Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đông Phú là một thị trấn thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi đây nổi tiếng với làng nghề làm phở sắn. Theo các cụ cao niên tại làng Thuận An – Thị trấn Đông Phú (Quế Sơn –Quảng Nam), nghề làm phở sắn có từ bao giờ thì không ai nhớ rõ, chỉ biết rằng trong những năm khó khăn của chiến tranh, sắn được chọn là thức ăn chính của nhiều hộ nông dân ở vùng quê nghèo xứ Quảng. Phở sắn không phải cao lương mỹ vị, chỉ là món ăn nhà quê từ bột củ sắn (khoai mì) ấy vậy mà là món ăn khoái khẩu được người dân Đông phú rất tự hào giới thiệu với du khách gần xa và ai đã ăn một lần là nhớ mãi không thôi.
Nghề làm phở sắn ở Quế Sơn bắt đầu hình thành và phát triển vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, nhưng do chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác tác động nên nghề dần bị mai một. Hơn 20 năm trở lại đây, nghề này được khôi phục và hoạt động trở lại ở các xã: Quế Châu, Quế Thuận, Quế Minh, Quế Long…nhưng tập trung chủ yếu là ở Tổ dân phố Thuận An, thị trấn Đông Phú. Đây là địa phương sản xuất phở sắn nhiều nhất của huyện. Làng nghề hiện có hơn 20 hộ gia đình sản xuất phở sắn.
Nhiều năm trước đây, người dân Quế Sơn làm phở sắn theo phương pháp thủ công. Thế nhưng hiện nay với công nghệ hiện đại, quy trình làm phở được cải tiến theo phương pháp hiện đại. Các công đoạn chính bao gồm: xay bột, ngâm bột, đánh bột và ép phở. Tùy vào cảm hứng của người làm mà sợi phở sắn sẽ có những kiểu dáng đa dạng.
Đầu tiên cần chọn những cây sắn ngon nhất rồi thái thành lát mỏng phơi khô, sau đó xay thành bột mịn. Ngâm số bột sắn đó để khử chua rồi tiến hành khuấy đều cho đến khi thành bột. Người làm sẽ ngâm bột đến khi nào độ chua đã được khử. Tiếp theo cho bột vào nồi rồi bật bếp nấu. Bạn cần để lửa nhỏ, khuấy liên tục và đều tay để bột chín đều. Điều này cũng đảm bảo sẽ không bị cháy xém xung quanh hoặc dưới đáy nồi.
Đến khi bột chín thì cho lên máy ép để ép thành những sợi phở nhỏ. Bạn cần nhanh tay hứng, dưới tác động của máy ép các sợi phở sẽ đan lồng vào nhau. Để tạo ra những sợi phở sắn Quảng Nam ngon nhất thì thời tiết cũng ảnh hưởng ít nhiều. Thông thường người dân chọn những ngày nhiều nắng để phơi sợi phở. Phở ngon nhất là khi được phơi giòn, khô, màu trong đẹp mắt.
Phở sắn được chế biến rất dễ dàng và làm được nhiều món khác nhau, phù hợp với nhiều vị nước lèo được nấu từ cá lóc, lươn… Người Quế Sơn thường ăn phở sắn chan nước cá nục, cá ngừ biển tươi ngon. Ngoài ra còn một món không thể không nhắc tới là món phở sắn trộn nhộng và chuối cây, vừa đậm đà, vừa nồng ấm tình quê.
Hoặc từ bột sắn, ở vùng quê Quế Sơn, có thể chế biến thành nhiều món ăn chơi rất ngon. Bánh ít sắn, làm với nhân đậu đỏ hoặc đậu đen trộn đường; bánh trôi nước (bánh chập chập), trộn với củ nén khử dầu phụng; bánh tráng sắn, tuyệt hảo hơn khi dùng để cuốn cá nục, cá ngừ với rau muống, chấm nước mắm nhỉ.
Cái vị dai dai, bùi bùi của sợi phở sắn; vị ngọt của tôm thịt; giòn giòn của cây chuối non hòa vào mùi thơm của rau húng, quế, ngò; vị cay cay của ớt xanh và béo béo của đậu phộng… Tất cả tạo nên hương vị đặc trưng, mặn mà của món phở sắn. Người Quảng Nam bảo rằng, chính cái tình quê chân chất, mặn mà đã làm nên những hương vị rất riêng của món ngon này. Không những vậy giá thành của một tô phở sắn lại khá rẻ, thậm chí chưa đến 30.000 VNĐ. Đừng bỏ lỡ món ăn phở sắn Quảng Nam thơm ngon này nếu có dịp ghé thăm Quảng Nam nhé.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.