nghe".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thú nhận rằng, ông từng bị nhiều người lầm tưởng là có vấn đề về giới tính, "ái nam, ái nữ" chỉ vì lấy vợ muộn quá. Đến tuổi 45 ông mới lấy vợ. "Sau này nhiều người hỏi vì sao tôi lại lấy vợ muộn, tôi không phải lấy vợ muộn, mà vợ tôi… muộn lấy tôi đấy chứ. Nếu bà ấy lấy tôi sớm thì tôi lại vi phạm luật... hôn nhân.

Tôi vốn là gã cầu toàn. Thông th­ường, người ta xây dựng gia đình rồi mới lo sắm mọi thứ, còn tôi thì chuẩn bị đầy đủ rồi mới lấy vợ. Từ mua nhà, sắm các đồ dùng, đến cả những cái li ti như: ống tăm, cái kẹp tỏi... Sắm hết mọi thứ đầy đủ rồi mới lo đến việc cuối cùng là… sắm vợ", nhà thơ Trần Đăng Khoa giải thích thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem