Trưởng nhóm nghiên cứu, GS Kenji Obayashi, khoa dịch tễ học và sức khoẻ cộng đồng đại học Y khoa Nara (Nhật Bản) nói: “Duy trì phòng ngủ tối vào ban đêm có thể là một giải pháp mới mẽ và khả thi để phòng ngừa trầm cảm”. Người ta đã gắn thiết bị đo độ sáng trong phòng ngủ ban đêm của 863 người già Nhật Bản, để đánh giá chính xác khả năng ánh sáng mà họ có thể nhìn thấy trong khi ngủ. Những người này phải ghi nhật ký ngủ và được theo dõi sự phát triển trầm cảm trong vòng hai năm.
Không tiếp xúc với ánh sáng khi ngủ sẽ giúp phòng ngừa trầm cảm. Ảnh: TL.
Kết quả có 73 người xuất hiện trầm cảm trong giai đoạn này, và các nhà nghiên cứu nhận ra mối liên quan giữa sự tiến triển của trầm cảm với sự tiếp xúc ánh sáng vào ban đêm. Người nào nhìn thấy hơn 5 lux ánh sáng khi ngủ, thì có thể phát triển trầm cảm nhiều hơn so với người ngủ trong phòng tối hoàn toàn. Nghiên cứu không xác định thời gian tiếp xúc với ánh sáng dẫn đến hậu quả này, nhưng nghiên cứu trước đó trên chuột cho thấy đó là mốc thời gian bốn tuần tiếp xúc với ánh sáng 5 lux. Để dễ mường tượng, 10 lux tương đương với ánh sáng ngọn nến cách xa khoảng 30cm.
Theo Obayashi, việc nhìn thấy ánh sáng trong khi ngủ có thể ảnh hưởng lên giấc ngủ, làm xáo trộn đồng hồ sinh học và sự bài tiết melatonin, một hormone thúc đẩy giấc ngủ trong bóng tối, từ đó gây ra hậu quả về mặt tâm thần. Trong khi nghiên cứu tập trung vào người già, Obayashi cảnh báo hậu quả này rõ rệt hơn ở người trẻ khi mắt của họ nhạy cảm và ghi nhận ánh sáng nhiều hơn. “Khả năng tiếp nhận ánh sáng của người 70 tuổi chỉ bằng 1/5 người trẻ”, ông nói. Do đó, lý tưởng nhất là tắt mọi nguồn sáng có thể trong khi ngủ dù bạn ở tuổi nào.
Tâm An (theo Time) (Thế giới tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.