Giây phút sinh tử, nhọc nhằn mưu sinh cùng nghề đi biển

Trung Hiếu Thứ năm, ngày 04/07/2024 14:38 PM (GMT+7)
Đang khai thác ngao gần bờ, dòng nước chảy xiết khiến chân của anh Vững không còn tiếp đất. Sóng sau xô sóng trước, liên tục xộc vào mũi và miệng khiến anh hốt hoảng, lúc được cứu anh gần như kiệt sức...
Bình luận 0

Ngư dân Giao Thủy chia sẻ chuyện mưu sinh theo con nước thủy triều. Clip: Trung Hiếu.

Chuyện về những ngư dân Giao Thủy mưu sinh theo con nước thủy triều

Giữa những con sóng đánh vào bờ, bất chợt xuất hiện các dòng chảy ngược, kéo anh Ngô Văn Vững (30 tuổi, Giao Xuân, Giao Thủy) ra xa. Đang khai thác ngao gần bờ, dòng nước chảy xiết khiến chân của anh không còn tiếp đất. Sóng sau xô sóng trước, liên tục xộc vào mũi và miệng khiến anh Vững hốt hoảng. Vừa cố gắng hô hào người cứu, vừa bám trụ vào chiếc cọc để không bị nước cuốn đi xa, may mắn thay, chỉ ít phút sau, anh Vững đã được vớt lên. Chàng trai 30 tuổi lúc này đã kiệt sức.

"Làm nghề 14 năm với đủ mọi kỷ niệm buồn, vui nhưng đó là ký ức mà tôi không thể quên vì chưa bao giờ tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đến thế. Còn những tai nạn nghề nghiệp khác như bị xây xước da thì đếm không xuể, ví dụ như khi bắt ngao mà không có đồ bảo hộ sẽ rất dễ bị vây của con hà, con hàu cứa vào người gây đau, rát”, anh Vững cho hay.

Chàng trai với làn da rám nắng, có nụ cười hằn vết chân chim tiếp lời: “Từng sự cố lớn, nhỏ khi làm việc đều mang tới cho tôi những bài học kinh nghiệm riêng. Công việc vất vả và nguy hiểm nhưng vì mưu sinh, tôi buộc phải chấp nhận và tìm cách thích ứng".

Chợ cá Giao Hải (Giao Thủy, Nam Định) thường họp 2 phiên/ngày, theo giờ những con thuyền đánh bắt thủy hải sản trở về. Ảnh: T.H

Chợ cá Giao Hải (Giao Thủy, Nam Định) thường họp 2 phiên/ngày, theo giờ những con thuyền đánh bắt thủy hải sản trở về. Ảnh: T.H

Theo anh Vững, công việc của anh phụ thuộc vào con nước. Nước ròng hoặc nước lên. “Khi nước lên thì tôi làm được khoảng từ 1,5 đến 2 tiếng, sau đó phải đợi khoảng 3 đến 4 giờ đồng hồ, rồi lại làm khi nước ròng trong vòng 3 đến 4 tiếng nữa là nghỉ. Thời gian làm việc tùy thuộc vào thủy triều, có khi bắt đầu đi làm lúc 6 giờ sáng, cũng có khi là 1 giờ đêm thì ‘khởi hành’”.

Chàng trai 30 tuổi cho biết, trung bình một ngày, đội khai thác ngao gồm anh và 5 người khác thu hoạch được từ 10 đến 20 tấn ngao trắng. “Thu nhập bình quân một tháng là 7 - 8 triệu đồng/người, có tháng đỉnh điểm tôi kiếm được 12 triệu đồng từ công việc này", anh Vững nói.

Tương tự anh Vững, công việc đánh bắt thủy sản là nghề chính của ông Trần Văn Bắc (57 tuổi, Giao Lạc, Giao Thủy). Ông Bắc chia sẻ: “Sau mỗi chuyến ra khơi, tôi có thể bắt được tới 10kg tôm cá. Trong đó, chủ yếu là tôm rảo - một loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Giá bán là 100.000 - 120.000 đồng/kg tôm rảo, với khoảng 300 con, mỗi con có kích thước bằng cái đũa”.

Ngư dân Giao Thủy chuyển thủy, hải sản bằng thuyền nhỏ hoặc bè phao vào bờ. Ảnh: T.H

Ngư dân Giao Thủy vận chuyển thủy hải sản bằng thuyền nhỏ hoặc bè phao vào bờ. Ảnh: T.H

Ông Bắc lý giải, do đánh bắt gần bờ nên ông sử dụng thuyền có công suất nhỏ, công suất 24CV. "Từ xưa đến nay tôi đều đi làm một mình, thu nhập từ nghề này giúp tôi nuôi các con trưởng thành. Công việc khiến tôi thường phải đi qua đêm nhiều, thời gian di chuyển từ nhà đến vị trí đánh bắt thường trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, do đó khi thu hoạch xong và vận chuyển vào bờ, tôm cá vẫn còn tươi sống. Tôi sẽ bán toàn bộ các loại thủy sản khai thác được cho thương lái”.

Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy cho biết, hiện toàn huyện có tổng 660 chiếc tàu, thuyền dùng đề khai thác thủy hải sản. Trong đó, có 176 chiếc tàu, thuyền dài trên 15m, khai thác ở vùng khơi; 194 chiếc có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, khai thác ở vùng lộng; 184 chiếc có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, khai thác ở vùng ven bờ; 106 chiếc có chiều dài dưới 6m, khai thác ở vùng ven bờ.

Với ông Bắc, tiếng lạch cạch của chiếc thuyền cập bến với đầy ắp cá tôm là thanh âm hạnh phúc nhất khi làm nghề. “Trở về bờ với nhiều tôm cá trên thuyền đồng nghĩa với việc chuyến đi ngày hôm đó ‘thuận buồm xuôi gió’. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị hiện đại, việc đánh bắt thủy hải sản của ngư dân chúng tôi bây giờ đã dễ dàng hơn xưa. Tuy nhiên, sản lượng lại không cao bằng trước đây vì lượng tôm cá ngày càng ít đi. Tôi hy vọng bản thân có đủ sức khỏe để có thể làm công việc này đến năm 70 tuổi”.

Nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động địa phương

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy cho biết, đây là một trong ba huyện ven biển của tỉnh Nam Định, có 32km chiều dài bờ biển. Huyện Giao Thủy xác định kinh tế thủy sản là mũi nhọn trong cơ cấu ngành Nông - Lâm - Thủy sản, góp phần giảm nghèo và làm giàu cho người dân.

Hộ gia đình của ông Nguyễn Quốc Khánh (48 tuổi, Giao Hải, Giao Thủy) đã có kinh nghiệm nuôi cá để bán cho hồ câu 17 năm nay. Theo ông Khánh, chăm cá câu vất vả nhưng lại mang đến giá trị kinh tế cao hơn so với cá thường. “Gia đình tôi nuôi các loại cá chép, cá trắm cỏ và cá trắm đen, trong đó, cá trắm đen là loại chủ lực. Doanh thu trung bình một năm rơi vào khoảng 1,4 - 1,8 tỷ đồng cho 25 - 30 tấn cá thu hoạch tại ao nuôi”.

Nhớ về những ngày đầu gắn bó với công việc này, ông Khánh cho hay, ông từng phải vay vốn thế chấp ngân hàng số tiền 100 triệu đồng. “Đến nay, tôi đã sở hữu mô hình nuôi cá quy mô 2,4ha, chia làm 4 ao nuôi. Tôi ứng dụng công nghệ nuôi cá trong ao bạt và ao bê tông. Với cá trắm đen, cân nặng phải từ 4kg trở lên mới bán được, giá bán trung bình từ 60.000 - 100.000 đồng/kg, tùy vào kích cỡ”.

Khi được hỏi về chất lượng đầu ra, ông Khánh nhấn mạnh: “Có những bên đến thu mua, tôi sẽ bán tại cửa ao, đảm bảo cá đạt những yêu cầu như to, khỏe đồng đều, thích ứng nhanh với môi trường mới. Chất lượng cá câu tốt thì các chủ hồ câu từ khắp mọi miền Tổ quốc họ mới tin tưởng về tận nơi mua. Riêng khách hàng của tôi chủ yếu đến từ các tỉnh thành như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình”.

Người chăn nuôi thủy sản huyện Giao Thủy chia sẻ, yêu cầu đầu ra với cá câu là phải to, khỏe đồng đều, thích ứng nhanh với môi trường mới. Ảnh: NVCC.

Người chăn nuôi thủy sản huyện Giao Thủy chia sẻ, yêu cầu đầu ra với cá câu là phải to, khỏe đồng đều, thích ứng nhanh với môi trường mới. Ảnh: NVCC.

Còn ở xã Giao Long, ông Đoàn Ngọc Tránh (55 tuổi) cũng là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm nay. Hiện ông nuôi các loại: cá trắm thương phẩm, cá trắm đen và cá trắm trắng. “Đầu ra, tôi sẽ bán cho ba nguồn, đó là bán cho thương lái, bán cho các chợ đầu mối và bán thẳng tới tay người tiêu dùng”, ông Tránh nói.

Người đàn ông 55 tuổi tiếp lời: “Thời gian nuôi kéo dài tới 1 năm. Tôi nuôi pha canh con nọ, con kia để dự phòng, chứ nếu nuôi duy nhất một giống mà gặp rủi ro thì ‘mất tất’. Một năm nếu thuận lợi thì tôi sẽ bán được 15 tấn cá, trừ chi phí đi thì còn lại 150 - 170 triệu đồng/năm. Nhờ các cấp chính quyền hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi mới cùng biện pháp phòng chống dịch bệnh nên người dân chúng tôi thêm phần tự tin làm nghề”.

Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy thông tin: “Nghề nuôi trồng, khai thác thủy hải sản tạo công ăn việc làm cho hơn 8.000 lao động, trong đó khoảng 4.000 lao động trực tiếp tham gia vào việc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Từ năm 2019 đến nay, sản lượng khai thác thủy sản trung bình/năm của toàn huyện đạt trên 15.000 tấn, doanh thu trung bình khoảng 500 tỷ đồng/năm”.

Ông Hưng dự đoán: “Trong tương lai, dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng ảnh hưởng xấu đến ngành thủy sản tại địa phương. Đối với nuôi trồng thủy sản, các nhà nghiên cứu, hộ dân cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để lai tạo các giống khỏe mạnh hơn, ứng phó với thời tiết cực đoan, dịch bệnh”.

“Còn đối với khai thác thủy hải sản, các cơn bão sẽ có cường độ ngày càng mạnh hơn, mật độ thường xuyên hơn, đòi hỏi ngư dân phải đầu tư, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn, trang thiết bị trên tàu cá phải hiện đại, đảm bảo an toàn cho người đi khai thác, việc bảo quản sản phẩm thủy hải sản sau khai thác cũng được đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị, hiệu quả của nghề khai thác thủy hải sản”, ông Hưng chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem