Người dân làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình quặn lòng khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú nhất của quê hương đã về với cõi vĩnh hằng…
Quặn lòng trước hung tin
Sáng 5.10, trời Lệ Thủy lại đổ mưa. Dòng
sông Kiến Giang nước đỏ ngầu cuồn cuộn chảy. Làng An Xá xác xơ bởi dấu tích của
cơn bão dữ chưa kịp khôi phục.
Khi chúng tôi có mặt tại đây, hàng trăm người
dân làng An Xá đã gác lại việc nhà, kéo về nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp để
thắp nén hương cho người. Ai cũng thẫn thờ, mắt ngấn lệ tiếc thương.
>>Chùm ảnh: Quê nhà khóc thương Đại tướng!<<
Ông
Võ Đức Tôn, cháu gọi Đại tướng bằng bác thúc bá xem lại những bức ảnh của Đại tướng
với gia đình khi Đại tướng về thăm quê
Vừa leo xuống từ mái nhà để lợp lại lớp mái sau bão, ông Võ Đại
Nhân (57 tuổi) đã vội tìm đến nhà lưu niệm để hỏi han
tình hình.
“Mấy hôm điện mất, sáng nay mới nghe tin
cụ đã ra đi. Người dân quê hương đều biết rằng cụ tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng
ai cũng quặn lòng trước hung tin này. Nghe tin cụ mất, chúng tôi như cảm nhận
như một người ruột thịt của mình mất đi vậy”- ông Nhân ngấn lệ.
Bà Võ Thị Lài (68 tuổi, người gọi đại
tướng bằng bác) đứng lặng người bên góc nhà lưu niệm của Đại tướng. Trong tâm
khảm của bà Lài, hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng
lừng lẫy năm châu mà hơn hết là hình ảnh dung dị của một người cha, người bác mà
mỗi lần về thăm quê Đại tướng đã dành cho bà.
“Bác vô nhà tôi, bắt tay từng
người, hỏi han từng việc. Bác ngồi kể cho cả nhà nghe chuyện đánh giặc, chuyện đi
làm cách mạng… Rồi động viên gia đình cố gắng làm ăn, đừng trông chờ ỉ lại” –
bà Lài kể.
Gần 10 năm rồi kể từ lần cuối cùng Đại
tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê, với người dân làng An Xá, trong những
hoàn cảnh khó khăn nhất, đối mặt với thiên tai, bão lũ, họ lại như thấy hình ảnh
của của Đại tướng bên họ, động viên họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Những
lời dặn ân cần của Đại tướng, người làng An Xá khắc sâu. Lần nào về thăm quê cũng
vậy, sau khi hỏi thăm sức khoẻ bà con, lối xóm, lời đầu tiên Đại tướng dặn là chính
quyền địa phương phải đoàn kết, người dân thì phải thoát ra khỏi tư tưởng bảo
thủ, ruộng đồng nên áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh sản xuất để có năng
suất cao. Vườn tược không nên chỉ trồng cây chuối, mà phải trồng nhiều loại
cây có giá trị kinh tế để tăng thu nhập.
Làng
An Xá có nghề làm chiếu nổi tiếng, lần nào cũng vậy, Đại tướng căn dặn là phải
phát huy cho được nghề này để tăng thu nhập cho bà con nông dân. Vâng lời Đại tướng,
chiếu cói của làng bây giờ đã trở thành một thương hiệu được khách hàng ưa chuộng…
Ngôi
nhà gỗ nhớ thương Người
Mặc dù đã hàng chục năm Đại tướng Võ
Nguyên Giáp đi làm cách mạng và có rất ít thời gian ở lại ngôi nhà nhỏ ở quê hương.
Nhưng người dân Lệ Thuỷ, người dân Quảng Bình vẫn gọi ngôi nhà gỗ bên dòng sông
Kiến Giang là nhà của Đại tướng, nhà “ông Giáp”, nhà “bác Giáp”…
Người được Đại tướng giao nhiệm vụ trong
coi ngôi nhà ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá.
Ông Hàm kể, năm 1947, trước sự kiên trung
một lòng theo lý tưởng giải phóng dân tộc của dòng họ Võ, giặc Pháp đốt cháy
trụi ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình Đại tướng để trả thù. Do chiến
tranh khốc liệt, mãi đến khi đất nước thống nhất (1977), ngôi nhà của Đại tướng
mới được gia đình và chính quyền địa phương phục dựng nguyên trạng trên nền đất
cũ. Đó ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái, lợp ngói theo nếp nhà truyền thống của vùng
quê lúa Lệ Thủy.
Ở phía dưới mái có thêm một chái tranh làm cửa chống lên che
mưa, che nắng. Phía trái ngôi nhà rường là nhà bếp, tường xây lợp tranh có sân
rộng lát gạch. Gian chính giữa là bàn thờ tổ tiên. Phía trên cùng có ảnh hai cụ
thân sinh của Đại tướng là Võ Quang Nghiêm và Trần Thị Kiên. Phía dưới có ảnh
bà Nguyễn Thị Quang Thái - phu nhân đầu tiên của Đại tướng, người chiến sỹ cách
mạng đã hy sinh khi còn rất trẻ.
Phía ngoài bàn thờ là bàn tiếp khách và
gian bên cạnh là phòng ngủ đặt một chiếc giường ngủ được trải chiếu cói. Trong
nhà còn treo nhiều ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và những đồng chí
của mình. Nhiều vật dụng gia đình đặc trưng của vùng chiêm trũng Lệ Thủy như
cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, lu, được sắp đặt ngăn nắp.
Hơn 30 năm qua, khi được giao nhiệm vụ
trông coi ngôi nhà cùng bàn thờ hương hỏa của ông bà, ông Hàm vẫn đều đặn thức
khuya, dậy sớm nâng niu từng kỷ vật dưới ngôi nhà này. Bộ bàn ghế, chiếc
giường, những bức ảnh... tất cả hầu như vẫn vẹn nguyên bởi bàn tay chăm sóc tỉ
mẩn của ông.
Qua câu chuyện của ông Hàm, chúng tôi thấy
Đại tướng rất quý ngôi nhà và hình bóng của Đại tướng dường như luôn hiện diện
trong ngôi nhà gỗ này.
Đã qua nhiều mùa mưa bão và vừa phải hứng
chịu cơn bão số 10 quét qua, dẫu nhiều cây cối trong vườn nhà có đổ gãy nhưng
ngôi nhà gỗ vẫn đứng vững.
Nhưng hôm nay hình như cùng nỗi lòng người dân
làng An Xá, người dân xứ Lệ, ngôi nhà đang nặng trĩu nỗi buồn trước hung tin Đại tướng vừa
qua đời…
“Khi nghe hung tin tôi đã không cầm nổi
nước mắt, nhìn vào những kỷ vật trong ngôi nhà này lại nhớ thương ông
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp) vô cùng. Vật còn đó những người thì đã mãi mãi đi xa
rồi!”, ông Hàm nghẹn ngào nói.
Phan Phương (Phan Phương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.