Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ, hơn 9h ngày 22.2, qua đường dây nóng của Trung tâm, người mẹ cho biết con gái chị bị ung thư sắp qua đời và hy vọng được hiến tạng. Ông Phúc đã điện thoại cho người mẹ và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, do cháu bé chưa đủ tuổi, lại không phải trong trường hợp chết não nên chỉ có thể nhận được 2 giác mạc khi cháu mất.
Các kỹ thuật viên tiến hành lấy giác mạc (Ảnh BSCC)
“Khi tôi tư vấn cho chị như vậy, chị ấy đã nghẹn ngào qua điện thoại và nói: “Tôi muốn nghe được nhịp đập của trái tim con bé trong lồng ngực của ai đó được cứu sống bằng trái tim của cháu. Nếu chỉ hiến được giác mạc thôi thì chưa đủ”. Thật xót xa và cũng thật vĩ đại cho tình yêu của người mẹ” – ông Phúc xúc động kể.
Đến hơn 3h chiều 22.2, ông Phúc lại nhận được điện thoại của người mẹ báo tin con mình đã mất. Trung tâm đã cử 2 cán bộ, cùng với nhân viên của Ngân hàng Mắt trung ương, đến tận nhà cháu bé để nhận giác mạc.
Cảnh khiến mọi người xúc động nhất là khi đến, mọi người gặp người mẹ đang nằm ôm con trên giường. Cháu bé rất xinh đẹp và an bình như đang ngủ, khiến mọi người cứ nghĩ rằng cháu sắp tỉnh dậy, lại chạy nhảy vui đùa ngay được. Người mẹ dù đau đớn nhưng vẫn gượng dậy để cho nhân viên y tế lấy giác mạc của con. Và sau khi thủ tục hoàn tất, chị tận tay đóng lại chiếc hộp bảo quản giác mạc mắt của con và trao cho nhân viên y tế. Cùng có mặt lúc đó, ông nội của cháu cũng đồng ý với quyết định của người mẹ.
Giác mạc của cháu bé đã được trân trọng lưu giữ (Ảnh BSCC)
Là người trực tiếp lấy giác mạc cho cháu bé, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương kể lại: “Trước khi các phẫu thuật viên làm thủ tục nhận giác mạc hiến, mẹ cháu bé ôm con gái và nói: "Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé" rồi đặt nụ hôn lên trán cháu. Kết thúc quá trình nhận giác mạc, mẹ cháu đã ngắm cháu và nói: "Mẹ tự hào về con". Hơn 10 năm làm công việc này tôi chưa bao giờ cảm xúc đến thế. Tôi cảm nhận được tình yêu vô bờ bến người mẹ dành cho con và rất trân trọng hành động hiến tặng giác mạc của gia đình cháu bé để mang lại ánh sáng cho những người không may mắn khác” – ông Hoàng xúc động.
Người mẹ đó là chị Nguyễn Trần Thùy Dương (sinh năm 1985), con gái Hải An của chị mới 7 tuổi, bị phát hiện ung thư thần kinh thể sao hồi tháng 9.2017. Chị vốn là nhân viên y tế từng làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô nhưng khi con bị bệnh, chị đã nghỉ việc để đồng hành từng giây từng phút với con trong việc điều trị. Đến khi nhận được hung tin là con chị không thể qua được, chị đã nén đau thương, gọi điện cho Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để hy vọng cứu giúp người khác và sự sống của con được nối dài mãi.
“Chị ấy tâm sự với tôi trước khi mất, chị ấy cũng đã chia sẻ với con gái về việc ghép tạng và con chị đã vui vẻ đồng ý. Nhưng vì sức con yếu quá, chị chưa kịp đưa con đến Trung tâm để đăng ký hiến tạng được” – ông Phúc chia sẻ thêm.
Dù đau buồn nhưng chị Dương vẫn đồng ý chia sẻ thông tin của con gái với cộng đồng để xã hội hiểu hơn về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tạng, góp phần lan tỏa cộng đồng, muốn nhiều người hiểu hơn, dũng cảm hơn, mạnh mẽ hơn để sẵn sàng trao tặng một phần cơ thể mình hay người thân khi không may bị tai nạn, chết não, qua đời.
Ông Phúc cho biết, người nhận giác mạc bé Hoài An đang được lựa chọn, nhưng chắc chắn sẽ ưu tiên trao cho một em bé khác. Chị Dương cũng chia sẻ mong muốn một ngày kia chị có thể nhìn thấy đôi mắt của con mình đang bừng sáng trên một gương mặt khác.
Theo ông Phúc, đáng tiếc là nguyện vọng hiến tạng con gái của người mẹ đã không được thực hiện. “Luật Hiến mô tạng quy định người hiến tạng khi sống hay khi chết não phải là người từ 18 tuổi trở lên, trước đó đã có đăng ký hiến tạng, mô tạng. Người hiến phải được xác nhận là chết não. Trong trường hợp con chị Dương, cháu mới 7 tuổi, chưa đủ tuổi đăng ký hiến tạng, mô tạng. Đồng thời trong hoàn cảnh của cháu cũng không phải là chết não. Cả hai điều kiện cháu đều không đủ. Do đó, theo Luật, chúng tôi chỉ có thể nhận giác mạc khi cháu đã qua đời” – ông Phúc giải thích thêm.
Ông Phúc chia sẻ, đã không ít lần ông nhận được những cú điện thoại của các bậc cha mẹ có con bị bệnh, bị tai nạn, được chẩn đoán không qua khỏi nên muốn hiến tạng. Tuy nhiên các cháu đều không đủ 18 tuổi nên đều không thể nhận được. “Cha mẹ các cháu đều có một khao khát là dù con mình mất đi nhưng một phần thân thể của các cháu vẫn còn sống và sống có ý nghĩa trong cơ thể một người khác. Nhưng Luật đã quy định thì chúng tôi không thể làm khác đi được” – ông Phúc nói.
Hiện nay, tại một số nước như Mỹ, Luật hiến tạng của họ đã điều chỉnh mở rộng đối tượng hiến tạng do chết não có thể dưới 18 tuổi. “Từ câu chuyện thực tiễn của mẹ con chị Dương, có lẽ thời gian tới chúng tôi sẽ có đề xuất với Quốc hội để bổ sung cho phép các trường hợp dưới 18 tuổi khi có sự đồng ý của gia đình cũng có thể đăng ký hiện tạng nếu có trường hợp rủi ro xảy ra, để cơ thể họ có thể giúp đỡ được cho hàng trăm ngàn người bị bệnh hiểm nghèo, chờ chết từng ngày vì không có tạng để cấy ghép” – ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, đây là 1 trong 2 trường hợp nhỏ tuổi nhất hiến tặng giác mạc. Trước đó, năm 2010, Ngân hàng Mắt cũng từng nhận giác mạc của một bé trai 6 tuổi ở Ninh Bình. Cháu bé mất trong một tai nạn giao thông và gia đình quyết định hiến giác mạc của cháu.
Thống kê cho thấy trên cả nước có trên 30.000 người và riêng tại Bệnh viện Mắt Trung ương hiện có 1.000 người đang sống trong cảnh mù lòa do bệnh lý giác mạc và cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm nên số người hiến giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.