Ngư dân trúng đậm mực khơi

Thứ hai, ngày 28/06/2010 10:36 AM (GMT+7)
(NTNN) - Cập bến vào hai ngày cuối tuần qua, bình quân mỗi tàu câu mực của xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, mang về được 30 tấn mực khô, đem lại nguồn thu nhập cho mỗi lao động từ 40 - 50 triệu đồng.
Bình luận 0
img
Sơ chế mực khơi ở Bình Chánh.

Anh Nguyễn Đức Hà - chủ chiếc tàu QNg- 95474 TS, công suất 125 CV ở xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân phấn khởi: “Chưa có chuyến biển nào nhiều mực như chuyến vừa rồi. Sau gần 3 tháng bám biển, tàu đạt sản lượng trên 32 tấn, bán được hơn 1 tỷ đồng”.

Tàu anh Hà có 26 lao động; trong đó có 23 thuyền viên chính, 1 người chủ tàu và 2 người tài lọt (phụ bếp...). Người câu đạt sản lượng cao nhất gần 1,5 tấn và thấp nhất 1,2 tấn; sau khi trừ tổn phí mỗi bạn chài còn được khoảng từ 36 - 47 triệu đồng; còn chủ tàu được hơn 220 triệu đồng.

Anh Trần Văn Tấn cũng ở xóm Mỹ An, thuyền viên tàu QNg- 95514 TS cho biết: Tàu ra khơi vào đầu tháng 4 đến cuối tháng 6 này đạt sản lượng trên 37 tấn. Riêng anh Tấn câu được 1,2 tấn; trừ tổn phí dầu mỡ, tàu thuyền còn được chia 40 triệu đồng. Có thể nói, câu mực khơi là nghề vất vả, nguy hiểm nhưng cũng là nghề “hái” ra tiền. Chính vì vậy mấy năm gần đây phong trào đóng tàu câu mực ở xã Bình Chánh phát triển mạnh.

Ông Trần Quang Tâm - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, địa phương đang có 112 chiếc tàu thuyền đang hoạt động khai thác hải sản, trong đó có 87 chiếc hành nghề câu mực khơi, tập trung chủ yếu ở thôn Mỹ Tân.

5 tháng đầu năm nay, ngư dân xã Bình Chánh đã khai thác được 2.500 tấn hải sản các loại, trị giá gần 115 tỷ đồng. Trong đó sản lượng mực khô xuất khẩu chiếm gần 95% với khoảng trên 2.300 tấn. Bình quân mỗi năm giá trị khai thác hải sản ở xã chiếm từ 65 - 70 % so với tổng giá trị kinh tế. Chuyển biển thắng lớn vừa qua sẽ là động lực giúp ngư dân tự tin hơn để tiếp tục vươn ra khơi bám biển và trụ lại với nghề

Các tàu câu mực trúng đậm, cơ sở thu mua, sơ chế mực Trà - Mạnh ở xã Bình Chánh cũng đang hoạt động hết công suất. Từ đầu năm đến nay, cơ sở này đã thu mua, sơ chế và xuất khẩu khoảng 600 tấn mực xạ (mực khơi).

Cơ sở đã thu hút hơn 70 lao động nữ ở địa phương mỗi ngày. Các lao động nữ ở địa phương chưa có việc làm, lớn tuổi, không có nghề... vào đây làm công việc phơi mực, phân loại, đóng bao... thu nhập cũng được 45.000 đồng/ngày. Còn tại cơ sở thu mua, sơ chế mực của chị Nguyễn Thị Tĩnh ở xã Bình Chánh cũng thu hút gần 30 lao động nữ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem