Lao động nữ được bảo đảm quyền lợi
Chị Nguyễn Kim Anh là công nhân may tại Công ty Dệt 19.5 Hà Nội được 5 năm, hiện chị có cô con gái 5 tuổi. Công việc vất vả, công ty lại toàn nữ nên chị vẫn "nhường" cho các chị em khác đẻ trước.
"Công việc vất vả, lại thường phải tăng ca cho kịp sản phẩm nên có muốn sinh con cũng phải tính. Hơn nữa, với chế độ nghỉ thai sản như hiện nay (4 tháng), nếu con có ốm yếu muốn nghỉ thêm cũng khó. Nay luật mới tăng thời gian nghỉ thai sản, chị em chúng tôi rất mừng" - chị Anh chia sẻ.
|
Lao động nữ phấn khởi vì được nghỉ thai sản 6 tháng. |
Cùng chung niềm vui ấy, chị Nguyễn Thị Toán (xã Hoàng Long, Hoằng Hoá, Thanh Hóa) đang làm việc tại Công ty cổ phần Dụng cụ thể thao Delta cho biết, lâu nay, hầu hết chị em trong công ty chỉ được nghỉ 4 tháng theo đúng Luật Lao động.
Nhiều chị em kinh tế khó khăn, mặc dù con ốm nhưng cũng không dám xin nghỉ thêm, phần vì sợ nghỉ không có lương, phần vì sợ chủ doanh nghiệp gây khó khăn cho bản thân sau khi đi làm lại nên không dám nghỉ.
"Giờ thì Luật Lao động được thông qua, sang năm vợ chồng tôi sẽ sinh tiếp đứa thứ 2" - chị Toán dự định.
Nhìn nhận từ góc độ quyền lợi của người lao động, ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: "Luật Lao động sửa đổi được thông qua, tăng thời gian nghỉ sinh cho lao động (LĐ) nữ là rất nhân văn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều này không chỉ giúp chị em đảm bảo quyền làm mẹ, mà còn giúp họ bồi dưỡng sức khoẻ, tái tạo sức LĐ để nâng cao chất lượng LĐ cho xã hội".
Tuy vậy, bản thân ông Điều cũng không khỏi lo lắng vì luật quy định rất cụ thể, nhưng nếu không có biện pháp giám sát thực hiện, nhiều doanh nghiệp có thể tìm đủ mọi cách để "chơi khó" LĐ.
Doanh nghiệp mất vui
Mặc dù đã được thông qua nhưng điều khoản nghỉ thai sản 6 tháng sau 1 năm nữa mới có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã phấp phỏng lo âu. Công ty Dệt 19.5 Hà Nội là một trong số hàng nghìn doanh nghiệp có sử dụng nhiều LĐ nữ. Hiện công ty có 70% số LĐ là nữ. LĐ nữ nhiều, nên lúc nào doanh nghiệp cũng trong tình trạng sẵn sàng vào "mùa sinh nở".
"Việc LĐ nữ được nghỉ thai sản 6 tháng trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp "khó khăn chồng lên khó khăn".
Bà Đặng Thị Phương Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Bà Nguyễn Mai Anh - Trưởng phòng Nhân sự tiền lương nhận định: "Việc Luật LĐ sửa đổi mới được thông qua bao gồm có điều luật về lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng là nhân văn, nhưng chắc chắn điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và phát triển của các doanh nghiệp. Chắc chắn công ty sẽ gặp khó khăn nhưng cũng phải thực hiện vì luật đã quy định thì không thể không làm" - bà Mai Anh khẳng định.
Theo bà Mai Anh, trước đây nhiều LĐ nữ sau khi sinh nghỉ hết 4 tháng chế độ vẫn xin nghỉ thêm 2 tháng không lương nên công ty vẫn có thể ứng phó được.
Còn ông Hoàng Văn Hoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty Panasonic bày tỏ lo ngại: "Đối với một doanh nghiệp lớn, nhiều hợp đồng tiêu thụ như công ty chúng tôi thì quy định này quả là một vấn đề khó khăn trong việc duy trì sản xuất, tìm kiếm lao động thay thế… ".
Cũng theo ông Hoan, hiện nay Công ty Panasonic có 3.300 công nhân, trong đó có tới 90% là LĐ nữ. Trước mắt, công ty đã tính đến các giải pháp như tăng ca, tăng kíp, tuyển thêm LĐ… Tuy nhiên, điều này sẽ vấp phải nhiều khó khăn do ngân sách có hạn, mà điều kiện kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.