Phó Thủ tướng cho rằng, những thành tựu mà Chương trình xây dựng NTM thành phố đã đạt được rất ấn tượng với những tiêu chí có chất lượng, số lượng cao; một số tiêu chí đạt được cao hơn tiêu chí quốc gia… Là thành phố đi đầu trong việc xây dựng NTM của cả nước, thành phố đã cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng NTM…
Thêm hai huyện được công nhận
Xây dựng chuỗi liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu của thành phố trong việc xây dựng NTM giai đoạn 2. Ảnh: Sơ chế rau sạch tại HTX Nông nghiệp Ngã Ba Giồng (Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn). T.Đ.
Tại hội nghị quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận 2 huyện: Hóc Môn và Nhà Bè đạt chuẩn NTM (năm 2015) cũng đã được công bố. Theo đó, đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Nhà Bè đạt 41,805 triệu đồng/người/năm. Trong đó, xã Phước Kiển đạt 65,056 triệu đồng/người/năm – cao nhất khu vực nông thôn TP.HCM. “Nhìn chung, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, đời sống vật chất và văn hóa của dân cư nông thôn thành phố qua 5 năm xây dựng NTM được nâng lên, giảm dần khoảng cách thu nhập dân cư giữa ngoại thành và nội thành…”- ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP.HCM nhận xét.
Như vậy, hiện TP.HCM đã có 3 huyện đạt chuẩn NTM là: Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn.
Gần 19.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2
Hiện, TP.HCM đang xây dựng bộ tiêu chí NTM nâng cao cho giai đoạn 2 (2016 - 2020) xây dựng dựng nông thôn thành phố. Theo đó, vốn ngân sách thành phố gần 3.500 tỷ đồng; vốn huy động từ cộng đồng là 15.000 tỷ đồng (vốn dân 7.594 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp là 2.500 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 5.000 tỷ đồng).
Theo ông Trần Ngọc Hổ - Trưởng Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố, về phát triển nông nghiệp, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Để giải quyết tốt cho giai đoạn xây dựng NTM này, ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đang nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Bộ tiêu chí xây dựng NTM theo đặc thù vùng nông thôn TP.HCM theo hướng nâng cao chất lượng tiêu chí, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực và đổi mới tổ chức sản xuất… nhằm nâng cao môi trường sống tốt hơn, thu nhập cao hơn cho người dân nông thôn thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.