Người béo phì, tiểu đường có nên ăn bánh trung thu?

Lê Phương Thứ ba, ngày 04/09/2018 18:57 PM (GMT+7)
Những người mắc bệnh tiểu đường, béo phì vẫn có thể dùng được bánh trung thu nhưng không thể ăn một cách thoải mái, vô tội vạ.
Bình luận 0

Bánh trung thu là loại đồ ăn không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu. Tuy nhiên, có không ít người lo ngại về vấn đề bánh không đảm bảo nguồn gốc, chất lượng… Đặc biệt, đối với những người có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, béo phì…; họ lại càng sợ ăn bánh trung thu vì cho rằng lượng calo trong bánh quá nhiều, sẽ khiến bệnh tình của họ thêm phần nặng hơn.

Theo các chuyên gia, những lo ngại trên của người dân là hoàn toàn chính đáng. Bởi theo thống kê, một chiếc bánh trung thu khoảng 170 gram, cung cấp từ 500 đến 700 calo tùy theo loại bánh và thành phần. Bởi vậy, khi ăn bánh trung thu nếu không chú ý kiểm soát sẽ dẫn đến dư thừa năng lượng, tăng cân, néo phì, rối loạn đường huyết và tăng nguy cơ béo phì.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ (BS) Dzoãn Thị Tường Vi - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng - cho biết, thông thường bánh trung thu có hàm lượng calo rất lớn, đặc biệt là đường. Bởi vậy, đa phần các loại bánh đều có vị rất ngọt, như vậy những người mắc bệnh tiểu đường, béo phì sẽ không dám ăn.

img

BS Dzoãn Thị Tường Vi - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng.

Tuy nhiên, BS Vi cũng thông tin, hiện nay trên thị trường có xuất hiện một số loại bánh trung thu được làm từ đường không năng lượng. Đối với những loại bánh này thì những người bị tiểu đường có thể sử dụng được. “Theo tôi được biết, một số hãng sản xuất bánh trung thu đã cho ra mắt loại sản phẩm sử dụng đường không năng lượng Isomalt (đường năng lượng cao là Saccharose), ví dụ như Hữu Nghị có bánh Sugar Free chẳng hạn. Đây là loại đường được chế biến hoàn toàn từ củ cải đường, có năng lượng thấp (2 kcal/g), vị ngọt của nó tinh khiết như đường bình thường, nhưng độ ngọt chỉ bằng một nửa đường bình thường mà chúng ta vẫn dùng hằng ngày. Bởi vậy, nếu sử dụng bánh trung thu được làm từ đường Isomalt trong quá trình sản xuất sẽ rất an toàn cho sức khỏe với điều kiện là nguyên liệu phải có nguồn gốc xuất xứ, an toàn và theo quy chuẩn của y tế”, BS Vi nhận định.

Mặc dù thị trường có những loại bánh dành riêng cho những người bị huyết áp, tiểu đường, béo phì…; nhưng BS Vi cũng khuyến cáo, không phải vì thế mà mọi người có thể ăn thoải mái. “Bằng đường Isomalt chúng ta sẽ tạo ra được các sản phẩm ăn kiêng dành chongười tiểu đường, thừa cân béo phì. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể dùng được thoải mái, vì bánh vẫn làm từ tinh bột và lượng Cacbonhidrat hay chính là lượng đường trong sản phẩm vẫn cao, vì vậy chúng ta chỉ dùng với lượng vừa phải”, BS Vi nói.

Dù là ăn bánh trung thu làm từ đường không năng lượng, nhưng BS Vi cũng cho rằng, khi ăn bánh trung thu thì phải bớt đi lượng tinh bột như gạo, mì, ngô, khoai, sắn. Đặc biệt, không được ăn ngay sau khi ăn cơm, nên ăn sau 2 tiếng thì lượng đường sẽ tăng từ từ chứ không tăng vọt, sử dụng như vậy sẽ an toàn hơn với người tiểu đường. Với người thừa cân béo phì, nếu ăn nhiều quá thì vẫn là năng lượng cao, cho nên ăn chỉ là để giải quyết nhu cầu khẩu vị vẫn phải trong khuôn khổ để kiểm soát cân nặng.

“Ngay cả người bình thường nếu chúng ta không muốn tăng cân thì cũng nên sử dụng bánh trung thu được làm từ đường không năng lượng và không nên ăn thoải mái để đảm bảo an toàn cho cơ thể”, BS Vi đưa ra lời khuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem