NTNN - Nhiều lao động phổ thông trong nước không tìm được việc làm phù hợp trong khi vẫn có doanh nghiệp “đánh tiếng” xin nhập khẩu lao động phổ thông - điều chưa từng có ở Việt Nam kể từ sau 1975.
Nhiều DN xin nhập khẩu lao động dù trong nước đang dư thừa.
Đó là thực tế đang diễn ra tại một số địa phương như TPHCM, Bình Dương và một vài tỉnh Tây Nguyên. Xung quanh nghịch lý này, NTNN đã phỏng vấn bà Nguyễn Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội.
Bà nhận định như thế nào về thực trạng mất cân đối cung cầu thị trường LĐPT hiện nay?
- Theo tôi được biết, hiện nay nhu cầu về lực lượng LĐPT là rất lớn, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy, trong tháng 3-2010, nhu cầu tuyển dụng lao động của thành phố khoảng 50.000 người, trong đó có một nửa là LĐ trình độ trung cấp nghề và LĐPT.
Tại Hà Nội, các chỉ tiêu tuyển dụng cũng chiếm tới gần một nửa là LĐPT. Tuy nhiên, số lượng tuyển được rất hiếm hoi.
Nguyên nhân có thể do đặc điểm biến động của thị trường LĐ đầu năm, lương thấp, LĐ“nhảy việc”, LĐ di cư ngược về địa phương. Một nguyên nhân khác do LĐPT chưa phù hợp với đặc điểm yêu cầu công việc của các DN dẫn đến tình trạng “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.
Đây có phải là lý do khiến một số DN trong Nam có kiến nghị nhập khẩu LĐ nước ngoài?
- Đây chỉ có thể gọi là hiện tượng của một số DN thôi, trên thực tế việc nhập khẩu LĐ nước ngoài hoàn toàn không phù hợp và không khả quan với điều kiện của nước ta.
Hàng năm nước ta vẫn phải xuất khẩu gần 85.000 LĐ (chủ yếu là LĐPT) ra nước ngoài để giải quyết vấn đề thất nghiệp thì không có lý gì lại nhập khẩu LĐPT vào cả.
Tại phiên giao dịch định kỳ đầu tháng 3-2010 tại Hà Nội có 88 đơn vị tham gia tuyển dụng 3.501 lao động, trong đó một nửa nhu cầu là tuyển LĐPT với 1.802 chỉ tiêu. Nhu cầu lao động trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật cũng khá cao với 1.416 chỉ tiêu, chiếm 38,26%.
(Nguồn: Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội)
Vậy theo bà phải làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?
- Trước hết, phải tìm hiểu thông tin chính xác về vấn đề này, xác định nguyên nhân chính và xem xét thái độ, nhu cầu LĐPT từ các DN hiện nay để có chiến lược, chính sách đào tạo, phân bổ lao động hợp lý hơn.
Trên thực tế việc chuyển dịch cơ cấu lao động của nước ta vẫn chưa được thể hiện rõ rệt, lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn.
Theo đề án an sinh xã hội giai đoạn sắp tới sẽ nhấn mạnh vào việc đào tạo nghề cho LĐPT, đặc biệt là lao động ở nông thôn theo hai hướng: Chuyển thành lao động nông nghiệp chất lượng cao và chuyển đổi sang ngành công nghiệp.
Việc dạy nghề sẽ hướng vào nhu cầu thị trường, nhấn mạnh vào vấn đề “đầu ra” cho lao động sau đào tạo. Bên cạnh đó, các DN cần thay đối chiến lược thu hút nhân lực. LĐ, kể cả LĐ nước ngoài đi chăng nữa sẽ không bao giờ muốn gắn bó với DN khi chỉ được hưởng lương thấp và không nhận được chế độ ưu đãi thích hợp với sức lao động của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.