Người chăn nuôi Đồng Nai "quay cuồng” chống dịch tả heo châu Phi

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 25/02/2019 13:41 PM (GMT+7)
Tình trạng rớt giá vừa mới đi qua, nguy cơ bệnh lở mồm long móng chưa khép lại thì dịch tả lợn châu Phi (ASF) xuất hiện khiến người chăn nuôi lợn ở nhiều nơi hết sức lo lắng. Ghi nhận của phóng viên Báo NTNN tại Đồng Nai - vùng có đàn lợn nuôi lớn.
Bình luận 0

Thôi cho ăn cơm thừa, canh cặn

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, giá lợn hơi bình quân trên địa bàn tỉnh tuần qua vẫn giữ nguyên so với tuần trước đó, đạt 53.5000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), hiện mức giá lợn hơi loại 1 và 2 cũng dao động ổn định quanh mức 51.000 - 53.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, việc giá lợn hơi bình ổn trên thị trường vẫn không giúp người chăn nuôi ở Đồng Nai bớt phần lo lắng.

img

Người chăn nuôi lợn ở Đồng Nai đang cẩn trọng đối phó mọi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mới đây, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã đưa ra 10 giải pháp nhằm đối phó và xử lý khi có dịch AFS xảy ra. Trong đó lưu ý việc kiện toàn trạm kiểm dịch trên Quốc lộ 1 và thành lập mới trạm kiểm dịch trên Quốc lộ 20 để giám sát các xe vận chuyển lợn vào ra trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ để kịp thời phát hiện các bất thường, kịp thời có biện pháp xử lý. 

Trước đó, khi dịch ASF chưa được công bố chính thức, những thông tin như một công ty Trung Quốc sản xuất há cảo từ thịt lợn nhiễm bệnh tả, hoặc Đài Loan kiểm tra hành khách từ Việt Nam vì mang theo bánh mì sandwich có nhân thịt dương tính với ASF... đã khiến nhiều người bất an.

Để bảo vệ cho trại lợn 700 con của mình ở xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai), những ngày này ông Trần Quang Trung gần như không tiếp khách lạ. Ngoài người nhà, chỉ có 2 nhân công mới được ra vào trại để ngăn ngừa nguy cơ mầm bệnh xâm nhập.

Với quy mô gia đình chỉ gần 100 con lợn, bà Nguyễn Thanh Thủy ở huyện Trảng Bom thì quyết không tận dụng thêm nguồn thức ăn dư thừa nào từ các quán ăn và bếp ăn công nghiệp nữa. Tuy giá cám công nghiệp cao hơn nhưng đảm bảo hơn về việc không có mầm bệnh trong thức ăn.

“Giờ mà xảy ra dịch thì gia đình trắng tay. Tôi cho lợn ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp vì sợ dịch bệnh có khả năng lây lan qua nguồn thức ăn thừa” - bà Thủy kể.

Đồng tình, anh Phạm Tú - hộ chăn nuôi lợn tại huyện Long Thành cho rằng, nên hạn chế sử dụng thức ăn thừa cho lợn nhiều nhất có thể được. ASF lây truyền bệnh nhanh và nhiều vì ngoài các hình thức thông thường như qua lợn bệnh, qua các phương tiện, con người tiếp xúc…, bệnh còn có thể lây qua các thức ăn dư thừa, các công ty chế biến thực phẩm nếu không kiểm tra và truy xuất nguồn gốc kỹ lưỡng.

Chia sẻ tâm tư này, ông Đào Hà Trung - Giám đốc điều hành đơn vị cung cấp ứng dụng Te-food cho đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn của TP.HCM cho rằng, các trang trại phải ngay lập tức tự bảo vệ mình bằng các biện pháp và khả năng tốt nhất. Đồng thời, hợp tác với chính quyền tự thông tin về các trường hợp nghi ngờ về dịch bệnh của trại mình hay trại khác.

“Bản thân Te-food cũng đang liên hệ với tổ chức FAO và dự kiến tổ chức họp tại Budapest ngày 23.2 nhằm xây dựng khẩn cấp hệ thống hỗ trợ việc phát hiện và kiểm soát tình hình dịch bệnh” - ông Trung hay.

Tăng cường nhiều biện pháp

Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hơn một năm rưỡi qua, người chăn nuôi phải đối mặt với bão giá. Nếu xảy ra dịch bệnh, nhiều người chăn nuôi sẽ rơi vào cảnh trắng tay. Giá vừa phục hồi thì dịch bệnh xuất hiện nên người chăn nuôi lo lắng là đúng.

img

 Nhiều hộ nuôi chuyển sang cho lợn ăn cám công nghiệp. Ảnh: N.A

“ASF hiện diễn biến phức tạp và nguy cơ lây nhiễm cao. Để hạn chế tối đa thiệt hại, người chăn nuôi ngoài cách tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi phải chú trọng hàng đầu biện pháp an toàn sinh học” - ông Công nói.

Về khâu vệ sinh, TS Đinh Xuân Phát - giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, có nhiều loại chất sát trùng có thể sử dụng để tiêu diệt virus ASF trong trang trại cũng như trên các bề mặt vấy nhiễm. Tuy nhiên, virus ASF khó bị diệt hơn so các loại virus khác khi chúng nằm trong chất hữu cơ như phân, dịch mũi, dịch thai sản, máu, thịt, nội tạng…

Đây là lý do vì sao có nơi phòng chống dịch hiệu quả, có nơi không; hoặc lúc thế này lúc thế khác trong cùng một trang trại. Vì thế, để việc sát trùng hiệu quả tối đa, TS Đinh Xuân Phát đề nghị phải thực hiện kỹ lưỡng từng bước: Sát trùng riêng từng đồ vật trong trại, dùng vòi xịt nước áp lực cao tẩy sạch các chất hữu cơ. Đợi bề mặt trại khô thì tiếp tục tiến hành phun thuốc sát trùng.

Theo ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, sắp tới, Đồng Nai sẽ tổ chức hội nghị cấp tỉnh và cấp huyện nhằm cung cấp cho người nuôi lợn các giải pháp phòng, chống dịch. Cơ quan Thú y sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch tễ, nếu phát hiện lợn mắc dịch bệnh có yếu tố bất thường thì lập tức lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt, Đồng Nai cũng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các địa phương khác qua địa bàn tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem