Ngư dân Quảng Bình mong muốn những điều gì nhân Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII?
Đại hội VIII Hội NDVN: Ngư dân Quảng Bình mong có nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng đánh bắt thủy sản
Trần Anh
Thứ bảy, ngày 23/12/2023 13:00 PM (GMT+7)
Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 25 đến 27/12/2023 tại TP. Hà Nội, phóng viên Dân Việt đã trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của một số cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là địa phương có đội tàu cá lớn ở tỉnh này. Thời gian qua, bà con ngư dân vươn khơi bám biển và thu lại nguồn lợi kinh tế khá cao từ nghề này, tuy nhiên, còn đó nhiều khó khăn mà ngư dân hằng ngày phải đối mặt.
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Lê Thanh Thuyết – Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Đức Trung (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Từ trước tới nay, ngư dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để bảo đảm an toàn khi đi biển. Hiện nay, do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thất thường, ít theo quy luật nên việc ứng phó của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Thế nên, các cấp Hội cần mở nhiều lớp tập huấn để trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng giúp ngư dân ứng phó được những tình huống bất ngờ xảy ra trên biển".
Ông Trương Quang An – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho hay: ""Địa phương có đội tàu cá lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Hiện trên địa bàn có gần 500 tàu thuyền, trong đó, hơn một nửa là tàu khai thác cá, tôm, mực, ghẹ… ở vùng khơi. Hiện nay, một bộ phận ngư dân có thói quen tự ý đi tìm ngư trường khai thác mới hoặc chạy theo sự di cư theo mùa vụ của các loại hải sản, rất dễ vi phạm sang vùng biển của nước ngoài mà không biết... Do đó, cần mở các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức của ngư dân về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định".
"Bên cạnh đó, ngư dân cũng rất mong muốn có các lớp tập huấn để trang bị một số kiến thức cơ bản, như: Công tác chuẩn bị cho một chuyến đi biển an toàn; phòng ngừa va chạm trên biển; một số thiết bị cứu sinh sử dụng trong an toàn hàng hải; biện pháp xử lý khi tàu cá gặp sự cố trên biển; cách ứng xử khi gặp tàu cá nước ngoài xâm phạm ngư trường của Việt Nam; cách hạn chế rủi ro khi hành nghề trên biển…", ông Trương Quang An – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết.
Cần sớm hỗ trợ giá xăng, dầu cho ngư dân vươn khơi bám biển
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đào Xuân Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Nhiều ngày qua, tôi theo dõi thông tin trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII rất kỹ. Sau khi tham khảo ý kiến của những hội viên trên địa bàn, tôi xin có những ý kiến này và mong các cấp cùng Trung ương Hội cần quan tâm và có những ý kiến tham mưu cho Chính phủ những chính sách hỗ trợ đối với ngư dân, như: Cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn giúp hoán cải tàu cũ, đóng tàu mới công suất lớn, để phát triển thủy sản. Tạo điều kiện cho ngư dân được vay với lãi suất thấp.
Trung ương Hội cần có những chính sách ưu tiên cho các địa bàn vùng biển để hỗ trợ các dự án tiếp cận với Quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm mục tiêu: Hỗ trợ hội viên Hội Nông dân xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất khai thác hải sản, tạo nguồn lực, điều kiện, công cụ để đoàn kết, tập hợp nông dân vào tổ chức hội, góp phần xây dựng hội và phong trào nông dân.
Đặc biệt, nguồn lợi hải sản ngày càng giảm trong khi giá nhiên liệu xăng, dầu tăng cao khiến các chủ tàu cá lo lắng thua lỗ khi ra khơi dài ngày. Để tạo động lực vươn khơi, bám biển, thời điểm này, ngư dân Bảo Ninh mong muốn Nhà nước, các cơ quan chức năng liên quan sớm áp dụng chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu cho ngư dân", ông Đào Xuân Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), nói.
Còn ông Nguyễn Quốc Đồng – Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) cho hay: "Mấy năm nay, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, làm ăn thất bát nên không có tiền tích lũy. Mỗi lần tàu ra khơi phải vay nóng bên ngoài để đổ dầu, mua đá lạnh, lương thực và ứng trước cho thuyền viên. Điều mong mỏi lớn nhất của các ngư dân là sớm có chính sách bình ổn giá xăng, dầu, tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.