"Táo Giao thông" Chí Trung chia sẻ: "Hôm nay là ngày giỗ bố tôi, NSND Quý Dương, xin thắp một nén nhang đến ông ạ!".
Anh tự đánh đàn và thể hiện bài "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" - ca khúc từng được bố anh hát lúc sinh thời. Nam nghệ sĩ muốn dành bài hát này như món quà tưởng nhớ đến người bố quá cố.
Khoe giọng hát khỏe khoắn, Chí Trung cho biết anh không dám so sánh với NSND Quý Dương, anh tự nhận bản thân chỉ bằng "một phần triệu" của bố.
Clip Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung hát tưởng nhớ bố là NSND Quý Dương. Nguồn: FBNV
Nam nghệ sĩ chia sẻ: "Ca khúc này bố tôi - NSND Quý Dương hát rất hay, một thời để nhớ. Tôi không có ý định dám so sánh với bố tôi, chỉ bằng một phần nghìn, một phần triệu của ông. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn nhớ về bố tôi với ca khúc này. Tôi xin hát tặng các bạn".
Trước đó, Minh Trung - con trai NSƯT Chí Trung chia sẻ: "Hôm nay là sinh nhật của ông nội mình, và hôm qua cũng lại là ngày mất của ông (tính theo lịch âm) - NSND Quý Dương. Thằng cháu "đít nhôm" của ông tối qua say quá quên cả đường về".
Nghệ sĩ Nhân dân Quý Dương - Quý tử đất Hải Dương, có con là NSƯT
NSND Phạm Quý Dương sinh năm 1937 ở Hải Dương, cha mẹ ông chọn tên gọi Quý Dương để đặt cho con với hàm nghĩa "Quý tử sinh ở đất "Hải Dương", kỷ niệm nơi người cha làm việc khi đó.
Ngay từ khi là học sinh Trường Chu Văn An, Quý Dương thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường. Năm 17 tuổi, chàng trai Quý Dương cùng các bạn của mình thành lập dàn nhạc Tuổi Xanh đi hát phục vụ đồng bào. Ông là người hát thành công nhất những ca khúc như: "Tình ca", "Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng", "Cùng anh tiến quân trên đường dài", "Đàn chim Việt", "Trương Chi", "Thiên thai"... Trong những ngày Mỹ ném bom Hà Nội, NSND Quý Dương là người thường xuyên túc trực tại Đài Tiếng nói Việt Nam (ông là người hát đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam), thậm chí ngay tại trận địa pháo hát phục vụ chiến sĩ và đồng bào.
Những năm 1979 - 1983, nghệ sĩ Quý Dương được cử đi học thanh nhạc ở Bulgaria. Sau đó, ông là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, là nghệ sĩ hát opera đầu tiên của Việt Nam. Ông còn là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó nhiều người đã tạo dựng được tên tuổi như: Trung Đức, Thuỳ Mỵ, Bích Việt... Năm 1993, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân bởi hàng loạt cống hiến của ông dành cho nền nghệ thuật nước nhà. Nghệ sĩ Quý Dương qua đời năm 2011.
NSND Quý Dương có 4 người con, trong đó NSƯT Chí Trung theo đuổi nghiệp diễn xuất, những người còn lại đều là giảng viên, nghệ sĩ piano. Nói về cha, NSƯT Chí Trung từng khẳng định: "Đối với tôi, bố tôi là một người vĩ đại". Anh chia sẻ, không chỉ có công sinh thành, ông còn cho anh một nhân cách làm người, một vị trí để vào đời.
Do truyền thống nghệ thuật của gia đình, thuở nhỏ NSƯT Chí Trung cũng bị ép phải học violon. Tuy nhiên, sau 4 năm, việc học violon không thành công. NSƯT Chí Trung quyết định thi tuyển vào Nhà hát Tuổi trẻ và sau đó gắn bó với ánh đèn sân khấu.
NSƯT Chí Trung có những thành công với chính kịnh qua các vai diễn điển hình trong nhiều vở lớn như: Romeo trong "Romeo và Juliet", Đôn-sứt trong "Lời thề thứ 9", Tạ Quay trong "Trò đời". Tại Táo Quân, anh cũng được yêu quý với vai Táo Giao thông hài hước, thú vị.
Sau nhiều năm làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, hiện tại NSƯT Chí Trung đã về hưu. Anh tận hưởng cuộc sống bên bạn gái kém 17 tuổi, thường xuyên đi du lịch, khám phá các địa điểm trong và ngoài nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.