Nghệ sĩ và "mốt" viết tự truyện: Khoe mẽ coi chừng... hầu tòa!

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 20/04/2016 06:34 AM (GMT+7)
Tự truyện, hồi ký đang là mốt, không chỉ trong giới nghệ sĩ hay người nổi tiếng. Tuy nhiên, viết thế nào để tác phẩm không gây ảnh hưởng xấu tới những người liên quan, đặc biệt là không xâm phạm tới đời tư người khác là vấn đề cần lưu tâm.
Bình luận 0

Kể hết hay có điểm dừng?

Điểm lại những cuốn tự truyện gần đây, có thể thấy nhiều cuốn có những chi tiết gây tranh cãi, thậm chí ảnh hưởng tới đời sống gia đình của những người liên quan. Chẳng hạn, tự truyện của ca sĩ Long Nhật tiết lộ rất nhiều chi tiết gây sốc về đời tư như giới tính, bị bác sĩ nam sàm sỡ, về chuyện phòng the với người vợ trong khi mình mang nhiều nghi án “man cong”.

img

Hồi ký của diễn viên Thương Tín, tự truyện của ca sĩ Khánh Ly và cuốn “Lê Vân - Yêu và sống”.

Hoặc tự truyện của ca sĩ Thanh Thảo thì lại “tô đậm” chuyện tình cảm với diễn viên Bình Minh trong khi anh này đã vợ con đề huề, yên ấm khiến gia đình Bình Minh liêu xiêu một thời gian. Đặc biệt hai cuốn tự truyện gây nhiều tranh cãi không chỉ trong công chúng mà ngay cả trên các mặt báo cũng như trong chính gia đình của tác giả, đó là “Yêu và sống” của NSND Lê Vân và “Một đời giông bão” của nghệ sĩ Thương Tín.

Ngay khi cuốn tự truyện “Yêu và sống” của NSND Lê Vân chính thức phát hành đã khiến dư luận chấn động vì những gì được viết trong đó. Cuốn tự truyện gây tranh cãi nhất là về phần Lê Vân nói về bố mình - NSND Trần Tiến, như là một người vô dụng, "người chưa bao giờ đưa nổi một tháng lương về cho vợ con, người đắm chìm trong những cuộc tình triền miên từ trẻ cho đến giờ". Nhiều người đã sửng sốt khi nghe Lê Vân kể về lần bố bắt mẹ phá thai. Cuốn hồi ký đã gây xích mích trong chính ngôi nhà của NSND Lê Vân.

“Một đời giông bão” của Thương Tín, kể về tuổi thơ và duyên nợ đưa ông đến với nghệ thuật, đặc biệt là Thương Tín đã kể khá chi tiết về những người đàn bà đã đi qua đời ông. Có những người đàn bà ông đổi tên, nhưng có những người ông vẫn để nguyên tên như nghệ sĩ Diễm My. Ngay khi cuốn tự truyện ra mắt, rất nhiều ý kiến trái chiều đã phản đối, nói Thương Tín già rồi còn cố muốn nổi tiếng.

Cuốn hồi ký “Chuyện kể sau 40” của danh ca Khánh Ly cũng  đề cập rất trung thực những cái tên được chỉ đích danh. Ca sĩ Khánh Ly kể rất chi tiết về những mối tình trong đó là những rung cảm khát khao với thiếu tá Lê Nguyên Hải hay với trung úy không quân Lưu Kim Cương.

Gần đây nhất là cuốn “Lạc giữa tuổi thanh xuân” của Huyền Anh (Bà Tưng) cũng có nhiều chi tiết nhạy cảm khi kể về  mối tình với người đàn ông đầu tiên của cô, dù thời điểm hiện tại, người đó đã có cuộc sống riêng, có vợ con.

Nên kiểm soát mọi chuyện

Hồi ký, tự truyện có nên đề cập công khai danh tính người khác, nhất là chuyện đời tư? Chia sẻ về điều này, ca sĩ Tùng Dương bày tỏ quan điểm: “Mục đích khi viết ra sự thật của người viết tự truyện, nếu là người đàng hoàng, đứng đắn, thì sẽ biết điểm dừng.

Biết chuyện nào có lợi thì hãy nói. Còn với những câu chuyện nếu nói ra gây đau lòng cho người khác, gây tranh luận trái chiều, khi quá khứ đã khép lại thì tôi nghĩ không nên. Bản thân tôi, tôi không thể khuyên người nào đó nên viết thế này hay không nên viết thế kia. Với tôi, cũng không ai dạy mình nên làm điều này là đúng, điều kia là sai. Nhưng tôi biết lý trí của mình đã giúp mình kiểm soát tốt hơn mọi chuyện. Nếu bản năng là điều có thể khiến mình làm sai bất cứ lúc nào, thì lý trí lại là điều kéo mình lại và cho mình suy nghĩ có nên làm điều đó hay không”.

Được hỏi về vấn đề này, ca sĩ Việt Hoàn tâm sự: “Mỗi số phận, cuộc đời con người đều có những thăng trầm, vấp ngã, thậm chí là bị đối xử tàn nhẫn, bất công từ xã hội hay người thân, bạn bè, đồng nghiệp nào đó. Thế nhưng, nếu như người nghệ sĩ, bất kể vô tình hay cố ý, lấy những điều này làm chất liệu để viết ra sự thật trần trụi trong cuốn tự truyện, tiếp tục dùng sự tàn nhẫn đó đối chọi với tàn nhẫn mà mình đã từng gánh chịu, như vậy chẳng khác nào người nghệ sĩ đó trở nên tàn nhẫn gấp 100 lần những gì mà họ đã bị nhận trong quá khứ. Cá nhân tôi, nếu viết tự truyện thì với những người đã từng liên quan tới mình trong quá khứ, nếu viết ra mà ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại của họ thì tôi sẽ không đưa vào tự truyện của mình”.

“Khi viết “Một đời giông bão”, tôi có mong muốn dành dụm một chút tiền cho con gái nhỏ của mình. Tôi cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì mình nói hay viết bởi tôi chỉ có thể công bố sự thật. Có thể có những ý kiến khác nhau, nhưng tôi không thay đổi quan điểm của mình” .

Nghệ sĩ Thương Tín

Có rất nhiều lý do để người nghệ sĩ muốn viết câu chuyện, cuộc đời mình lên trang sách, đấy cũng là điều dễ hiểu và bình thường. Thế nhưng, khi quyết định viết tự truyện, nghệ sĩ cũng cần có những cân nhắc và dung hòa được sự quan tâm của công chúng để giữ lại những bí mật riêng của mình là điều cần thiết, để tránh trở thành hình ảnh “lố” trong mắt công chúng, làm ảnh hưởng tới những người thân hoặc người đã có duyên nợ trong cuộc đời.

Theo luật gia Trần Công Trục, nếu chỉ đơn thuần nói đến chuyên môn thì không cần phải hỏi ý kiến. Nhưng nếu chưa có sự xin phép, đồng ý từ những người liên quan, họ sẽ quy trách nhiệm là xâm phạm tới đời tư của họ. Và nếu đã thành vi phạm tới đời tư, thì tùy theo cách viết, mức vi phạm ở mức độ nào để kết luận. Thậm chí với việc xâm phạm đời tư về luật hình sự, họ có thể kiện ra tòa án hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem