Ưu tiên dồn điền đổi thửa
Là một huyện miền núi, nhưng Ngọc Lặc có rất nhiều lợi thế như có đường Hồ Chí Minh chạy qua, gần Nhà máy Đường Lam Sơn (huyện Thọ Xuân), trên địa bàn có Công ty cổ phần Cao su Lam Sơn và nhiều cơ sở chế biến các mặt hàng lâm sản tre, luồng… Do đó, huyện có nhiều điều kiện để phát triển cây công nghiệp.
|
Ông Bùi Đăng Nhu đã vui vẻ hạ những cây dừa, mít hàng chục năm tuổi để mở đường. |
Bà Lê Thị Nhi - Trưởng phòng NNPTNT Ngọc Lặc cho biết: “Huyện có tất cả 21 xã, thị trấn và không nằm trong diện xây dựng xã điểm của tỉnh. Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là mục tiêu lâu dài và dựa vào sức dân là chính, nên huyện đã chủ động triển khai dựa trên những lợi thế của mình”.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất trong xây dựng NTM ở Ngọc Lặc hiện nay là vốn đầu tư gần như không có. Huyện chỉ có lợi thế về đất đai trồng cây phục vụ sản xuất công nghiệp với khoảng 5.000ha mía, 1.800ha cao su và 10.000ha luồng. Ngoài cây công nghiệp, để phục vụ xây dựng NTM, Ngọc Lặc đang tập trung phát triển sản xuất với nhiều loại cây trồng khác như lúa, ngô, lạc.
Để đạt được mục tiêu này, Ngọc Lặc đã chủ trương dồn điền đổi thửa tại xã điểm Ngọc Liên, rồi nhân rộng ra địa bàn các xã khác. Bà Nhi cho hay: “Ngọc Lặc có 30.000ha đất nông nghiệp, trong đó có 4.000ha đất lúa, hiện đã dồn đổi được 1.371ha ở xã Ngọc Liên, đạt 1,8 thửa/hộ (trước là 5 – 8 thửa/hộ). Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa trong năm 2013”.
Phấn khởi vì trước đây phải chạy khắp đồng trên, đồng dưới để thăm ruộng, nay được dồn thành 2 thửa rộng, chị Phạm Thị Hạnh (thôn 10, xã Ngọc Liên) nói: “Trước khi dồn đổi, tôi cũng từng có tư tưởng ruộng tốt, ruộng xấu, xa, gần. Nhưng khi dồn đổi rồi, mới thấy hết lợi ích của việc này. Bình thường khi đi thăm ruộng, tôi phải mất cả buổi. Ruộng manh mún nên cày bừa, cấy hái rất khó, nay dồn thành thửa rộng thì cày bừa đều bằng máy, lại tiện chăm sóc nên năng suất cao hơn khoảng 15%”.
Khó đạt nông thôn mới vì còn nhiều hộ nghèo
Ông Phạm Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên cho biết: “Sau 1 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt xã đã có nhiều thay đổi, ngoài việc hoàn thành dồn điền đổi thửa, chúng tôi đã làm xong 15,5/22,3km đường giao thông liên thôn và cứng hóa 4/31km kênh mương nội đồng với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là do dân đóng góp. Bên cạnh đó còn có 424 hộ tự nguyện hiến đất, có hộ hiến tới 100m2 đất”.
Ngoài những kế hoạch riêng của tỉnh, Ngọc Lặc đang vận dụng một cách linh hoạt các chương trình, dự án vào việc xây dựng NTM. Với 8 xã 135, trung bình mỗi xã được Nhà nước đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế đã tạo thêm điều kiện để Ngọc Lặc xây dựng NTM.
Điển hình như hộ ông Bùi Đăng Nhu (63 tuổi) ở thôn 6, xã Ngọc Liên đã tự nguyện hiến 3 cây dừa to đang cho quả, 2 cây mít và gần 100m2 đất vườn. Ông Nhu nói: “Nếu ai cũng giữ đất, giữ cây, thì không có đường rộng, đẹp để đi, không có nhà văn hóa và sân thể thao để sinh hoạt. Mình không có tiền thì hiến đất, cây cối, làm vậy, con cháu mình hưởng chứ đi đâu mà thiệt”.
Hiện Ngọc Liên đã đạt 7/19 tiêu chí, nhưng theo ông Hà việc triển khai xây dựng NTM ở xã cũng đang bộc lộ những khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, tổng thu ngân sách của xã chỉ khoảng 500 triệu đồng/năm, nên việc huy động vốn rất khó khăn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 12,2%, theo tiêu chí đến năm 2015 chỉ còn 5% và cơ cấu lao động nông nghiệp khoảng 20%, trong khi xã có khoảng hơn 80% lao động làm nông nghiệp.
“Năm 2015, các xã điểm phải đạt thu nhập gấp 1,4 lần của tỉnh, khoảng 40 triệu đồng/người/năm. Song với tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động như hiện nay, dự tính xã chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng/người/năm” - ông Hà nói.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.