Yên Bái: Ngoài chè Suối Giàng còn có loại chè gì mà nông dân thu trên chục tỷ mỗi năm?
Ngoài chè Suối Giàng là "đỉnh của chóp", tỉnh Yên Bái còn có loại chè gì mà nông dân thu hơn chục tỷ mỗi năm?
Hoàng Hữu
Thứ ba, ngày 13/07/2021 06:04 AM (GMT+7)
Những năm qua, diện tích trồng cây chè xanh tại xã Hán Đà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) không ngừng được nhân rộng và trở thành cây chủ lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Hiện xã Hán Đà đang nỗ lực hoàn thiện tiêu chí để sản phẩm chè xanh đạt OCOP 3 sao, tạo nền tảng vươn tới những thị trường lớn.
Không giống như các địa phương khác, cây chè của xã Hán Đà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho thu hoạch gần như quanh năm, trong đó vụ chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11, vụ xuân từ giữa tháng 1 đến tháng 3.
Đến nay, xã Hán Đà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) có hơn 169 ha kinh doanh với trên 400 hộ phát triển kinh tế chủ yếu từ trồng chè tập trung ở các thôn Hán Đà 1, Hán Đà 2, Trác Đà và Phúc Hòa.
Cây chè trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho nhiều hộ dân, doanh nghiệp trồng, chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn.
Trung bình mỗi năm, người dân Hán Đà thu hái trên 2.000 tấn chè búp tươi với giá bán 7.000 – 8.000 đồng/kg đã mang về cho người trồng chè trên 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã còn duy trì hoạt động 120 cơ sở chế biến chè mini, tạo việc làm cho gần 400 lao động tại chỗ với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngà (thôn Hán Đà 1, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã gắn bó với nghề trồng chè đã hơn 20 năm nay. Trước đây, gia đình bà trồng toàn bộ 0,5ha bằng giống chè trung du.
Nhờ được tuyên truyền, tập huấn, hiện tại bà Ngà đã cải tạo toàn bộ sang trồng giống chè lai LDP2, đồng thời áp dụng quy trình chăm sóc VietGAP. Nhờ vậy, vườn chè của gia đình bà không chỉ cho năng suất, chất lượng tốt hơn hẳn, mà còn cho thu nhập trung bình 10 triệu đồng/tháng từ cây chè.
"Trước đây gia đình tôi trồng chè hạt nhưng không hiệu quả, sau này được nông trường chè Văn Hưng đem giống chè lai LDP2 về. Trung bình mỗi tháng cây chè cho thu hái 2 lần, bán với giá 8.000 đồng/kg, gia đình thu về từ 5 - 6 triệu đồng/lần hái. Nhờ cây chè kinh tế gia đình khấm khá, nuôi các con ăn học đầy đủ”, bà Ngà cho biết.
Để đưa cây chè trở thành sản phẩm thế mạnh, thời gian qua, xã Hán Đà đã chủ động tuyên truyền vận động và hướng dẫn bà con cải tạo, đầu tư thâm canh và chế biến chè đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Theo đó, trong quá trình canh tác chè, người dân loại bỏ hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, qua đó nâng cao chất lượng chè, giảm thiểu ô nhiễm.
Các khu chuồng trại chăn nuôi được các hộ dân di chuyển ra xa khu vực trồng chè để giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo chất lượng chè. Các loại rác thải phát sinh trong quá trình canh tác cũng được thu gom đúng nơi quy định để tránh gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước.
Đặc biệt, từ khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất chế biến chè an toàn, 100% các hộ dân nơi đây đã có những thay đổi về phương thức sản xuất như thu hái chè búp tươi bằng hình thức hái tay 100%; chuyển phương thức chế biến từ chảo gang thủ công sang chảo quay tấm tôn bằng điện để nâng cao chất lượng thành phẩm.
Gia đình ông Lã Mạnh Hùng (thôn Trác Đà, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) hiện tại đang duy trì chăm sóc 1,3 ha chè LDP2 được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Hùng cho biết, để chăm sóc cây chè hiệu quả, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, chăm sóc chè. Từ đó, cây chè được nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Trung bình mỗi năm cây chè mang về cho gia đình ông Hùng nguồn thu gần 150 triệu đồng.
"Nếu như xây dựng được sản phẩm sạch và đạt tiêu chuẩn OCOP này thì giá trị sẽ được nâng lên gấp 2 đến 3 lần. Hiện nay, gia đình tôi cũng như người dân ở Trác Đà nói chung đang cố gắng chuyển đổi, cải tạo những cây giống có chất lượng cao và thâm canh cây chè ở điều kiện sinh học, đầu tư phân bón hữu cơ. Phấn đấu đưa cây chè thôn Trác Đà đạt tiêu chuẩn cao hơn nữa để phát triển rộng ra thị trường". Ông Hùng chia sẻ thêm.
Từ năm 2019 đến nay, HTX cựu chiến binh xã Hán Đà đã mạnh dạn đăng ký xây dựng thương hiệu chè xanh Hán Đà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao với quy mô thực hiện 21ha, 34 hộ dân tham gia tại thôn Trác Đà.
"Kể từ khi trồng thử nghiệm cây chè cho đến việc phát triển mô hình thì thu nhập của nhân dân hoàn toàn ổn định. Có rất nhiều hộ chuyển đổi từ trồng cây quế, cây keo sang trồng cây chè; có những hộ đã “thoát được nghèo”. Sự tư duy và thay đổi này hoàn toàn đúng đắn không chỉ trước mắt mà còn đem lại nguồn thu nhập lâu dài và kinh tế bền vững". Ông Trần Tường – Chủ tịch HĐQT HTX Cựu Chiến Binh Hán Đà cho biết.
Theo đó, HTX đã tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn Quốc tế khác để nâng cao chất lượng sản phẩm chè; áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm chè; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất chè búp tươi với cơ sở chế biến.
Hiện nay, sản phẩm "Chè xanh Hán Đà" được công nhận là sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh Yên Bái với thành phần 100% là chè búp khô nguyên chất. Sản phẩm đã có đầy đủ mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và được đóng hộp 200gr - 500gr phù hợp với sự lựa chọn của người tiêu dùng.
"HTX quyết tâm xây dựng chè Hán Đà thành thương hiệu "Chè xanh Hán Đà" đảm bảo tiêu chuẩn. Chúng tôi đang tập trung thay đổi giống để đảm bảo chè xanh có chất lượng, để nông dân được tập huấn kỹ thuật và áp dụng máy móc vào sản suất. Trong năm 2021 này, HTX đang hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng thẩm định huyện đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, phấn đấu nâng cấp lên sản phẩm 4 sao vào cuối năm 2021 này". Ông Tường chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.