Nghi vấn tiêu cực ở Phú Bình, Thái Nguyên: Có dấu hiệu găm sổ đỏ

Vinh Hải Thứ bảy, ngày 31/01/2015 07:15 AM (GMT+7)
Cán bộ địa chính xã Tân Đức (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) nhiệm kỳ trước là ông Đào Hải Tuấn cũng đang bị người dân tố cáo đã găm sổ đỏ của một số hộ dân trong một thời gian dài. Công an huyện đang vào cuộc để làm rõ những bất minh trong quy trình cấp sổ đỏ ở xã Tân Đức.
Bình luận 0

Có sổ đỏ không giao cho dân?

Sự việc được ông Nguyễn Xuân Cường (63 tuổi, xóm Diễn) có 9 năm làm Bí thư Chi bộ xóm phát hiện nghi vấn. Ông Cường cho biết: "Thời kỳ còn làm Bí thư Chi bộ, tôi đã xác nhận cho 35 hộ dân có nhà, đất ở lâu năm để đề nghị lên xã, lên huyện cấp sổ đỏ. Danh sách cũng đã được xã duyệt nhưng không hiểu sao, cùng điều kiện như nhau nhưng có 5 hộ lại không được cấp sổ, cho đến tận năm 2013”.

img
Cán bộ địa chính xã Tân Đức đã tự đặt ra quy định thu tiền của người dân. 
(Ảnh trụ sở UBND xã Tân Đức). Ảnh: Vinh Hải

Danh sách các cá nhân được cấp sổ đỏ được UBND xã Tân Đức xác nhận từ năm 1997. Ông Cường cho biết sau đó xóm không đi lấy một đợt mà tùy thuộc hộ nào có nhu cầu đi lấy sổ thì ra xã nhận. Sau này mới phát hiện ra còn 5 hộ dân không được cấp sổ đỏ đợt đó. Đây là thời kỳ ông Đào Hải Tuấn đang đảm nhận vị trí cán bộ địa chính xã, sau đó ông Tuấn đã chuyển sang công tác tại xã Lương Phú (huyện Phú Bình) và ông Nguyễn Văn Hùng thay thế.

 

Nghi vấn về việc "găm" sổ đỏ của người dân dấy lên khi chính ông Nguyễn Xuân Cường lên Phòng TNMT huyện để tìm hiểu. Ông Cường khẳng định: "Như hộ ông Nguyễn Hữu Toán là 1 trong 5 hộ chưa được cấp sổ nhưng đã có sổ, ghi trong hồ sơ của huyện". Theo thông tin ông Cường cung cấp, hộ ông Toán có số thứ tự trong sổ quản lý là 1.225 với diện tích đất một thửa là 120m2, số thửa 1842, tờ bản đồ số 9.

Bà Đào Thị Bình (xóm Diễn Cầu, xã Tân Đức) cho biết: "Cùng làm một đợt 35 hộ nhưng chỉ có 5 hộ chúng tôi không có sổ. Các hộ làm trước đây chỉ phải nộp 13.500 đồng lệ phí. Sau này khi hỏi xã thì nhận được câu trả lời không có sổ, chúng tôi phải làm mới. Xã yêu cầu mỗi hộ nộp từ 10 - 15 triệu đồng mà chỉ ghi vào sổ, không có biên lai, chứng từ gì".

Các hộ còn lại bị "lọt" danh sách cấp sổ đỏ từ những năm trước cũng đều phải đóng tiền như hộ bà Đào Thị Bình mới được nhận GCNQSDĐ mới.

Công an vào cuộc

Ông Hoàng Thanh Giao - Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết đã nhận được thông tin sự việc tại xã Tân Đức. Ông Giao cho biết, những tố cáo của người dân tập trung vào hai vấn đề. Một là có dấu hiệu khuất tất khi có sổ đỏ nhưng chưa giao cho dân, sau này lại giục người dân đưa tiền mới trả sổ đỏ. Hai là hiện tượng khi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cán bộ địa chính yêu cầu các hộ dân phải nộp một số tiền.

Ông Hoàng Thanh Giao khẳng định: "Tôi đã chuyển nội dung trực tiếp đến đồng chí trưởng công an huyện để chỉ đạo điều tra, làm rõ. Trong quá trình đó, huyện cũng chưa thành lập đoàn thanh tra mà sẽ dựa trên cơ sở kết luận điều tra của công an huyện để có hướng xử lý tiếp theo".

Dựa trên những thông tin đã nắm bắt được, ông Giao cho rằng: "Có hiện tượng ở một số xã, cán bộ địa chính đã để người dân đặt cọc tiền khi làm thủ tục cấp sổ đỏ, chuyển mục đích sử dụng đất. Làm như vậy theo quy định pháp luật là sai. Như ở xã Tân Đức, dù tiền có vào ngân sách nhà nước thì vẫn không đúng pháp luật. Anh là người phải hướng dẫn người dân làm hồ sơ, còn người dân tự nộp tiền vào ngân sách, cán bộ làm sao làm thay được".

Ông Giao không loại trừ khả năng có cả những bìa đỏ "chui" với quy trình như vậy. Bởi có thể tiền không vào ngân sách nhưng người dân vẫn có được sổ đỏ. Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho hay: "Ngay cả sổ đỏ có chữ ký của tôi, tôi cũng không thể kiểm soát được hết. Tôi đã giao Phòng TNMT, UBND xã thẩm định nhưng có thể mình cũng không nắm được hết. Có thể có cả trường hợp bìa đỏ chui, không nộp thuế nhưng vẫn có sổ đỏ".

Với những dấu hiệu thực hiện quy trình cấp sổ đỏ như tại xã Tân Đức, ông Hoàng Thanh Giao khẳng định: "Sau khi bên công an làm rõ sự việc, chắc chắn sẽ phải xem xét xử lý trách nhiệm. Nếu không phải trách nhiệm hình sự thì phải xử lý về mặt hành chính".

LS Hà Đăng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): 

Hiện nay trong việc làm sổ đỏ xuất hiện tình trạng dịch vụ từ làm A tới Z. Do thủ tục hành chính còn rườm rà nên có thể nói loại dịch vụ không chính thức này nó cũng đem lại thuận lợi cho người dân, bỏ một khoản tiền ra người dân không bị mất thời gian, công sức, không phải đi lại hỏi han khi điền vào hồ sơ của mình, chỉ theo ngày hẹn đến lấy sổ đỏ về. 

Đối với dịch vụ hợp pháp thì hoạt động phải được cấp phép, cán bộ, công chức theo quy định không được làm, nhất là lại liên quan đến công việc cơ quan mà mình đang đảm nhiệm. Còn làm ăn theo dịch vụ ngầm cán bộ cũng không được phép làm.

Ngọc Lương
(ghi)
Không đúng quy định!

Ông Đào Minh Hải - Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết đang phối hợp với cơ quan công an xác minh, làm rõ những tố cáo của người dân, trách nhiệm của ai sẽ xử lý sau. Chủ tịch UBND xã Minh Hải cũng thừa nhận việc thu tiền trước của người dân để làm thủ tục cấp sổ đỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là không đúng quy định. Như đối với trường hợp gia đình bà Dương Thị Tập hiện còn giữ giấy biên nhận của cán bộ địa chính xã, ông Hải cho rằng UBND xã đã giải quyết "linh động" để bà Tập có thể xây nhà. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết làm như vậy là không đúng. Các trường hợp người dân khác "tố" cán bộ địa chính thu tiền để thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ, ông Hải cho rằng "việc cụ thể đến nay mới biết". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem