Người bị tạm giữ bỏ trốn, chết tại đồn biên phòng: Cơ quan nào có quyền kiểm tra đột xuất?

Phạm Hiệp Thứ hai, ngày 22/02/2021 14:43 PM (GMT+7)
Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa được ban hành, nếu người bị tạm giữ tại đồn Biên phòng trốn, chết trong thời hạn tạm giữ, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp huyện sẽ trực tiếp kiểm tra đột xuất việc tạm giữ này.
Bình luận 0

Thẩm quyền kiểm sát việc bắt, tạm giữ

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, VKSND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2021/TTLT-BQP-BCA-VKSNDTC, quy định về phối hợp trong việc bắt, tạm giữ và kiểm sát việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển.

Kể từ ngày 9/3/2021 tới đây, Thông tư liên tịch này chính thức có hiệu lực thi hành.

Người bị tạm giữ bỏ trốn, chết tại đồn biên phòng: Cơ quan nào có quyền kiểm tra đột xuất? - Ảnh 1.

Đồn Biên phòng Hải Hòa, TP. Móng Cái, Quảng Ninh bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép heroin. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Trong Thông tư liên tịch số 08 này, nội dung về phối hợp trong việc kiểm sát việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển được quy định trong Chương III.

Thẩm quyền kiểm sát việc bắt, tạm giữ được quy định tại Điều 14 của Thông tư liên tịch số 08.

Theo đó, VKSND kiểm sát việc cơ quan, người có thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển bắt, tạm giữ người thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trên địa bàn mình quản lý.

Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì thẩm quyền kiểm sát thuộc Viện kiểm sát nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi thực hiện việc bắt, tạm giữ, nơi phương tiện áp giải người bị bắt của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển cập bến đầu tiên, nơi đặt trụ sở của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển.

Trong trường hợp không xác định được VKSND cấp huyện nào trong một tỉnh có thẩm quyền, thì VKSND cấp huyện đã tiếp nhận thông tin về việc bắt, tạm giữ báo cáo VKSND cấp tỉnh để xác định VKSND cấp huyện thực hiện thẩm quyền.

Trường hợp không xác định được VKSND cấp huyện ở tỉnh nào có thẩm quyền, VKSND cấp huyện đã tiếp nhận thông tin về việc bắt, tạm giữ báo cáo VKSND cấp tỉnh trực tiếp quản lý để trao đổi, thống nhất với VKSND cấp tỉnh có liên quan xác định VKSND cấp huyện thực hiện thẩm quyền;

Nếu không thống nhất được thì VKSND cấp tỉnh báo cáo VKSND tối cao để xác định VKSND cấp huyện có thẩm quyền.

Trường hợp không xác định được VKSND cấp tỉnh nào có thẩm quyền, VKSND cấp tỉnh đã tiếp nhận thông tin về việc bắt, tạm giữ báo cáo VKSND Tối cao để xác định VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền.

Đáng chú ý, theo Thông tư liên tịch số 08, khi xác định được vụ việc, vụ án không thuộc thẩm quyền kiểm sát của mình thì VKSND thực hiện kiểm sát ban đầu có trách nhiệm thông báo, bàn giao ngay hồ sơ, tài liệu kiểm sát cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng

Thông tư liên tịch số 08 giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và VKSND Tối cao thể hiện, Viện kiểm sát phối hợp kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng theo quy định tại Điều 15 của Thông tư.

Theo đó, VKSND cấp huyện kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn.

VKSND cấp huyện khi thực hiện công tác kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

VKSND cấp huyện có trách nhiệm:

1. Trực tiếp kiểm sát buồng tạm giữ; kiểm sát hồ sơ tạm giữ; gặp hỏi người bị tạm giữ về việc tạm giữ; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ.

2. Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành tạm giữ.

3. Yêu cầu Trưởng buồng tạm giữ thông báo tình hình chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan, tự kiểm tra và thông báo kết quả về thi hành tạm giữ cho Viện kiểm sát, trả lời về vi phạm pháp luật trong việc thi hành tạm giữ.

4. Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ; yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và xử lý người vi phạm pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật theo thẩm quyền; quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ không có căn cứ và trái pháp luật.

5. Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thi hành tạm giữ.

6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tạm giữ theo quy định của pháp luật.

- Đồn trưởng đồn Biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ và cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện các quyết định và yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Sẽ kiểm sát đột xuất việc tạm giữ tại đồn Biên phòng khi người bị tạm giữ chết…

Thông tư liên tịch số 08 quy định, Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng. Theo đó, sẽ có kiểm sát định kỳ, kiểm sát đột xuất.

Kiểm sát đột xuất việc tạm giữ tại đồn Biên phòng khi người bị tạm giữ chết, bỏ trốn - Ảnh 3.

Thông tư liên tịch số 08 nêu rõ, VKSND cấp huyện sẽ trực tiếp kiểm sát đột xuất việc tạm giữ tại đồn Biên phòng khi người bị tạm giữ trốn, chết trong thời gian tạm giữ. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Kiểm sát định kỳ là Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát định kỳ một năm một lần, VKSND cấp huyện trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng trên địa bàn khi có hoạt động tạm giữ.

Kiểm sát đột xuất là VKSND cấp huyện trực tiếp kiểm sát đột xuất việc tạm giữ tại đồn Biên phòng khi người bị tạm giữ trốn, chết trong thời gian tạm giữ; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ hoặc khi xét thấy cần thiết.

Các nội dung trực tiếp kiểm sát gồm: Kiểm sát việc tiếp nhận người bị tạm giữ và hồ sơ quản lý tạm giữ; việc thực hiện chế độ quản lý tạm giữ, chế độ đối với người bị tạm giữ; việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những việc khác trong việc tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng theo quy định của pháp luật.

Theo Thông tư liên tịch 08, trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát theo định kỳ phải có quyết định, kế hoạch. Nội dung quyết định, kế hoạch theo hướng dẫn của VKSND Tối cao. Kết thúc cuộc kiểm sát, Viện kiểm sát công bố dự thảo kết luận trước Chỉ huy đồn Biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ và những người có liên quan.

Việc trực tiếp kiểm sát do Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được phân công chủ trì tiến hành. Trường hợp trực tiếp kiểm sát đột xuất không phải gửi trước quyết định và không cần kế hoạch kiểm sát.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 08 còn đề cập đến một số vấn đề như Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu, quyết định, kháng nghị, kiến nghị trong việc thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng; Viện kiểm sát phối hợp giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem