Nghị định mới về phân bón: Sắp "đẻ" ra hàng loạt giấy phép con?

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 14/10/2017 13:05 PM (GMT+7)
Nghị định mới về quản lý phân bón dường như không đạt được kỳ vọng của các doanh nghiệp (DN) như những góp ý trước đó đã đề xuất.
Bình luận 0

Sau nhiều lần lấy ý kiến DN và sửa chữa bổ sung, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20.9.2017 nhằm thay thế Nghị định 202 về quản lý phân bón cùng các văn bản kèm theo. Tuy nhiên, dường như Nghị định mới này lại không đạt được kỳ vọng của các DN như những góp ý trước đó đã đề xuất.

Theo phân tích của các đại biểu tham dự Hội thảo Phổ biến Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón diễn ra sáng nay tại TP.HCM, Nghị định 108 vẫn còn rất nhiều điều khoản không hợp lý, mù mờ trong phân cấp quản lý... khiến các DN rất băn khoăn khi triển khai. Chưa kể, những tốn kém và phiền toái có thể còn tăng hơn nữa so với Nghị định 202 trước đó.

img

Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón đã được ban hành, song dường như vẫn không đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp. (Ảnh: Quốc Hải)

Hết quản lý chồng chéo, nhưng...

Thực tế, trước thời điểm Nghị định 108/2017/NĐ-CP ra đời, công tác quản lý phân bón được giao cho 2 cơ quan là Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNN. Việc này đã gây ra sự chồng chéo trong quản lý nhà nước, gây tốn kém và phiền hà cho các DN. Chính vì vậy, khi Nghị định 108 ra đời thay thế cho Nghị định 202 về quản lý phân bón đã phần nào đáp ứng được mong muốn thoát khỏi tình cảnh “một cổ 2 tròng” của các DN.

Tuy nhiên, dường như “viễn cảnh tươi sáng” đó chưa thực sự hoàn hảo bởi Nghị định mới này vẫn còn khá nhiều điều khoản có thể gây... tắc thở cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đại diện một DN sản xuất phân bón tại Bình Dương, ý kiến theo quy định mới của Nghị định 108/NĐCP-2017 có hiệu lực từ 20.9.2017, tất cả các loại phân bón mới NPK (trộn, một hạt) đều phải đăng ký khảo nghiệm, khi khảo nghiệm phải đạt yêu cầu thì DN mới làm đơn xin công nhận lưu hành sản phẩm để được chuyển qua công bố hợp quy. Như vậy, các DN sản xuất phân NPK đã bị nhà quản lý siết "hai tròng", đó là vừa khảo nghiệm vừa công bố hợp quy.

img

Dây chuyền sản xuất phân bón tại Công ty CP phân bón Bình Điền. Ảnh: Kinh tế và Đời sống

“Trước đây, DN sản xuất hoặc nhập khẩu phân bón NPK muốn đưa sản phẩm ra thị trường với hàng chục công thức như: 16-16-8; 20-20-15; 15-15-15;... thì DN chỉ cần có Giấy phép sản xuất (hoặc gia công) và Giấy tiếp nhận công bố hợp quy của Sở Công thương ở các địa phương cấp. Bây giờ nếu còn có thêm yêu cầu khảo nghiệm thì chẳng khác nào... làm khó DN vì thực tế vai trò của phân tổng hợp NPK đối với cây trồng đã được thế giới khẳng định cả trăm năm nay. Bây giờ bắt khảo nghiệm lại thì vừa tốn kém, tốn thời gian lại không có ý nghĩa”, đại diện DN này nói.

Đây cũng là tiếng nói chung của hàng loạt các DN sản xuất phân bón NPK như: Bình Điền, Phân bón miền Nam, Tiến Nông,... bởi với hàng trăm loại sản phẩm, nếu áp dụng thêm yêu cầu khảo nghiệm thì chi phí cho công tác này sẽ đội lên một son số khổng lồ.

Số lượng sản phẩm phân bón đã công bố hợp quy tính đến tháng 1.2017 mới chỉ có 6.052 sản phẩm (Gồm 5.675 phân bón vô cơ do Bộ Công Thương tổng hợp, công bố và 377 phân bón hữu cơ và phân bón khác do Bộ NN&PTNT công bố).

Tuy nhiên, sau 8 tháng sau khi tiếp nhận bàn giao quản lý từ Bộ Công Thương thì số lượng sản phẩm phân bón công bố hợp quy đã tăng lên thành 14.174 sản phẩm, tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm tháng 1.2017. Trong đó, số phân bón vô cơ tăng 7.748 sản phẩm và  phân bón hữu cơ, phân bón khác tăng 374 sản phẩm.

Bên cạnh quy định khảo nghiệm phân NPK, đa số các đại biểu đều thắc mắc về sự mù mờ trong phân cấp quản lý. Ông Nguyễn Minh Trung, đại diện một DN sản xuất phân bón tại Đồng Nai, dẫn chứng, nếu ở Nghị định 202 quy định thanh tra ngành nông nghiệp với quản lý thị trường và UBND các quận, huyện có quyền lấy mẫu, phân tích và phạt (hoặc tham mưu phạt) với các cơ sở phân bón kém chất lượng thì tại Nghị định 108 này, sự phân cấp cũng vẫn còn chồng chéo.

Cụ thể, đại biểu này dẫn chứng, theo Khoản 3, điều 42 ghi rõ “Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động buôn bán phân bón”; đồng thời, Khoản 7 ghi “UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng, nhiệm vụ trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng phân bón… thanh kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất”. Như vậy, quy định về phân cấp quản lý tại Nghị định mới đâu khác gì Nghị định 202?

Sẽ “đẻ” ra hàng loạt giấy phép con?

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng lo lắng về việc Nghị định mới sẽ “đẻ” ra hàng loạt giấy phép con. Cụ thể, theo quy định mới, khi một DN nhập khẩu phân bón từ nước ngoài về Việt Nam thì phải trải qua các bước: Xin giấy phép nhập khẩu phân bón về khảo nghiệm; Làm hợp đồng khảo nghiệm; Lập hội đồng xét duyệt đề cương khảo nghiệm của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNN) cho phép thực hiện.

Sau khi có kết quả khảo nghiệm (khoảng thời gian 1 năm) phải gửi kết quả khảo nghiệm đến Cục Bảo vệ Thực vật để thành lập Hội đồng xét duyệt kết quả. Sau khi được Hội đồng xét duyệt, DN làm đơn xin Cục Bảo vệ Thực vật các sản phẩm đó được phép lưu hành tại Việt Nam.

Sau khi sản phẩm được phép lưu hành ở Việt Nam, DN phải xin đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước; Sau đó DN phải phải thuê một đơn vị chứng nhận hợp quy; Sau khi sản phẩm được chứng nhận hợp quy, DN phải đưa hồ sơ đó lên Sở NN&PTNN xin công bố hợp quy.

“Không tính đến chi phí cho hàng loạt giấy phép con này, chỉ tính thời gian để đưa sản phẩm vào mùa vụ cũng là vấn đề đáng bàn khi thời gian kiểm nghiệm là quá dài”, đại diện một DN nhập khẩu phân bón tại TP.HCM, chia sẻ.

Bán phân bón phải có chứng nhận “bồi dưỡng chuyên môn”

Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón nêu rõ, tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau: Có cửa hàng buôn bán phân bón; Cửa hàng buôn bán phân bón phải có biển hiệu, sổ ghi chép việc mua, bán phân bón; Bảng giá bán công khai từng loại phân bón niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc; Có khu vực chứa phân bón; Có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng...

Đặc biệt, người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem