Do điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết thích hợp, trong vài năm gần đây, người dân Long Tuyền (TP.Cần Thơ) quê tôi đã gieo trồng một loại bí mới, đó là bí đỏ cao sản. Đây là loại bí dễ trồng, năng suất cao và có giá trên thị trường. Khác với loại bí đỏ truyền thống (bí rợ, miền Bắc gọi bí ngô), trái to tròn dẹt, trọng lượng khoảng 5 – 7 kg/trái. Bí đỏ cao sản trái tròn, có trọng lượng nhỏ (3 – 400 gram/trái), da bí có vệt màu xanh lẫn vàng, không có ngấn nơi giữa trái. Ruột bí màu vàng cam, vị ngọt béo, dẻo, thơm ngon nên được các bà nội trợ miền Tây ưa chuộng trong việc chế biến các món ăn.
Bí đỏ cao sản da màu xanh lẫn vệt vàng trông thật hấp dẫn.
Theo y học cổ truyền Việt Nam, bí đỏ cao sản có tính hàn, bổ óc, nhuận trường, hạt bí rang cho trẻ em ăn trị được bệnh sán lãi. Riêng người Nhật tôn vinh bí đỏ cao sản (lẫn bí rợ) vào hàng “trường sinh bất lão” cùng với tảo biển, hải sản, đậu nành và các loại rau,.v.v... Bí đỏ cao sản chế biến nhiều món ăn ngon như: Hầm dừa (cùng với chuối), nấu canh cá rô đồng,.v.v.. Và, ấn tượng nhất đối với người dân miền Tây phải kể là: Canh bí đỏ cao sản dồn thịt.
Muốn làm món nầy, phải dụng công một chút và cần tinh tế trong khâu chế biến để món ăn đạt chất lượng. Trước hết, bí đỏ cao sản mua ở chợ phải chọn trái vừa ăn, tròn trịa, đem về nhà gọt sạch vỏ, móc bỏ ruột, rửa sạch. Thịt nạc dăm bằm nhuyễn trộn đều với giò sống, ướp cùng gia vị (muối + đường + bột ngọt + đầu hành + tiêu …) cho vừa khẩu vị. Dùng muỗng cho nguyên liệu thịt vào ruột bí nén cho chặt. Và, cho bí vào xửng hấp cách thủy, dùng đũa xom thử thấy bí mềm là được.
Tô canh bí đỏ cao sản dồn thịt với màu sắc hài hòa trông thật hấp dẫn.
Chuẩn bị nồi nước dùng (xương heo hoặc xương gà) nấu sôi, nêm nếm vừa ăn để sẵn. Tiếp đến, cho bí hấp xong vào nồi nước dùng nấu sôi (khoảng 10 phút) cho bí ngấm, múc ra tô. Để cho hương vị tô canh được đậm đà, nhớ thêm một ít hành, ngò xắt nhuyễn, và chuẩn bị một dĩa nước mắm nguyên chất trong đó có vài trái ớt hiểm chín nữa, là xong!.
Dùng muỗng xắn miếng bí đỏ cao sản dồn thịt cho vào chén đưa lên miệng nhai một cách từ tốn, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo, ngọt thơm của bí, beo béo của thịt, cay cay của tiêu lan tỏa khắp giác quan. Chan một miếng nước canh bí đỏ vào chén cơm rồi “lùa” một hơi, bạn sẽ không thể nào quên được món ăn dân dã nơi quê hương miền Tây. Nếu có dịp ghé quê hương miền Tây, bạn hãy khám phá món ăn này nhé?.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.