Nghỉ lễ 30.4, đi ăn hết Quảng Ninh với những đặc sản nức tiếng này

Thanh Tuyền Thứ tư, ngày 01/05/2019 14:00 PM (GMT+7)
Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, non nước hữu tình, mà còn bởi những món đặc sản khiến ai từng thưởng thức cũng nhớ mãi không quên.
Bình luận 0

Ẩm thực Quảng Ninh nức tiếng gần xa với những loại hải sản phong phú như tôm, cua, ghẹ, cù kỳ, tu hài, hàu, móng tay, sam, sò, ngán... Đặc biệt không thể không kể đến chả mực giã tay Hạ Long, cá thu một nắng, sá sùng,...

Thế nhưng, chỉ ăn hải sản thì chưa thể gọi là "đi ăn hết Quảng Ninh" được. Bởi nào là miến dong Bình Liêu, rượu Ba Kích, gà đồi Tiên Yên, khâu nhục, bánh gật gù Tiên Yên, bánh tài lồng ệp... bạn chắc chắn cũng phải thử một lần!

Chả mực Hạ Long

Đến Quảng Ninh mà chưa ăn chả mực Hạ Long thì cũng như chưa đến Quảng Ninh bao giờ. Và nếu đã một lần được thưởng thức, chắc chắn ai cũng không thể quên được hương vị của chả mực Hạ Long. 

img

Chỉ cần nghĩ đến chiếc chả mực Hạ Long chiên vàng ươm, dai giòn sần sật, mùi thơm "nhức mũi"... có ai mà không nuốt nước miếng.

Chả mực Hạ Long được làm chủ yếu từ mực mai. Nhưng không chỉ là mực mai thông thường, mà phải là mực mai được đánh bắt trong vùng vịnh Hạ Long thì mới tạo ra được loại chả mực Hạ Long chuẩn nhất. Chả mực ăn kèm với xôi trắng thơm dẻo hay bánh cuốn nóng, ngon hết sảy!

Sá Sùng

Đắt đỏ nhất trong các loại hải sản ở Quảng Ninh có lẽ là sá sùng. Sá sùng cũng có ở nhiều vùng biển khác như Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc... nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến sá sùng Vân Đồn Quảng Ninh.  

img

Nếu các bạn có cơ hội, hãy thử một lần cùng ngư dân đi bắt sá sùng trên những bãi bồi!

Nếu như các bạn có dịp đến Vân Đồn, ngoài thỏa sức ngụp lặn dưới làn nước biển; tản bộ tận hưởng không gian đầy nắng, gió; tham quan các làng chài... đừng quên thưởng thức đặc sản sá sùng Vân Đồn Quảng Ninh. Đặc biệt, nếu các bạn có cơ hội, hãy thử một lần cùng ngư dân đi bắt sá sùng trên những bãi bồi nhé! 

Cù kỳ

Cù kỳ có nhiều tên gọi khác nhau như cua sấm, cua đá, cùm vùm... là một loài cua thường chỉ có ở vùng biển Quảng Ninh, Khánh Hòa. Thịt cù kỳ chỉ có ở hai càng, phần thân xốp và hầu như không có thịt, giống như loại cua hoàng đế nổi tiếng của thế giới. 

img

Muốn ăn "Cua hoàng đế" của Việt Nam, các bạn chỉ có thể đến Quảng Ninh. 

Tuy cù kỳ có cả ở vùng biển Khánh Hòa, nhưng muốn ăn "cua hoàng đế" của Việt Nam thì các bạn chỉ có thể đến Quảng Ninh mà thôi!

Cua biển Quảng Yên

Thêm một loại cua biển các bạn không thể không thưởng thức khi đến Quảng Ninh là cua biển. Cua biển Quảng Yên xưa nay vốn nổi tiếng và được thực khách từ khắp nơi ưa chuộng. Tuy nhiên, cua biển đặc biệt thơm ngon, bổ dưỡng, nhiều gạch, vẫn phải nhắc đến cua biển ở vùng đất Liên Vị, TX.Quảng Yên (Quảng Ninh). 

img

Cua biển Quảng Yên đặc biệt thơm ngon, bổ dưỡng, nhiều gạch. 

Cua biển Quảng Yên được người dân nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến (ít có tác động của con người, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, không có thức ăn công nghiệp, nuôi thả bằng thức ăn tự nhiên) nên càng trở nên đặc biệt nổi tiếng. 

Ngán

Ngán có bề ngoài giống ngao, nhưng to hơn. Ngán trở thành đặc sản của Quảng Ninh bởi chúng gần như chỉ có tại khu vực cửa sông Bạch Đằng nơi giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng.

img

Ngán là đặc sản quý hiếm của Quảng Ninh bởi loài này chỉ có thể bắt trong tự nhiên, chưa thể nuôi. 

Ngán Quảng Ninh thân dày, béo ngậy, dù ăn một lần cũng nhớ mãi không quên. Ngán chế biến thành rượu ngán, khi hòa tiết ngán trong rượu có màu đỏ nhạt, khi uống có vị cay và hương thơm đặc trưng. Ngán hấp ngon ngọt, ngán nướng mỡ hành mang đậm hương vị đồng quê, ngán nấu cháo thêm chút hành, hạt tiêu thơm phức... 

Bánh gật gù Tiên Yên

Bánh gật gù được làm từ bột gạo, có vẻ bề ngoài giống bánh cuốn, bánh phở nhưng cách làm lại phức tạp hơn rất nhiều. Món gật gù Tiên Yên độc đáo ở chỗ trong lúc nghiền bột, người làm thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn.

img

Bạn đã biết cách thưởng thức đúng điệu bánh gật gù Tiên Yên chưa?

Tuy nhiên, thứ quan trọng khiến bánh gật gù Tiên Yên trở thành món ăn gây nghiện phải kể đến nước chấm. Không có thứ nước chấm đặc biệt gồm có hành khô, mỡ gà, nước mắm nguyên chất, thịt lợn băm nhuyễn... thì không thể gọi là thưởng thức đúng điệu bánh gật gù của Tiên Yên. 

Gà đồi Tiên Yên 

Gà Tiên Yên là một giống gà đồi, được nuôi thả rong, lang thang trên các triền đồi tự kiếm ăn. Chỉ đến khi nào chiều xuống, về vườn chúng mới bay lên ngủ trên các cành cây. Vì thế thịt gà Tiên Yên ngọt thơm một cách đặc biệt, săn chắc mà không dai; béo mà không ngậy. Một số nơi còn gọi giống gà này là “gà râu”, bởi dưới mỏ những con mái thường có túm lông dài.

img

Thịt gà Tiên Yên ngọt thơm một cách đặc biệt, săn chắc mà không dai; béo mà không ngậy.

Khau nhục

"Khau nhục" tức là thịt hấp đến chín nhừ. Đây là một món ăn vốn có xuất xừ từ người Hoa, còn ở các huyện miền đông Quảng Ninh, khau nhục cũng trở thành một món ăn truyền thống, không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, lễ, tết...

img

"Khau nhục" tức là thịt hấp đến chín nhừ.

Khau nhục có cách làm kỳ công, tốn nhiều thời gian và công sức. Bí quyết tạo nên hương vị có 1-0-2 của khau nhục là ở gia vị. Đó là sự kết hợp của rất nhiều loại gia vị như củ cải khô, địa liền, chanh muối, ngũ vị hương, thảo quả... Phần thịt mềm nhừ, phần bì ngòn ngọt vị mật ong, phần mỡ ngậy nhưng không ngấy... hòa quyện tạo nên hương vị khó quên của khau nhục Tiên Yên. 

Bánh tài lồng ệp

Bánh tài lồng ệp hay còn có tên là tày lồng ệp, bánh tổ, bánh cấu... mang theo tín ngưỡng thờ cúng trời đất của bà con Sán Dìu ở Quảng Ninh. Người dân Sán Dìu cho rằng Tết không có bánh tài lồng ệp là Tết không to.

img

Bánh tài lồng ệp có màu vàng nâu, trên mặt rắc một lớp vừng lạc. 

Bánh có tên rất lạ nên nhiều người từ nơi khác đến cũng tò mò và dần bị thu hút bởi món bánh dẻo thơm này.

Miến dong Bình Liêu

Về thăm các huyện miền Đông Quảng Ninh, không ghé qua Bình Liêu tìm và thử món miến dong Bình Liêu thì chuyến đi còn chưa trọn vẹn.

img

Miến dong Bình Liêu có màu xanh lục, hơi ngả xám, sợi dài, nhỏ, vị dai giòn đặc trưng.

Người dân Bình Liêu chỉ sử dụng tinh bột củ dong riềng để làm miến, lại dùng nước suối sạch đầu nguồn, phơi khô hoàn toàn nhờ ánh nắng… và đặc biệt, hoàn toàn không sử dụng phụ gia và hóa chất. Bởi vậy miến dong Bình Liêu giòn dai, nấu lâu cũng chỉ mềm hơn chút ít mà không nát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem