Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến
Thứ tư, ngày 25/01/2023 10:00 AM (GMT+7)
Hà Nội là thành phố cổ nhất được hợp thành bởi khu vực: Phố cổ, phố cũ và phố mới, vì thế Hà Nội có ba mái phố. Sự riêng có này bởi Hà Nội từng là kinh đô, thủ đô của Liên bang Đông Dương và bây giờ là thủ đô của Việt Nam.
Phố xuất hiện từ khi Lý Công Uẩn lập kinh thành Thăng Long trên nền thành Đại La vào năm 1010. Hà Nội bao nhiêu tuổi thì tuổi phố cũng tương ứng như thế. Phố cổ chủ yếu ở quận Hoàn Kiếm. Qua những bức ảnh chụp cuối thế kỷ XIX, qua tranh phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái, tôi hình dung ra phố xưa, nhà cổ thâm thấp, nhộn nhịp nhưng hiền hòa. Năm 1802, Nguyễn Ánh chuyển kinh đô vào Huế, Thăng Long bị hạ cấp là Bắc thành, song phố vẫn vậy. Đời Minh Mạng, ông vua này đã ra Huấn điều về nhà ở Bắc thành và dân chúng Hà Nội đã nôm hóa thành vè: Dân phường nhà giáp đường quan - Không được làm gác trông ngang ra đường - Có cần làm chỗ chứa hang - Chiều cao không được ngang bằng kiệu quan.
"Khóa nào cũng có chìa để mở", chủ nhà đã làm mái ở gian mặt tiền rất ngắn rồi cơi thêm gọi là gác cổ diêm. Kiệu đi qua vẫn cao hơn mái nên quan không thể bắt bẻ, xử phạt được. Nhà cổ ở Hà Nội xưa dù bằng vật liệu gì cũng khá giống nhau, chia làm ba gian. Mặt tiền để bán hàng hay sản xuất, gác cổ diêm là nơi để nguyên liệu hoặc chứa hàng.
Nếu ai xa Hà Nội dù chỉ 5-7 năm, lúc trở lại thấy Hà Nội rất khác. Song dưới các mái phố, dù cổ, cũ hay phố mới vẫn là nếp nhà. Mặc cho mặt nước biển lạnh giá, phía dưới vẫn có dòng hải lưu ấm áp.
Tiếp đến gian giữa - nơi đặt bàn thờ tổ tiên và sinh hoạt của gia đình. Giữa mặt tiền với gian giữa là khoảng sân, vừa lấy năng lượng từ vũ trụ xuống vừa là ranh ngăn lửa khi xảy ra hỏa hoạn. Ở khoảng sân này còn được trồng hoa, cây cảnh. Chính quyền quy định sân nhà nào cũng có chum nước đầy và một cái câu liêm, khi phố bị cháy, nước để dập lửa còn câu liêm sẽ giật mái ngăn ngọn lửa không lan rộng. Gian trong cùng là bếp, nhà vệ sinh và buồng tắm. Gian giữa và bếp cũng có khoảng sân làm nơi phơi quần áo, để chum nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày và thường mỗi nhà có giếng thơi.
Người Việt có tính cộng đồng rất cao và sinh hoạt trong không gian mở nên lúc sống thường quây quần, khi chết mồ mả cũng chôn cạnh nhau. Nhà ở quê thường làm 3 gian. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, phía dưới là bàn nước, hai gian bên kê giường ngủ. Ăn uống ở bếp hay ở hè. Lối kiến trúc này khi ra phố thì đầu hồi lại trở thành mặt tiền. Theo thời gian, nhà phố từ nguyên liệu tranh tre lợp lá dần dần xuất hiện nhà xây gạch, mái lợp ngói vẩy cá để chống cái nóng khắc nghiệt miền Bắc trong mùa hè.
Nhà phố hầu hết là nhà ống, mặt tiền hẹp song lại rất sâu nên nóc nhà ngắn hơn nóc nhà quê nhưng mái lại dài hơn và không dốc. Cũng như ở quê, nóc nhà phố vô cùng quan trọng. Thành ngữ "nhà phải có nóc" còn có nghĩa bóng đề cao vai trò của chủ gia đình, với quốc gia là vua, vì thế đừng để nóc dột, nếu dột từ nóc thì nguy.
Phố vẫn là phố song nhà cổ sau 8 thế kỷ tồn tại bắt đầu có sự thay đổi khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX. Phố quy hoạch kiểu Pháp và có kiến trúc châu Âu ra đời và kéo dài cho đến năm 1954 - khi thực dân Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam theo Hiệp định Genève. Khu phố cũ chủ yếu ở phía đông, phía nam hồ Gươm và trên đất thành Hà Nội thời Nguyễn. Phố cũ có đường rộng, có vỉa hè và kiến trúc đa dạng.
Có còn mái ngói thâm nâu?
Ngày nay, dù ít nhiều biến dạng nhưng Hà Nội là thành phố duy nhất trong các thành phố châu Á hiện còn lưu giữ các trường phái kiến trúc châu Âu. Hà Nội có mùa đông nhưng không có tuyết, vậy mà Hà Nội vẫn có mái nhà rất dốc lợp bằng miếng tôn nhỏ hay đá chẻ đưa từ Pháp sang. Khu phố cũ còn có biệt thự lợp ngói Tây (loại 22 viên/m2) và mái bằng nên mái phố khác hẳn với mái phố cổ. Quan niệm sống được thể hiện trong kiến trúc và người Pháp tôn trọng sự riêng tư nên nhà ở chia làm nhiều phòng có cửa kín...
Khu phố mới chủ yếu được xây dựng từ sau 1954. Trong nửa sau của thế kỷ XX, tiêu biểu của phố mới là nhà tập thể 4 - 5 tầng. Cuối thập niên 1990, Hà Nội hình thành khu nhà cao tầng đầu tiên được gọi là khu chung cư và sau đó cung cư mọc lên như nấm. Phố mới là sự pha trộn giữa phố cổ và phố cũ, vừa quây quần vừa riêng nhưng không thể không gặp nhau ở thang máy và hầm để xe. Mái phố mới chủ yếu là mái bằng nên nhà không có nóc.
Thập niên 80 và 90, mái phố lô nhô các loại ăng ten, bể nước to nhỏ trên mái. Phố cũ và khu tập thể - niềm tự hào của phố mới xuất hiện "chuồng cọp", nham nhở. Mùa thu 1985, đi thăm Liên Xô về, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lưu lại Hà Nội. Thời bao cấp, phố buồn và nhà cổ bằng gỗ xuống cấp cũng chỉ sửa chữa kiểu chắp vá, muốn xây lại cũng chẳng có tiền nên nhạc sĩ mới có chất liệu viết được câu: "... nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu". Và dưới "mái ngói thâm nâu" có nhiều nhà với vài ba thế hệ cùng sinh sống trong chật chội.
Thập niên 90, kinh tế Hà Nội khá hơn và nhà cổ bắt đầu thay đổi, cửa sắt kéo ào ào thay cửa bức bàn, mái ngói xập xệ được thay bằng tôn. Gác cổ diêm biến mất. Khoảng trống giữa các gian được che chắn trở thành nơi sinh hoạt. Nhà có điều kiện thì đập đi xây mới. Kinh tế thị trường và quan niệm chưa đúng về giá trị phố xưa nhà cổ đã tiễn đưa nốt những gì còn lại sau lần phá nhà cổ đầu tiên trong nửa đầu thế kỷ XX. Hôm nay ở khu vực "36 phố phường" tịnh không còn nhà cổ mái lợp ngói ta. Chủ nhà chả cá Lã Vọng từng muốn phục dựng lại như ngôi nhà của tổ tiên họ gần 200 năm trước nhưng lấy đâu ra vài chục mét khối gỗ tốt để làm xà làm rui mè...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.