Ngày 18/7, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã gửi Bộ Y tế báo cáo nhanh về việc xác minh, xử lý đối với vụ việc tử vong của sản phụ Võ Thị Bích Liễu.
Theo báo cáo này, 8h sáng 13/7 sản phụ Liễu vào Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn và được chẩn đoán mang thai lần hai, đủ tháng chuyển dạ, vết mổ cũ khoảng 15 tháng và hội chẩn thống nhất lập thủ tục chuyển mổ lấy thai, phương pháp vô cảm là gây tê tủy sống.
Ghi nhận thời gian phẫu thuật từ khoảng 14h10 đến 14h45, sản phụ kêu đau lúc lấy bé, huyết động ổn nhưng phẫu thuật xong bệnh nhân tỉnh táo tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng, không có dấu hiệu bất thường nên chuyển sản phụ ra phòng hậu phẫu.
Tuy nhiên, lúc 15h chị Liễu tỉnh khoảng 2 phút thì xuất hiện co giật toàn thân, lơ mơ, gọi hỏi trả lời khó. Sau khi được bác sĩ xử trí, sản phụ vẫn tiếp tục co giật toàn thân, hôn mê sâu, tim rời rạc, mạch ngoại vi rời rạc khó bắt, huyết áp không đo được.
Đến 15h20, hội chẩn trực lãnh đạo thống nhất chẩn đoán suy tuần hoàn hô hấp, co giật chưa rõ nguyên nhân và chỉ định chuyển chị Liễu lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định điều trị. Trên đường đi, chị Liễu vẫn hôn mê, co giật cục bộ từng cơn sốt cao, thở yếu và được duy trì bằng bóp bóng qua nội khí quản, thuốc dùng trên đường chuyển viện.
Đến phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sản phụ không có dấu hiệu sinh tồn, được kíp trực Bệnh viện xử trí tích cực nhưng không hiệu quả và sau đó được mổ giám định tử thi vào tối cùng ngày.
Người nhà đau đớn mong muốn sớm tìm ra nguyên nhân sản phụ Liễu tử vong.
Ngay sau khi nhận được thông tin sản phụ tử vong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng đã chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn khẩn trương xác minh, báo cáo nhanh cho Sở Y tế, xác minh tình trạng bệnh nhân khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo kết luận kiểm thảo tử vong của Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn, quá trình tiếp đón, theo dõi và chăm sóc sản phụ Liễu ân cần, thực hiện đúng quy định. Khi xảy ra tai biến, kịp thời giải thích cho người nhà, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để chuyển sản phụ lên tuyến trên và luôn có bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê hồi sức, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội khám, xử trí.
Tuy nhiên, do diễn biến bệnh nhanh bất thường, việc xác định chẩn đoán, nguyên nhân tai biến khó khăn nên nguyên nhân tử vong bước đầu được nhận định có thể do: thuyên tắc ối, ngộ độc thuốc tê, shock phản vệ.
Ông Võ Văn Dũng (55 tuổi, cha chị Liễu) kể rằng, cuộc sống gia đình còn thiếu thốn, chị Liễu và anh Thành kết hôn rồi sống dựa dẫm bằng nghề nông. Sau khi sinh con gái đầu lòng đến nay đã 2 tuổi, chị Liễu vẫn ở nhà cha mẹ ruột, còn anh Thành thì đi về giữa nhà cha mẹ ruột và nhà vợ.
“Khi nghe bác sĩ khuyên con tôi nhập viện, gia đình bàn tính là nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định nhưng lại quá xa nên đưa nó vào Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn cho gần. Con tôi mất rồi, để lại 2 đứa con nhỏ như vậy thì làm sao chồng nó kham nổi. Tội 2 đứa nhỏ côi cút, con gái tôi sống đã cực giờ lại chết như vậy”, ông Dũng nghẹn ngào.
Kết luận kiểm thảo tử vong của Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn thừa nhận, việc ghi chép hồ sơ bệnh án còn thiếu sót, chưa đầy đủ và đúng trình tự. Thuốc Lipovenoes có sử dụng cho người bệnh chưa được ghi trong tờ điều trị (lý do chưa ghi là do tập trung xử lý chuyển viện, sau đó hồ sơ đã được niêm phong bởi cơ quan Công an) nhưng có thể hiện trong phần ghi chép của điều dưỡng và phiếu xuất thuốc.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng cho biết, Sở Y tế sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, đánh giá về trường hợp tử vong của sản phụ Liễu và tiến hành thu thập tài liệu, bao gồm kết quả giám định pháp y.
Sau khi có ý kiến của Hội đồng chuyên môn, Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm điểm, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm (nếu có) và tiếp tục báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh Bình Định.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.