Chuẩn bị cho chuyến mở biển sau rằm tháng Giêng tới đây nhưng anh Hồ Văn Trường (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) - chủ tàu câu mực ĐNa - 90051, đang phải chạy đôn chạy đáo để tìm bạn (ngư dân đi biển). “Tàu cần 60 bạn nhưng đến nay cộng cả số anh em trong gia đình tôi cũng chỉ mới có 20 người. Nếu để chừng đó ra khơi thì không cáng đáng nổi công việc và sản lượng chắc chắn không thể đạt” - anh Trường nói.
|
Vùng biển Hoàng Sa đang thiếu ngư dân trẻ. |
Cũng lâm vào tình trạng này là tàu của anh Nguyễn Nghĩa (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê). Tàu anh Nghĩa cần 50 bạn, nhưng đến nay mới được 30 ngư dân. Theo anh Nghĩa thì đây là số lao động cuối cùng mà anh có thể kiếm được. Phần lớn lao động trên tàu anh là ngư dân xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Họ đã theo anh nhiều năm, nắm rõ công việc, ngư trường. Thế nhưng năm nay, họ lại từ chối ra khơi.
“Vào cuối tháng Chạp năm ngoái, tôi đã đi vào tận từng nhà để mời họ đi biển nhưng không mấy ai chịu tham gia. Không thể bỏ nghề biển, tôi đành lên mấy huyện miền núi Quảng Nam, tìm lao động thế vào. Không biết mấy anh nông dân quen đốn củi này có ra khơi được không đây?" - anh Nghĩa khổ sở cho biết.
Thuyền trưởng tàu ĐNa - 90098 Trần Tiến Hồng (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho biết từ cuối năm ngoái tới nay, tàu anh chưa có chuyến nào làm hết công suất vì không đủ lao động. "Nghề câu mực này khác với các nghề biển khác. Ra tới biển mỗi người mỗi thúng, tản ra câu mực. Lao động có nhiều thì câu mới nhiều, mới có sản lượng, có lãi. Ngược lại thì không hiệu quả, thua lỗ” - anh Hồng nói.
Theo ông Đặng Phước Tuấn - Phó phòng Kinh tế quận Thanh Khê - hiện lao động đánh bắt xa bờ của quận là 1.093 người. Lao động tại địa phương tham gia nghề biển rất ít, chủ yếu làm thuyền trưởng, còn đi bạn phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm 70%). Trong đó độ tuổi trung niên (35-45 tuổi) chiếm 90% tổng số lao động. Thanh niên trẻ dưới 23 tuổi đi biển còn lại rất ít, chỉ có 2-3 người trên một tàu.
Cũng theo ông Tuấn, mấy năm trở lại đây thu nhập từ nghề biển không cao như trước. Sản lượng thủy hải sản giảm mạnh từng năm. Năm 2012 đạt 11.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước; năm 2011 lại giảm 14% so với cùng kỳ năm 2010... Nghề biển sa sút như vậy nên không thu hút được lao động trẻ.
“Hiện nay các tàu đánh bắt xa bờ tại Đà Nẵng ngày càng ít đi. Riêng tàu câu mực, đầu năm 2012, quận Thanh Khê có 12 chiếc nhưng đến đầu năm 2013 chỉ còn lại 6 chiếc. Phần lớn ngư dân bán tàu. Từ năm 2005 về trước, nghề biển đánh bắt xa bờ của quận Thanh Khê thu hút tới 4.200 lao động nhưng bây giờ chỉ còn hơn 1.000 lao động. Phần vì số lượng tàu thuyền xa bờ ngày càng ít, phần vì lớp trẻ không còn đam mê theo cha ông đi biển” - ông Tuấn nói.
Đình Thiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.