Người bán, người mua thờ ơ

Thứ sáu, ngày 23/04/2010 16:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ Khoa học-Công nghệ vừa có quy định về việc bắt buộc dán nhãn tiêu chuẩn hợp quy cho tất cả các loại sản phẩm đồ chơi trẻ em được bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, vấn đề không hề đơn giản.
Bình luận 0
img
Hầu hết các loại đồ chơi chưa có tem hợp chuẩn
(chụp tại phố đồ chơi Lương Văn Can, Hà Nội).

Mua không biết, bán không hay

Rất nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi: Có quan tâm việc cần phải mua cho con em mình những thứ đồ chơi có dấu chứng nhận hợp quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (gọi tắt là tem CR).

Chị Nguyễn Thu Phương ở (xóm 4, xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Từ trước đến giờ bọn trẻ thích món đồ chơi nào thì mua cho chúng chơi chứ chẳng bao giờ để ý đến có dấu hợp chuẩn, tem mác gì hay không”.

Theo ghi nhận của NTNN, ở các tuyến phố chuyên bán đồ chơi tại Hà Nội như Lương Văn Can, Cầu Giấy, Thái Hà, Hà Đông... các loại đồ chơi trẻ em đủ các kiểu dáng, kích cỡ hầu hết đều không rõ nguồn gốc.

Giá của các loại đồ chơi này thường rẻ hơn rất nhiều lần các sản phẩm đồ chơi chính hãng. Môt bộ xếp hình thông minh của Đan Mạch có giá từ 90.000 đồng cho đến 20 triệu đồng thì sản phẩm nhập lậu cùng chủng loại chỉ cần từ 30.000 đồng là có thể mua được.

Bà Trần Thị Thường - chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em ở số 2 phố Lương Văn Can cho biết: "Chúng tôi chưa thấy thông báo gì về quy định phải gắn dấu quy chuẩn lên các mặt hàng đồ chơi".

Còn chị Nguyễn Thị Hạnh ở cửa hàng đồ chơi LeGo số 18 Lương Văn Can, chuyên bán đồ chơi nhập khẩu từ Đan Mạch cho biết: "Chúng tôi lấy hàng của một công ty cổ phần nhập khẩu và phân phối. Những lô hàng sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị nhà phân phối dán tem và cấp tem để dán cho các sản phẩm nhập về từ trước đó".

Khó nắm “thằng trọc đầu”

Quy định bắt buộc có tem hợp chuẩn có hiệu lực từ ngày 15 - 4 nhưng việc kiểm tra và thu hồi sản phẩm không tem mác chưa thể thực hiện ngay được. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã cho thời hạn là 6 tháng. Sau 6 tháng, nếu các cơ sở sản xuất kinh doanh không thực hiện, thanh tra KH&CN, quản lý thị trường phát hiện các sản phẩm không có hoá đơn, chứng từ, không có dấu hợp quy sẽ bị tịch thu và xử lý theo luật định.

Trao đổi với NTNN ngày 21 - 4, ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo các Chi cục địa phương kiểm tra thống kê mọi cơ sở sản xuất đồ chơi trong nước theo quy chuẩn. Cục cũng đã lấy mẫu thử nghiệm 30 mẫu đồ chơi trẻ em các loại, kiểm tra các chỉ tiêu liên quan tới yêu cầu an toàn như kim loại nặng, Formaldehyd, các amin thơm...

“Khi quy chuẩn về đồ chơi trẻ em được ban hành thì việc quản lý chất lượng đồ chơi sẽ chặt chẽ hơn, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh đồ chơi trẻ em đảm bảo chất lượng, có dấu hợp quy và nhãn phù hợp với các quy định hiện hành”- ông Vinh nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của lực lượng quản lý thị trường, trên thị trường đồ chơi VN hiện nay có hơn 80% đồ chơi trẻ em nhập khẩu qua đường tiểu ngạch (chủ yếu là hàng Trung Quốc) nên rất khó để có thể kiểm nghiệm. Và thực tế hiện nay là không có cơ quan nào kiểm soát chất lượng dòng sản phẩm này- nhất là ở khu vực nông thôn.

Khảo sát của NTNN tại chợ Tản Hồng (Ba Vì, Hà Nội) cũng cho thấy, đồ chơi chủ yếu là hàng Trung Quốc nhập lậu và quản lý thị trường cũng không “ý kiến” gì.

“Đồ chơi nhập lậu cũng như thực phẩm, pháo... thường không có cơ quan nào kiểm soát. Loại hàng hoá này giá lại rẻ nên được bán rất rộng rãi. Nếu Bộ KH&CN ban hành quy định này thì nên nghĩ tới các phương án kiểm soát đồng bộ, chứ không chỉ nắm “thằng có tóc” là các doanh nghiệp mà bỏ qua “thằng trọc đầu” là hàng nhập lậu”- ông Nguyễn Văn Hằng - quản lý chợ khu vực Tản Hồng bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem