Trên 300 phụ nữ kiếm thêm thu nhập từ nghề đan lục bình
Chị Lê Thị Kim Thoa - Chủ cơ sở đan lục bình ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho hay, hiện có trên 300 phụ nữ trên địa bàn huyện có thêm thu nhập ổn định từ nghề đan lục bình, cụ thể là từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Thoa cho biết, năm 2017, chị biết được tỉnh Hậu Giang phát triển nghề đan lục bình, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân nên quyết định sang địa phương lân cận này học nghề.
Sau 3 tháng học nghề, chị Thoa về nhà hướng dẫn các chị em trong gia đình làm. Do thấy công việc phù hợp và có thêm thu nhập nên nhiều phụ nữ ở gần nhà đến học nghề đan lục bình. Đến đầu năm 2018, chị Thoa thành lập cơ sở đan lục bình.
"Ở đây, khoảng từ 4-5 năm về trước, người dân nông thôn sống chủ yếu bằng nghề nuôi tôm, có thời gian nhàn rỗi rất nhiều. Tôi đi sang Hậu Giang học nghề, về hướng dẫn lại cho chị em phụ nữ địa phương làm theo, không ngờ rất hiệu quả. Ngoài thu nhập từ con tôm, chị em phụ nữ còn có thêm vài triệu đồng mỗi tháng" - chị Thoa nói.
Theo chị Thoa, nghề đan lục bình rất dễ làm nên các chị em phụ nữ học nghề rất nhanh. Chỉ sau 6 tháng mở cơ sở đan lục bình, đã có gần 20 chị em phụ nữ tham gia và đến nay đã có trên 300 chị em đang làm công việc này.
Ngoài công việc dễ làm, theo tìm hiểu của phóng viên, nghề đan lục bình được chị em phụ nữ lựa chọn bởi không phụ thuộc giờ giấc, có thể làm lúc rảnh rỗi, nhẹ công, thích hợp nhiều lứa tuổi. Ngoài làm trực tiếp tại cơ sở của chị Thoa, các chị em phụ nữ có thể nhận nguyên liệu mang về nhà làm.
Yên tâm làm ăn ở địa phương thay vì phải đi xa kiếm sống
Theo chị Nguyễn Thị Như Ý ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Đông, nghề đan lục bình rất phù hợp với phụ nữ nông thôn, do không nặng nhọc. Về thu nhập có thể giúp gia đình chi tiêu lặt vặt hàng ngày.
Cũng theo chị Ý, có nhiều hộ gia đình, nhiều người chồng cũng phụ các chị em phụ nữ đan lục bình lúc rảnh, xong còn phụ thêm việc vận chuyển sản phẩm làm ra giao cho nơi thu mua.
Còn chị Nguyễn Thị Nhung ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông thì cho biết: "Nhà tôi nuôi tôm nên việc làm theo thời vụ, hết vụ không có việc gì làm. Từ khi có cơ sở đan lục bình của chị Thoa, chị và nhiều chị em phụ nữ hàng xóm đến học nghề, nhận nguyên liệu về nhà làm.
"Nhờ nghề đan lục bình mà tôi có thêm thu nhập. Tuy không cao, từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày nhưng được làm tại nhà, rảnh tay giờ nào làm giờ đó" - Chị Nhung chia sẻ.
Cũng như chị Ý, chị Nhung, nhiều phụ nữ khác ở xã Phong Đông cho hay, ngoài tăng thêm thu nhập cho gia đình, nghề đan lục bình còn giúp chị em trong ấp, trong xã gắn bó với nhau, hiểu nhau hơn, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi gặp khó khăn.
Theo phóng viên tìm hiểu, nghề đan lục bình ban đầu chỉ có ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông sau đó được nhân rộng các xã khác trong toàn huyện Vĩnh Thuận, qua đó góp phần làm thay đổi chất lượng đời sống của người dân, tinh thần lao động được lan tỏa, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Liên quan đến nghề đan lục bình nói trên, bà Huỳnh Thị Tuyết Mơ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phong Đông nói: "Hiện có nhiều người trong xã, nhất là chị em người dân tộc Khmer làm nghề đan lục bình để kiếm thêm thu nhập".
Bà Mơ nhấn mạnh rằng, nghề đan lục bình đã giúp các chị em phụ nữ yên tâm làm ăn ở địa phương, thay vì phải đi xa kiếm sống. Khi có nguồn thu nhập thêm được ổn định, các chị em phụ nữ còn tham gia vào những tổ góp vốn xoay vòng để có số tiền lớn hơn.
Cũng theo bà Mơ, mô hình đan lục bình hết sức ý nghĩa khi đã góp phần giúp xã Phong Đông giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Chị Lê Thị Kim Thoa - Chủ cơ sở đan lục bình ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm của chị em phụ nữ địa phương đã có công ty đảm nhiệm thực hiện. Việc khó khăn nhất hiện nay là phải đi lấy nguyên liệu từ địa phương khác về, bởi địa phương là vùng nước mặn nên lục bình không sống được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.