Nghịch lý cấp phép giữa phim ngoại dính "đường lưỡi bò" phi pháp và phim Việt đoạt giải quốc tế

Minh Thi Thứ ba, ngày 15/10/2019 07:30 AM (GMT+7)
Trong khi phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" “lọt” cửa kiểm duyệt dù có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp, thì phim “Ròm” vừa thắng giải cao nhất ở Liên hoan phim Quốc tế Busan lại gặp khó với án phạt vì chưa được cấp phép phổ biến.
Bình luận 0

Điều này cho thấy còn có nhiều kẽ hở trong việc duyệt và cấp phép cho phim nước ngoài. Trong khi đó, phim Việt lại bị “soi” khá kỹ ở khâu này.

Bên nhập phim để lọt cửa dễ dàng

Bộ phim hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ” do Hãng DreamWorks của Mỹ hợp tác sản xuất với Công ty Pearl của Trung Quốc. Phim bắt đầu chiếu tại rạp Việt Nam vào ngày 4/10 và nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả Việt. Tuy nhiên, ngày 13/10, phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” bị rút khỏi rạp chiếu vì dính hình ảnh "đường lưỡi bò” phi pháp mà nhà làm phim đã "cài cắm" vào khuôn hình.  

Ngay sau đó, lãnh đạo Cục Điện ảnh đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Chưa biết mức phạt ra sao, song điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín người quản lý cũng như khiến cư dân mạng lên tiếng phản ứng dữ dội.

img

Phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" bị rút khỏi hệ thống rạp vì có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp.

Đây cũng là phim thứ hai qua được cửa ải kiểm  duyệt và công chiếu ra ngoài, sau đó bị rút khỏi rạp. Năm ngoái, bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” chứa đựng những hình ảnh liên quan tới chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo với thông tin sai lệch, không có lợi cho quốc gia, cũng đã lọt ra các rạp chiếu phim ngay tại Việt Nam.

Phim nội lơ lửng án phạt 

Trở lại với bộ phim Việt Nam đoạt giải cao nhất Liên hoan phim Quốc tế Busan (BIFF), tuy vừa thắng lớn song đạo diễn Trần Thanh Huy và êkíp làm phim lại lo lắng trước án phạt. Thông tin mới nhất, chiều 14/10, Thanh tra Bộ VHTTDL đã ra văn bản số 110/QĐ-XPVBHC quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với nhà sản xuất bộ phim “Ròm” về việc phát hành phim khi chưa được phép phổ biến.

“Ròm” của Trần Thanh Huy mang về giải thưởng cao nhất ở hạng mục New Currents, tương đương giải phim hay nhất, cùng một bộ phim khác là "Haifa Street" của Iraq - Qatar.  

Không phải ngẫu nhiên mà “Ròm” đoạt giải cao, đó là công trình kết tinh của sự nỗ lực sáng tạo trong suốt 7 năm qua của đạo diễn và êkíp.

img

Một cảnh trong phim "Ròm" vừa đoạt giải thưởng LHP quốc tế Busan.

"Ròm" được đạo diễn Trần Thanh Huy phát triển từ phim ngắn "16:30" của anh từng gây tiếng vang tại Liên hoan phim (LHP) phim ngắn quốc tế Yxineff 2012 với nhiều giải thưởng: giải Trái tim Việt Nam (giải phê bình, báo chí trao cho phim xuất sắc nhất trong 15 phim Việt tranh giải, gồm 5 phim tranh giải quốc tế, 10 phim tranh giải khu vực), giải Trái tim trẻ (giải thưởng dành cho phim có sự sáng tạo độc đáo do Công ty Lê Quý Dương trao), giải Quay phim xuất sắc cho Khắc Nhật, Vinh Phúc, và giải Nam chính xuất sắc cho Trần Minh Khoa - em trai đạo diễn Trần Thanh Huy. Phim ngắn này cũng từng đoạt giải phim ngắn xuất sắc nhất Cánh diều vàng 2012, và được trình chiếu tại hạng mục Góc phim ngắn LHP Cannes 2013.

Tờ Screen Daily viết về "Ròm": “Trần Thanh Huy đã mang cả bối cảnh xã hội vào "Ròm". Đó là một thế giới mà con người phải chà đạp lên nhau để sống trong những ngôi nhà ổ chuột chật chội, bên cạnh những con sông ô nhiễm nặng nề. Người ta đánh cược mọi thứ với hy vọng đổi đời qua tấm vé số và đánh cược số đề. Cờ bạc trở thành chứng nghiện phổ biến trong một xã hội nghèo đói, nơi người nghèo hoàn toàn bất lực trước những kẻ cho vay nặng lãi và nhà cái tham lam”.

img

Đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy mất 7 năm để hoàn chỉnh bộ phim.

Còn đạo diễn người Anh Mike Figgis (từng được 4 đề cử Oscar với phim "Leaving Las Vegas") - Trưởng ban giám khảo của hạng mục New Currents, nhận xét: “Việc sử dụng các bối cảnh thực tế và sống động trong "Ròm" đã gây ấn tượng mạnh với chúng tôi, và để lại cái kết làm thỏa mãn”.

Cần có cái nhìn thoáng hơn với phim đoạt giải 

Nghịch lý là ở chỗ, bộ phim đoạt giải cao nhất tại BIFF lại rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi chật vật qua cửa kiểm duyệt của Cục Điện ảnh. Như vậy, đạo diễn Trần Thanh Huy vừa hạnh phúc khi phim vẫn được công chiếu, lại vừa lo lắng, hồi hộp trước án phạt.

Vấn đề là ở một liên hoan phim quốc tế, người ta không quan tâm đến chuyện phim đã được cấp phép ở trong nước hay chưa, mà chỉ cần phim hay thì trao giải. Nên khi đoàn phim xin rút khỏi danh sách tranh giải, BTC không đồng tình.

Qua đây có thể thấy, quá trình duyệt phim và cấp phép vẫn còn nhiều nhiêu khê dành cho các nhà làm phim độc lập trong nước, trong khi với phim nhập khẩu thì hội đồng thẩm định lại có phần “thông thoáng” đến mức không kịp kiểm soát.

Cũng từ trường hợp phim “Ròm”, nhiều người trong giới điện ảnh đặt dấu hỏi: Nên chăng xem lại quy trình cấp phép phổ biến phim của cơ quan quản lý khi đưa phim đi tranh giải và dần dần bỏ bớt thủ tục cho các đạo diễn có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế. Với những tác phẩm đoạt giải mà không phạm luật, không bị cấm thì thay vì án phạt, cơ quan quản lý cũng nên có động thái tôn vinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem