Mấy hôm nay, báo chí ồn ào xung quanh nghi vấn vị lãnh đạo mới 35 tuổi của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt (VATAP) sử dụng bằng giả. Không rõ “tuổi trẻ tài cao” ra sao, mà ông Nguyễn Trọng Khanh - Phó Chủ tịch VATAP, lại được đích danh vị Chủ tịch Lê Thế Bảo bao biện chuyện bằng cấp nghi giả đối với cấp dưới của ông đến độ kỳ lạ.
Theo ông Bảo, VATAP là tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận, hầu hết các thành phần tham gia đều là những cán bộ, công chức về hưu. Do đó, để thu hút được những cán bộ trẻ là rất khó khăn vì lương rất thấp, nên quan điểm của ông Bảo là "không coi trọng bằng cấp" (!!!).
Bằng đại học của ông Nguyễn Trọng Khanh nghi là bằng giả.
Phải chăng do “không coi trọng bằng cấp” nên ông Bảo mới có quan điểm khá bất ngờ rằng, nếu phát hiện việc sử dụng bằng giả, khai báo không trung thực, thì có thể kiểm điểm, phê bình, còn Hiệp hội vẫn khuyến khích cán bộ trẻ làm việc mà không quá chú trọng đến bằng cấp.
Điều này liệu có được xem là Hiệp hội đã có ý xem nhẹ chuyện bằng cấp khó hình dung đối với cán bộ nhân viên do ông quản lý, dù là cấp lãnh đạo?
Chỉ qua câu nói rất vô trách nhiệm và vô cảm này của ông Chủ tịch VATAP, chúng ta có thể cũng ít nhiều hình dung vì sao những sai phạm cũng như cách làm việc của Hiệp hội này, khi họ nhân danh chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu Việt.
Tôi không tin được tổ chức này sẽ làm gì để bảo vệ thương hiệu Việt cũng như trình độ chống hàng giả của cả quan chức trẻ lẫn quan chức già qua cách làm của họ. Bằng tốt nghiệp là bằng giả, đã được trường ĐH Dược Hà Nội khẳng định không cấp bằng cho ai có tên như vậy. Lẽ ra, ông Chủ tịch nên cầu thị, xử lý nghiêm khắc, nhưng ngược lại, ông ta đã dửng dưng nói như một việc không cần bận tâm, rằng do đơn vị ông quản lý lương thấp, thiếu người làm việc.
Văn bản trả lời của Trường Đại học Dược Hà Nội về việc không cấp bằng cho ông Nguyễn Trọng Khanh.
Tôi được biết, thông tin này cũng đã đến tai Tổng cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương. Theo đó, Tổng cục cũng vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương liên quan đến các vấn đề "lùm xùm" trong thời gian gần đây của VATAP. Chúng ta hãy chờ xem cách xử lý chuyện này ra sao, dù nhân sự cụ thể của Hội không do Bộ Công Thương quyết, mà vẫn chỉ là việc nội bộ của Hiệp hội. Song dù sao, mối quan hệ giữa hai cơ quan lâu nay cũng có chung một mục tiêu chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt trên nhiều giác độ.
Nhưng, với tư duy của vị cựu Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Lê Thế Bảo, thì tôi không thể hiểu được ông nghĩ gì mà lại phát ngôn thiếu thận trọng như thế!
Với tư duy đó, làm gì mà Hiệp hội VATAP không vướng phải những lình xình, bê bối. Nhất là vụ VATAP thành lập các viện, các trung tâm và đơn vị thành viên, rồi tổ chức lễ tôn vinh, trao giải cho các doanh nghiệp thương hiệu Việt Nam như một cách để kiếm tiền từ các doanh nghiệp, nếu ai muốn có tiếng thì hỗ trợ kinh phí cho Hội.
Chúng ta còn nhớ vụ điển hình của VATAP là cấp chứng nhận "Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017" cho công ty Vinaca. Rồi sau doanh nghiệp này bị phát hiện sản xuất thuốc trị ung thư bằng tro đốt từ tre và tổng giám đốc đơn vị này đã bị truy cứu tội lừa đảo.
Chỉ một ví dụ điển hình này đã cho thấy tác hại của tư duy xem nhẹ bằng cấp của người lãnh đạo một tổ chức hội, khi họ chấp nhận cả những lãnh đạo có bằng giả mà vẫn làm việc như bình thường. Điều này theo tôi là không thể chấp nhận được. Nó sẽ còn gây hại xã hội chứ nói gì và hy vọng gì họ chống được hàng giả. Đã đến lúc các cơ quan chức năng nên làm rõ để chấm dứt tình trạng các cá nhân leo cao, luồn sâu vào các tổ chức xã hội mà cứ ngỡ vô thưởng vô phạt, nhưng kỳ thật sẽ rất tai họa cho dân, cho nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.