Tuy nhiên, vấn đề hình thành một vùng nguyên liệu ngô tập trung cho cả vùng, nhất là trong thời gian “né hạn”, đồng thời hình thành những cơ sở thu mua và chế biến ngô quy mô công nghiệp đang được đặt ra bức thiết ở Đạ Tẻh và hai huyện lân cận là Đạ Huoai, Cát Tiên.
Do thiếu nguồn nước để tưới cho cây lúa trong mùa khô nên mô hình “2 lúa + 1 ngô” đã được huyện Đạ Tẻh khuyến khích nông dân thực hiện. Qua vài năm, mô hình này ở Đạ Tẻh đã thực sự mang lại hiệu quả cao hơn so với canh tác 3 vụ lúa mỗi năm như trước đây.
Gần đây, mô hình “2 lúa + 1 ngô” cũng đã lan ra ở những chân ruộng thiếu nước tại hai huyện lân cận là Cát Tiên và Đạ Huoai. Tuy vậy, vụ ngô “né hạn” của cả ba huyện này hiện vẫn chưa tạo được vùng nguyên liệu có sức nặng để phát huy cao nhất giá trị kinh tế của mặt hàng nông sản này.
Vụ đông xuân vừa qua, diện tích lúa của Đạ Tẻh đã gieo trồng là 1.612ha - đạt 94,8% so với kế hoạch và giảm 5,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do một phần diện tích lúa này được chuyển sang trồng ngô (và một số loại rau màu). Tiếp đến, trong vụ hè thu, diện tích lúa của Đạ Tẻh cũng nằm ở mức 2.600ha - đạt 98,1% so với kế hoạch và giảm 1,3% so với cùng kỳ. Như vậy, kế hoạch về diện tích cây lúa do huyện đề ra vẫn còn cao hơn so với nhu cầu thực tế về chuyển đổi sang trồng bắp theo mô hình “2 lúa + 1 ngô” như chủ trương chung của Đạ Tẻh.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là cả ba huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên có đến hàng chục ngàn tấn ngô mỗi vụ (riêng Đạ Tẻh đã có đến 8.400 tấn ngô trong vụ “né hạn”) nhưng thị trường để nhà nông tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra xem ra vẫn còn khá bấp bênh, chủ yếu là do bà con “tự tiêu” chứ chưa có những cơ sở thu mua tập trung và chế biến ở quy mô lớn.
Do đó, về giá cả, tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình “3 lúa” nhưng nhìn chung thì giá trị thực của loại hàng nông sản này chưa thực sự được phát huy ở mức cao nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.