Ngôi chùa thờ Phật lớn nhất Tiền Giang

Đức Quỳnh Thứ sáu, ngày 30/10/2015 09:58 AM (GMT+7)
Ở miền Tây, không ai không biết đến chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vì đây là ngôi chùa độc đáo nhất xứ, mang cả hai phong cách kiến trúc Á và Âu. Hàng trăm năm qua, ngôi chùa vẫn tọa lạc ở đó, mang đến sự bình an vĩnh hằng cho những người kính Phật.
Bình luận 0

Trường tồn cùng trời và đất

Nhìn từ xa, chùa Vĩnh Tràng - ngôi chùa thờ Phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1984 - giống như một ngôi biệt thự châu Âu nguy nga lộng lẫy tọa lạc trên một khoảnh đất rộng lớn ở đường Nguyễn Trung Trực (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang). Tuy nhiên, khi bước vào bên trong, bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn nữa vì những nét đặc sắc mà bàn tay nghệ nhân tài hoa đã làm nên công trình này.

img

Mặt tiền chùa Vĩnh Tràng nguy nga lộng lẫy như ngôi biệt thự. (Ảnh: Đ.Q)

Chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 bởi ông Tri huyện Bùi Công Đạt làm quan dưới triều Vua Minh Mạng, nên ban đầu chùa có tên là chùa ông Huyện, năm 1849 chùa chính thức mang tên Vĩnh Tràng. Cái tên do Hòa thượng Thích Huệ Đăng về trụ trì đặt cho với mong ước ngôi chùa sẽ “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa" (vĩnh cửu như sông núi, trường tồn cùng trời đất). Chùa gồm có 4 hạng mục nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu) với diện tích 14.000m², dài 70m, rộng 20m, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc.

Điểm nhấn của chùa Vĩnh Tràng là cổng tam quan do những nghệ nhân xứ Huế tài danh đã từng xây cung điện nhà Nguyễn thực hiện vào năm 1933. Khác với những ngôi chùa truyền thống, hai cổng này được xây dựng theo lối cổ lầu. Nét độc đáo của hai cổng tam quan thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ tạo nên những bức tranh  lung linh màu sắc về chủ đề sự tích nhà Phật và các tích chuyện dân gian.

Điêu khắc tượng độc đáo

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Đại Dũng cho biết: “Chùa Vĩnh Tràng giá trị không chỉ ở kiến trúc mà còn ở bộ tượng La Hán đang được lưu giữ trong chùa. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, bộ tượng 18 vị La Hán ở chùa Vĩnh Tràng không hề thua kém về mặt nghệ thuật so với tượng các vị La Hán chùa Tây Phương (Hà Nội). Vừa có nét đặc trưng của giáo lý nhà Phật, lối đặc tả của nhóm tượng này cũng mang dáng dấp riêng, rất Nam Bộ”.

Theo nhiều tài liệu được ghi chép lại thì tác giả của bộ tượng La Hán chùa Vĩnh Tràng chính là thầy trò Nghệ nhân Tài Công Nguyên thực hiện khoảng những năm 1909-1910, thế kỷ 20. Ở bên ngoài chùa, to nhất là pho tượng Di Đà cao 24m (bệ 6m, tượng 18m) do ông Tống Hữu Trung ở Vĩnh Long hiến cúng.

Ngoài ra, trong chùa còn có bộ tượng cổ nhất là bộ Tam Tôn gồm tượng Di Đà, Quan Âm, Thế Chí bằng đồng, riêng tượng Quan Âm bị thất lạc nên đã được làm lại bằng gỗ. Bên cạnh hệ thống tượng Phật quý, Chùa còn nổi tiếng với hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Những bức vẽ này mang đậm nét dân gian với hình mai, lan, cúc, trúc và phong cảnh Việt Nam rất nên thơ do Long Giang cư sĩ thực hiện vào năm 1904.

Du khách đến đây sẽ được các vị tiểu hòa thượng giới thiệu về lịch sử chùa từ lúc mới thành lập cho đến hiện nay. Nếu muốn, bạn có thể ngồi tĩnh tâm tọa lạc trong không gian dịu mát bóng cây và nhiều hoa thơm cỏ lạ trong khuôn viên chùa có khá nhiều cây cảnh bên cạnh hồ sen. Mỗi dịp năm mới, chùa Vĩnh Tràng tiếp đón hàng ngàn lượt du khách và phật tử từ khắp nơi đến chiêm bái và cầu an, cầu phước lộc trường tồn cho gia đình, dòng tộc.

Chùa có 178 cột, 2 sân và 5 lớp nhà, khuôn viên chùa được bố trí theo dạng chữ "Quốc". Kiến trúc tinh xảo, đa dạng theo lối kiến trúc tổng hợp Á- Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chăm). Nóc chùa Vĩnh Tràng có 5 ngọn tháp uy nghi, nổi bật trên nền trời xanh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem