Quảng Ninh: Dự án kênh mương vô dụng, chủ đầu tư "xúi" dân tự sửa

Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 25/04/2019 09:52 AM (GMT+7)
Công trình Kênh bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) do Sở NN&PTNT Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Dự án triển khai từ năm 2017, bàn giao cho xã quản lý và sử dụng từ tháng 2.2018, nhưng chỉ một thời gian ngắn đã trở thành vô dụng. Hơn 20ha ruộng đồng của gần 70 hộ dân nghèo vùng cao vẫn luôn trong tình trạng khô khát
Bình luận 0

Thiết kế kênh kiểu lạ đời

Báo Điện tử Dân Việt nhận được phản ánh từ người dân bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh về tình trạng tuyến kênh mương mới được đầu tư, xây dựng, ở ngay đầu nguồn cấp nước nhưng vẫn cạn khô. 

img

Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng hồi tháng 2.2018, tuyến kênh số 1 không đảm bảo việc dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Dẫn chúng tôi đi khảo sát dọc tuyến kênh, anh Phoòng Xuân Dũng, Trưởng bản Mốc 13, nói: “Từ ngày tuyến mương được bàn giao về bản, chỉ được thời gian đầu là có nước, sau vài trận lũ nhỏ trên sông đã cuốn trôi đập dâng khiến nước không thể dẫn vào tuyến mương số 1, một lượng nhỏ vào tuyến số 2 không đủ phục vụ sản xuất”.

Một điều kỳ lạ trong việc thiết kế xây dựng hệ thống kênh tự chảy này, đó là xây kênh dốc ngược từ thấp lên cao, ngay từ đầu kênh cũng cao hơn mực nước trung bình của sông, kết quả là nước không thể về tới ruộng của bà con.

Anh Lỷ Văn Thái (SN 1987) là hộ nghèo tại bản Mốc 13, nhà có 2 sào ruộng hiện tại bỏ hoang vì không có nước. Anh Thái than: "Thửa ruộng nhà tôi nằm liền kề ngay tuyến mương mới được đầu tư sửa chữa, nhưng vụ sản xuất chính năm nay vẫn đành để cỏ mọc do không có nước để canh tác”.

Trong số 74 hộ bản Mốc 13, chủ yếu là người dân tộc Dao, sinh sống dọc bờ sông biên giới Ka Long, tiếp giáp với thị trấn Cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc),  chỉ có khoảng 12 hộ được thụ hưởng nước sản xuất nông nghiệp từ hệ thống kênh tự chảy, còn lại là những cánh đồng hoang hóa, khô cằn do thiếu nước.

Tìm hiểu từ UBND xã Quảng Đức, được biết công trình Kênh bản Mốc 13 do Sở NN&PTNT Quảng Ninh làm chủ đầu tư, xây mới dài gần 2km, chia làm 2 tuyến, với tổng kinh phí trên 4,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh theo Chương trình bố trí sắp xếp dân cư.

Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng hồi tháng 2.2018, tuyến kênh số 1 không đảm bảo việc dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất; tuyến số 2 có dẫn nước trong kênh, tuy nhiên phần lớn có cao độ đáy kênh, cao độ mực nước trong kênh thấp hơn các ruộng sản xuất dọc tuyến, không đáp ứng được nhiệm vụ thường xuyên điều tiết nước phục vụ sản xuất. Thực tế dự án trên chỉ phục vụ được cho 1 vụ sản xuất vào mùa mưa, khi mực nước sông Ka Long dâng cao.

img

Đoạn đầu kênh bị đất đá vùi lấp, hoàn toàn không có nước.

Đề nghị dân tự sửa

Sau rất nhiều kiến nghị của người dân bản Mốc 13, cùng xã Quảng Đức, huyện Hải Hà gửi tới Sở NNPT&NT Quảng Ninh yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hiện trạng kênh, đảm bảo việc dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất cho bà con, tuy nhiên cho đến nay, theo UBND xã Quảng Đức, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xử lý.

Làm việc với PV báo Dân Việt, ông Phạm Phúc Quảng, Giám đốc Ban QLDA các công trình NN&PTNT (Sở N&PTNT Quảng Ninh), vẫn khẳng định: “Nước được lấy nguồn chính từ sông Ka Long kết hợp nguồn sinh thủy tự nhiên chảy vào tuyến kênh dẫn đến mặt ruộng, đảm bảo phục vụ cho diện tích tưới của bà con nông dân trong vùng trong vùng dự án”.

Khi PV đưa ra các hình ảnh về hiện trạng tuyến kênh số 1 khô cạn, ông Quảng lại lý giải: “Do các đợt mưa đầu năm gây bồi lắng cục bộ khu vực đầu kênh, lại do kênh không được nạo vét thường xuyên dẫn đến không có nước(?)".

img

Đoạn nhánh sông biên giới Ka Long dẫn về 2 tuyến kênh theo thiết kế ban đầu, lưu lượng nước quá nhỏ không đủ dâng được lên cửa kênh.

Tìm hiểu từ phía huyện Hải Hà, được biết Ban QLDA các công trình NN&PTNT đã có văn bản đề nghị huyện chỉ đạo xã Quảng Đức huy động người dân tự sửa chữa đập dâng thời vụ trên sông Ka Long để dâng cao đầu nước. Theo lãnh đạo Ban này, đây là cách khắc phục tối ưu nhất để dẫn nước từ sông Ka Long về hệ thống kênh.

Tuy nhiên, cách khắc phục kiểu đùn đẩy, chắp vá trên đã gặp phải phản ứng từ phía UBND xã Quảng Đức. 

“Chúng tôi không chấp nhận việc đùn đẩy cho bà con ra ngăn đập để vi phạm hiệp định biên giới, càng không chấp nhận việc công trình chưa khắc phục, sửa chữa xong, nước vẫn chưa có mà họ lại đổ trách nhiệm cho xã không nạo vét. Rồi tới đây việc thi công nâng cấp Quốc lộ 18C đi qua hệ thống kênh này, họ (Sở NN&PTNT Quảng Ninh – PV) sẽ lại đổ cho quá trình thi công làm hư hỏng tuyến kênh” – một lãnh đạo UBND xã Quảng Đức nêu ý kiến.

Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem