Ninh Bình: Nông dân nuôi loài thú mỗi năm lại nhú sừng non, cắt bán là có "lộc", nhà nào nuôi nhà đó khả giả

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 05/05/2021 14:06 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng gần 300 mô hình hiệu quả giúp nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập. Mô hình nuôi hươu sinh sản và nuôi hươu lấy nhung ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan là 1 trong những mô hình điển hình.
Bình luận 0

Tháng 8/2020, Hội ND tỉnh Ninh Bình phối hợp Hội ND huyện Nho Quan và xã Cúc Phương tổ chức ra mắt Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi hươu sinh sản và lấy nhung Cúc Phương.

Hỗ trợ các tổ hội nghề nghiệp nuôi hươu sinh sản, nuôi hươu lấy nhung

Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi hươu sinh sản và lấy nhung Cúc Phương được thành lập với 6 thành viên, nhằm mục đích hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân. 

Cùng với đó, Tổ hội nghề nghiệp là nơi các thành viên giao lưu, hỏi học, chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc vật nuôi, trao đổi thông tin về thị trường, giá cả, về thiết bị và phương tiện sản xuất...

Tiếp sức nông dân Cố đô nuôi hươu lấy nhung - Ảnh 1.

Nhiều nông dân xã Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình) có thu nhập khấm khá nhờ nuôi hươu. Ảnh: H.M

Tổ hội được thành lập dựa trên nguyện vọng của các hội viên nông dân, hoạt động theo nguyên tắc: Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; và 5 cùng: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi.

Hộ gia đình anh Đinh Quang Lâm (thôn Sấm 2, xã Cúc Phương) là 1 trong những hộ được vay vốn Quỹ HTND. Anh Lâm cho biết: Qua tuyên truyền của Hội ND xã Cúc Phương, anh được tiếp cận với mô hình nuôi hươu lấy nhung cho giá trị kinh tế cao. 

Nhận thấy tiềm năng của mô hình này, anh quyết định tu sửa chuồng trại, tìm hiểu kỹ thuật để bắt đầu nuôi hươu lấy nhung. Sau 5 năm, đến nay đàn hươu của gia đình anh có 15 con, trong đó có 10 con đã có thể cắt lấy nhung. 

Tuy nhiên do thiếu nguồn vốn nên anh Lâm chưa thể mở rộng quy mô sản xuất.Đáng chú ý, ngay sau khi thành lập tổ hội, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã giải ngân 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND tỉnh cho các hộ nuôi hươu vay vốn để mở rộng sản xuất.

"Có nguồn vốn vay Quỹ HTND này, tôi có điều kiện mở rộng chuồng trại để tăng số lượng đàn hươu và mua thêm máy cắt cỏ. Hơn nữa việc được tham gia vào tổ hội nghề nghiệp cùng các hộ chăn nuôi hươu sẽ giúp chúng tôi chia sẻ kiến thức chăn nuôi và tiêu thụ nhung hươu thuận lợi hơn"-anh Lâm phấn khởi cho biết.

Tổ hội nuôi hươu góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Hội

Dự án nuôi hươu sinh sản và lấy nhung xã Cúc Phương là 1 trong hơn 270 dự án Quỹ HTND mà các cấp Hội ND tỉnh Ninh đang thực hiện. Theo báo cáo của Hội ND tỉnh Ninh Bình, tính đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt hơn 36,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác là 15 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã triển khai cho hàng nghìn nông dân vay vốn.

Một số mô hình vay vốn Quỹ HTND phát triển tốt như: mô hình tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi hươu sinh sản và lấy nhung Cúc Phương (Nho Quan), mô hình chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân (Hoa Lư), mô hình ương nuôi cá giống ở xã Yên Đồng (Yên Mô); mô hình du lịch cộng đồng ở xã Ninh Hải (Hoa Lư); mô hình thâm canh cây ổi lê Đài Loan tại xã Khánh Thành (Yên Khánh); dự án nuôi cá nước ngọt thâm canh tại xã Gia Phương, Gia Hòa (Gia Viễn...

Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội ND tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, qua đó, giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND.

Trong quá trình bình xét cho vay, Hội ND các cấp tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn. Hội còn định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi. Các cơ sở Hội cũng thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên.

Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình Đinh Hồng Thái khẳng định: Công tác Hội ở những nơi có dự án Quỹ HTND ngày càng được củng cố vững mạnh. Đội ngũ cán bộ hội các cấp năng lực nghiệp vụ ngày càng được nâng lên, có điều kiện tiếp cận với kiến thức quản lý tài chính trong quá trình tổ chức triển khai dự án và hoạt động nhận ủy thác. 

"Có nguồn vốn vay Quỹ HTND này, tôi có điều kiện mở rộng chuồng trại để tăng số lượng đàn hươu và mua thêm máy cắt cỏ. Hơn nữa việc được tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp cùng các hộ chăn nuôi hươu sẽ giúp chúng tôi chia sẻ kiến thức chăn nuôi và tiêu thụ nhung hươu thuận lợi hơn".

Anh Đinh Quang Lâm -

nông dân nuôi hươu ở xã Cúc Phương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem