Như Dân Việt đã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan việc quyên góp từ thiện của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sỹ Hoài Linh) do không có dấu hiệu tội phạm.
Trước đó nghệ sỹ Hoài Linh bị một số người gửi đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, tố cáo về việc ông Linh có hành vi chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng qua việc kêu gọi từ thiện các tỉnh miền Trung vào tháng 10/2020.
Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Hoài Linh quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020 là 15,4 tỷ đồng.
Trong đó, nghệ sỹ Hoài Linh đã quyên góp bằng tiền cá nhân hơn 500 triệu đồng để chung tay cứu trợ đồng bào. Sau khi nhận được quà cứu trợ, nhiều địa phương đã có thư cảm ơn.
Nghệ sỹ Hoài Linh có đăng ký kết thúc đợt quyên góp, nhưng sau đó các nhà hảo tâm vẫn tiếp tục gửi tiền vào tài khoản của ông.
Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hoài Linh bị bệnh nên nghệ sĩ đã không thể đi miền Trung, dẫn đến chậm trễ giải ngân tiền từ thiện. Tuy nhiên, sau đó, Hoài Linh đã ủy quyền cho người quen đi trao tiền từ thiện ở miền Trung.
Từ đó Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho rằng không có dấu hiệu tội phạm nên không khởi tố vụ án.
Những người tố cáo Hoài Linh có bị xử lý?
Sau thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi, cơ quan chức năng đã kết luận nghệ sỹ Hoài Linh không ăn chặn tiền từ thiện, những người tố cáo có bị xử lý về hành vi vu khống?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, vu khống, bịa đặt là hư cấu những chuyện không có thật; loan truyền những chuyện, những điều biết rõ là bịa đặt, vu oan cho người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước, cho rằng họ đã phạm một tội nào đó.
Hành vi vu khống có thể thực hiện thông qua các hình thức như truyền miệng, viết bài, gửi đơn, thư tố giác, thư nặc danh... Trường hợp người đưa tin bịa đặt nhưng lầm tưởng những điều họ loan tin là có thật thì không phạm tội.
Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Tội vu khống được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi loan truyền những điều bịa đặt cho người khác biết hoặc tố cáo với cơ quan nhà nước về việc người khác phạm tội.
Tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Theo Điều 156 thì người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Cường cho rằng, trong vụ việc của Hoài Linh, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nội dung tố cáo là gì, nếu nội dung đó hoàn toàn sai sự thật và những người tố cáo biết rõ điều đó mới thỏa mãn Tội vu khống.
Còn nếu có sự việc xảy ra nhưng hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ không thể xác định hành vi tố giác của họ là hành vi vu khống.
Những người tố cáo Hoài Linh có quyền khiếu nại
Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, những người tố giác Hoài Linh nếu không đồng ý với quyết định không khởi tố của Công an TP HCM và choc ho rằng quyết định trái pháp luật thì có thể khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT.
Theo luật sư Hòe, khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT là quyền của người tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 158, Điều 469 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT là cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.