Ngược rừng tìm hang săn loài "heo đất", đào mãi mới tóm được

Thứ ba, ngày 03/07/2018 19:05 PM (GMT+7)
Những cơn mưa rừng vừa dứt, cánh đàn ông lại vác rựa, cuốc, xẻng, mang theo kiềm, can nước vào rừng sâu tìm những gò đất có lồ ô, đót, lau lách đã ngả vàng cạnh các con suối đào hang bắt dúi. Dúi là loài gặm nhấm được người dân vùng cao ví là “heo đất”.
Bình luận 0

Mặt trời đứng bóng, Đinh Văn Tin, ở thôn Tang Tong, xã Sơn Liên (Sơn Tây) và hai người đàn ông trong làng vẫn hì hục đào hang bắt dúi bên khóm lau lách đã ố vàng ven con đường mòn men theo vách núi dưới cánh rừng phòng hộ.

Dừng cuốc tu một hơi dài hết chai nước, Tin nói: “Ban ngày nó ở trong hang, tối mới đi tìm thức ăn. Mình vào rừng gặp chỗ nào có lồ ô hoặc đót, lau lách chết khô là biết có hang dúi ở đó. Nó cắn phá khiến đót, lau lách bị chết. Mùa này mưa dông nhiều nên đất mềm, dễ đào. Mùa khô chịu vì đất cứng, hang dúi có khi sâu thẳm dưới lòng đất khó bắt lắm”.

img

Cánh thợ săn ở thôn Tang Tong, xã Sơn Liên đào hang bắt dúi.

Cả giờ đồng hồ, ba người đàn ông mồ hôi đẫm cả áo, cởi áo phơi mình trần, đào đến 3 ngách, ngoằn ngoèo như mạng nhện vẫn chưa tới nơi ẩn nấp của con dúi. Mọi người lấy can múc nước dưới suối đổ ào ạt vào miệng hang. 

Chốc lát họ đồng thanh reo lên “đây rồi”. Một con dúi há miệng, ngóc đầu lên từ miệng hang. Nhanh như chớp, họ dùng cây đè lên con dúi không cho nó thoát, chụp con dúi béo ú, dùng kiềm bẻ những chiếc răng nanh dài sắc nhọn để chúng khỏi cắn lại người đào hoặc cắn bao tẩu thoát, cho chúng vào bao cột chặt đầu.

Đào xong hàng này, Tin và hai người đàn ông lại mang bao men theo bìa rừng tìm hang dúi mới. Họ dừng lại ở bụi lau lách đã khô queo lá, dấu hiệu có hàng dúi ở dưới, dùng rựa phát bụi rậm và tiếp tục đào hang tìm dúi. Mọi người chia nhau, mỗi người đứng một ngã.

img

Thành quả sau nhiều giờ đào hang săn dúi.

Theo cánh thợ săn, dúi đào được hang sâu, ngoằn ngoèo để làm nơi ẩn nấp vì chúng có móng vuốt, răng to, dài khỏe, sắc nhọn. Nhờ có móng vuốt, răng to, sắc nhọn mà chúng tàn phá măng lồ ô, mì và những loại cây trồng có củ của người dân. Mùa mưa dông, lồ ô rừng lên măng là nguồn thức ăn dồi dào cho dúi.

Nhờ thế, dúi càng mập ú, nung núc thịt. Ban đêm, dúi rời hang kiếm ăn, ngày lại về hang ẩn nấp. Hang dúi thường có miệng hang và 2 lỗ thoát thân. Muốn săn được dúi, người săn phải có kinh nghiệm tìm bịt các lỗ thoát thân rồi đào hang bắt dúi từ phía miệng hang. 

Gặp hang cạn, cánh thợ săn chỉ đào trong 1 giờ đồng hồ là bắt được dúi. Nếu gặp hang sâu có khi đào cả ngày không tìm thấy chúng. Một hang chỉ có một con, hiếm khi bắt được 2 con. 

Tin bảo, trước đây một ngày có thể săn được 5 - 7 con, nay giỏi lắm được 2 - 3 con. Vì là con vật tàn phá mùa màng và thịt thơm ngon, bị săn lùng nên dúi ngày càng hiếm dần, chỉ xuất hiện ở những cánh rừng sâu. 

img

Dúi được người dân vùng cao ví là "heo đất".

Dúi săn về thợ săn bán với giá 120.000 đồng/kg. Thương lái mua đi bán lại giá gấp đôi. Người dân vùng cao ví chúng là “heo đất” vì dúi thuộc loài gặm nhấm như chuột nhưng không bé như chuột mà to, béo ú, thân phủ kín lông như heo. Thịt dúi đặc biệt thơm ngon vì thức ăn của chúng rất sạch, chỉ ăn măng lồ ô, thân cây, những loại cây có củ. 

Làm thịt dúi, người ta thường cắt huyết hòa vào rượu uống. Thân dúi làm sạch lông, rửa sạch cho lên bếp củi nướng sơ để thịt dúi thơm ngon hơn, không có mùi tanh. Sau đó thái nhỏ, ướp gia vị nấu măng hay nướng chấm muối ớt. 

A Kiều (Báo Quảng Ngãi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem