Nghịch lý: Gà Tiên Yên nổi tiếng ngon ngọt nhưng lại bí đầu ra

Nguyễn Quý Thứ hai, ngày 25/12/2017 06:20 AM (GMT+7)
Xây dựng, phát triển thương hiệu Gà Tiên Yên từ lâu đã được tỉnh Quảng Ninh và huyện Tiên Yên chú ý tới. Nhưng cho đến nay, Gà Tiên Yên cũng vẫn chỉ lay hoay “cất tiếng gáy” trong tỉnh.
Bình luận 0

Gà Tiên Yên là một trong những sản phẩm vật nuôi nổi tiếng của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Trước khi được bầu chọn là món ngon tiêu biểu Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tổ chức năm 2011, thì từ nhiều đời nay, người dân Quảng Ninh đã lan truyền câu ngạn ngữ: “Lợn Móng Cái – Gái Đầm Hà – Gà Tiên Yên”. Thế nhưng…

img

Trang trại gà Tiên Yên rộng 4ha của anh Trần Văn Đa  thôn Tềnh Pò, xã Phong Dụ,
(huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). 

Gà “xịn” khó bán

Chưa bao giờ, thôn Nà Cà, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên lại nhiều gà đến thế. Cả thôn có 25 hộ thì 11 hộ nuôi gà Tiên Yên theo hình thức bán công nghiệp, với số lượng trên 7.000 con. Gọi là bán công nghiệp, vì các hộ này chăn thả theo hướng tự nhiên, nhưng vẫn quây thành chuồng trại lớn trên đồi. Thức ăn cho gà chỉ có thóc và ngô, ngoài ra gà tự kiếm thức ăn trong khu vực chăn thả rộng lớn. Hộ anh Phùn A Ửng là hộ nuôi đầu tiên và nhiều nhất trong thôn, số lượng 1.000 con. Những ngày cuối năm, Ửng lo “sốt vó” vì lứa gà đến ngày xuất chuồng đã lâu mà vẫn chưa bán được. Theo quy trình, gà Tiên Yên đến 7 - 8 tháng tuổi là xuất chuồng, nhưng lứa gà thương phẩm của Ửng đã gần 10 tháng tuổi. “Tính ra, mỗi ngày đàn gà ăn 1 tạ ngô, hết 600.000 đồng. Đến hết tháng 12 là lỗ hơn 7 triệu đồng rồi.”, Ửng nhăn mặt nhẩm tính.

10 hộ còn lại nuôi gà với số lượng lớn ở thôn Nà Cà cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Những ngày cuối năm, các hộ này đôn đáo tự tìm mối xuất lẻ gà đi các xã, huyện lân cận, với giá thấp hơn giá thị trường hằng năm (170-180.000 đồng/kg).

Tại thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ, hồi đầu năm 2016 có 4 hộ nuôi gà Tiên Yên với số lượng 300 – 400 con/hộ; đến cuối năm cả 4 hộ này đều đã bỏ nuôi vì nhiều lý do: Gà dính bệnh chết hàng loạt, gà thương phẩm không tìm được đầu ra...

Ngoài 2 thôn khó khăn của xã Phong Dụ, Tiên Yên còn 4 xã thuộc vùng 135 khác xây dựng mô hình hợp tác xã chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên, đó là các xã Đại Thành, Đại Dực, Điền Xá, Hà Lâu. Trăn trở lớn nhất hiện nay của các xã viên là đầu ra cho sản phẩm. Còn các vấn đề về con giống, kỹ thuật, hỗ trợ của Nhà nước thì đều thuận lợi. Theo ông Hoàng Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Yên, khi tham gia HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên, các hộ chăn nuôi gà có quy mô 200 con/hộ trở lên sẽ được hỗ trợ công tác phòng trị bệnh với mức 10.000 đồng/con; hỗ trợ 50% giá giống gà 21 ngày tuổi; được hỗ trợ 2 triệu đồng/chuồng trại 20m2, cứ tăng 10m2 thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Theo Quyết định 911/QĐ-UBND ngày 31.3.2015 của UBND huyện về cơ chế đặc thù tạm thời phát triển đàn gà Tiên Yên áp dụng đối với các xã 135 và 2 thôn khó khăn của xã Phong Dụ, nguồn vốn được lấy từ Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới và ngân sách huyện.

Thuận lợi với người chăn nuôi như vậy, nhưng việc phát triển thương hiệu gà Tiên Yên vẫn đang bộc lộ những yếu kém, thậm chí có nguy cơ mất thương hiệu.

img

Đàn gà 5.000 con của gia đình chị Sái Thị Lâm (thôn Bản Cải, Xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) đến ngày xuất chuồng nhưng chưa tìm được nguồn tiêu thụ.

Gà “giả” đầy đường

Thừa nhận thực trạng gà Tiên Yên đang khó khăn về đầu ra, ông Hoàng Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Yên cho biết: Thời gian đầu, sau khi xây dựng nhãn hiệu chứng nhận thành công, sản phẩm gà Tiên Yên đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đăng ký tiêu thụ với số lượng lớn, như Siêu thị Big C Hạ Long, Công ty Vận tải Quảng Ninh, Khách sạn Mường Thanh (TP.Hạ Long); Nhà hàng Lẩu gà Xuân Nga (TP.Móng Cái); Nhà hàng Quả Trám, Công ty Rural Food, Cửa hàng Eco Food (TP.Hà Nội)... Tuy nhiên, hiện nay hầu hết những đơn vị trên đã ngừng nhập hàng. Ðối với thị trường khách lẻ, người tiêu dùng cũng dần không mặn mà với gà Tiên Yên mà chuyển sang mua loại gà khác.

Tìm hiểu từ phía nhà tiêu thụ sản phẩm, nhiều người cho rằng giá gà Tiên Yên còn khá cao, khó cạnh tranh với các loại gà thịt khác. Lý do mà họ chọn các sản phẩm gà thịt đại trà khác để bán lẻ cho khách vì giá bán rẻ, lãi suất cao. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chăn nuôi cung cấp gà chưa đạt chuẩn. “Theo tiêu chuẩn, gà Tiên Yên phải 7-8 tháng tuổi mới đủ độ “chín”, nghĩa là lúc ấy thịt gà mới đủ ngon nhất, nhưng nhiều hộ chăn nuôi làm theo kiểu “ăn xổi”, gà chưa đầy 5 tháng đã cho xuất chuồng”, chị Phạm Thị Quyên, chủ một nhà hàng ở phường Hồng Hải, TP.Hạ Long cho biết.

Một điều nữa làm không ít khách hàng e ngại, đó là tình trạng thật giả lẫn lộn của gà Tiên Yên. Ngay tại một số nhà hàng trên địa bàn huyện Tiên Yên, nhiều khách hàng phản ánh đã bị mua gà Tiên Yên giả. Nếu thực khách có kinh nghiệm phát hiện không phải gà Tiên Yên thì khi đó, chủ nhà hàng mới mang gà “xịn” ra đổi.

Hiện tại, huyện Tiên Yên có 2 cơ sở sản xuất giống gà nhân tạo. Ðến hết năm 2016, lượng giống của 2 cơ sở này mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/10 nhu cầu nuôi của người dân. Số lượng giống đã ít, trong khi nhiều con giống vẫn kiểu dáng lộ cộ, phân ly mạnh, chưa có kiểu hình đặc thù, không nhận định được. Bên cạnh đó, việc người nuôi không tuân thủ theo đúng quy trình chăn nuôi cũng làm cho chất lượng gà Tiên Yên ngày càng giảm. Ðiều này khiến cho chất lượng gà Tiên Yên “xịn” không có sự cách biệt nhiều so với gà từ nơi khác nhập về.

Dù đã xây dựng và hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu gửi Cục Sở hữu trí tuệ để bảo hộ độc quyền cho sản phẩm, nhưng trong một thời gian khá dài, việc chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gà Tiên Yên không có sự giám sát, thanh kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; việc buông lỏng công tác quản lý của địa phương cũng khiến cho chất lượng gà Tiên Yên giảm sút. Nếu như việc xây dựng thương hiệu đã khó thì việc giữ thương hiệu còn khó hơn. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, chủ sở hữu thương hiệu gà Tiên Yên là huyện Tiên Yên phải giữ vai trò chủ đạo, khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục các yếu kém, tồn tại.

BOX: Chỉ có ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa thuộc các xã như Phong Dụ, Hà Lâu, Yên Than mới có những con gà Tiên Yên giống bố, mẹ được chăn thả theo hướng tự nhiên, sức đề kháng cao, dễ nuôi. Gà chăn thả tự nhiên  và kiếm thức ăn từ thiên nhiên nên thịt gà Tiên Yên ngọt thơm, săn chắc mà vẫn giòn, không dai, béo. Người các nơi còn gọi giống gà này là "gà râu", vì dưới mỏ con gà mái lại có túm lông dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem