Ngỡ ngàng rừng nguyên sinh hàng nghìn tuổi trên... cồn cát

Thứ ba, ngày 13/03/2012 13:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ai đến thôn Đông Dương (Hải Dương, Hải Lăng, Quảng Trị) sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy khu rừng nguyên sinh có tuổi thọ hàng nghìn năm tồn tại nguyên vẹn trên những cồn cát trắng.
Bình luận 0

Cảnh bồng lai trong làng

Thật hiếm có một khu rừng nguyên sinh nào trên dải đất miền Trung mà còn nguyên vẹn như khu rừng tại thôn Đông Dương này. Khu rừng rộng trên 15ha, lưu giữ nhiều loài cây gỗ quý, mít nài, trâm ná, trâm vang, song mã (nhóm 4)… Cây ở đây có đường kính từ 30cm - 1,5m.

img
Cây lộc vừng thuộc nhóm cây cảnh có tuổi thọ hàng trăm năm.

“Ngày xưa khi còn ở độ tuổi chăn trâu, chăn bò, bọn tui thường leo trèo lên những cây này để chơi trốn tìm hay hái trái của nó để ăn… Bây giờ đã 80, 90 tuổi rồi, mỗi lần lên rừng vẫn thấy chúng to chừng ấy” - cụ Lê Tu (làng Đông Dương) cho biết. Theo cụ Tu, khi cụ còn nhỏ đã nghe ông bà kể về khu rừng này. Có khi khu rừng đã tồn tại cả nghìn năm.

Khu rừng cũng có nhiều loại cây dược liệu quý, như đỗ trọng, quế, dâm dương hoắc, nắp ấm, hổ cốt… mọc thành từng cụm khác nhau.

Xen kẽ giữa những vạt rừng là hai hồ nước tạo nên phong cảnh hữu tình cho người dân xứ cát Đông Dương. Sát bờ hồ là những dãy rừng tràm ngập nước hầu như chưa có bàn tay con người chặt phá, nơi đây mời gọi nhiều loại chim, cò, vạc, sếu… về trú ngụ hàng năm. Trong rừng cũng có nhiều loài động vật quý hiếm, như sóc, cáo, thỏ, rắn...

Giữ rừng bằng “luật làng”

“Để bảo vệ rừng, hàng năm thôn tổ chức những buổi họp làng để người dân trong thôn bầu ra một đội bảo vệ rừng nằm dưới sự chỉ đạo của trưởng thôn và già làng trong thôn” - ông Trần Xuân Tình – Trưởng thôn Đông Dương, cho biết. Đội bảo vệ rừng là những người có uy tín, có trách nhiệm cao và tự nguyện tham gia công việc giữ rừng này. Khi rừng bị chặt phá, họ là người bị khiển trách và chịu phạt đầu tiên.

Những ai phá rừng đều bị phạt nặng. Vào năm 2000, bà H.T.P - con dâu của một lãnh đạo thôn có lấy một cây gỗ đã khô rụi trong rừng về làm củi. Sau khi biết được sự việc, thôn không phạt bà P mà bắt bố chồng của bà phải mua một mâm cau trầu đem đến đình làng để tạ tội và xin lỗi thôn dưới sự chứng kiến của đông đảo người dân trong thôn.

“Nếu xử phạt vài chục kg thóc hay vài trăm nghìn đồng thì theo thời gian người ta sẽ lãng quên rồi lại tái phạm. Còn với hình thức xử phạt như trên thì mọi người sẽ nhớ mãi và không ai còn dám vi phạm nữa” - ông Phan Văn Quang - Chủ nhiệm HTX Đông Dương, cho biết.

“Thôn Đông Dương của chúng tôi nằm ngay dưới chân núi cát, nếu không giữ được khu rừng tự nhiên trên e rằng ngôi làng đã bị vùi lấp trong cát từ lâu”.

Ngoài việc bảo vệ rừng tự nhiên vốn có, hàng năm thôn phát động nhiều chương trình trồng cây gây rừng và đã thu hút được nhiều đoàn, hội tham gia, như phụ lão, nông dân, thanh niên, cán bộ HTX cùng với nhiều gia đình trong thôn.

Vì vậy cho đến nay khu rừng tự nhiên tại thôn Đông Dương không những không bị tàn phá mà ngày càng được phủ xanh thêm tạo thành “lá phổi” điều hòa và che chắn cho ngôi làng được bình yên, an toàn trong những mùa mưa bão.

Những già làng trong thôn thường dùng câu thành ngữ “Rừng tàn thì làng mạt” để răn đe con cháu không được phá rừng. Muốn bảo vệ làng thì trước tiên là phải bảo vệ rừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem