Người của muôn năm cũ...

Thứ bảy, ngày 18/01/2014 13:10 PM (GMT+7)
“Mỗi độ xuân về, tôi lại thấy lòng xao xuyến. Giờ cảnh xưa người cũ đã không còn” - ông giáo già Nguyễn Bá Đạm (quê ở làng Mọc, Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tiếc nuối tâm sự.
Bình luận 0
Dấu xưa xe ngựa

94 tuổi, ông Nguyễn Bá Đạm bây giờ là một nhân chứng sống về đất văn vật Hà Nội. Ông từng quen thân với các nhà văn, họa sĩ như Vũ Trọng Phụng, Bùi Xuân Phái, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… và giữ nhiều kỷ vật về họ.

Ông đã dự đám cưới của Vũ Trọng Phụng và do mối quen biết thân hữu, ông đã thu thập những di cảo của nhà văn họ Vũ rồi giao cho con gái Vũ Trọng Phụng để làm tuyển tập. Bây giờ nhà tưởng niệm Vũ Trọng Phụng ngay ở trong làng Mọc gần nhà ông và vào dịp giỗ hàng năm nhà văn họ Vũ, ông vẫn thường được mời là khách quý.

Ông kể: “Vào năm 1930, Tản Đà về thuê số nhà 73 ở Ngã Tư Sở. Vũ Trọng Phụng từ Hưng Yên lên Hà Nội đi làm, viết văn, lấy vợ về ở phố Hàng Bạc, cuối đời cũng về ở số nhà 71 Ngã Tư Sở. Tuy nhiên sau khi Tản Đà chuyển đi rồi thì Vũ Trọng Phụng mới về đó ở. Rất tiếc là ngày nay cả hai số nhà đó đều không được giữ lại”.

Ông Vũ Bá Đạm và bức chân dung do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tặng.
Ông Vũ Bá Đạm và bức chân dung do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tặng.

Cũng ở khu vực Ngã Tư Sở ngày đó là tụ điểm các quán cô đầu. Có hàng chục quán tại đây, những buổi chiều đi qua thường gặp các cô chào mời khách vào hát. Cô đầu thường là những phụ nữ ở nông thôn ra thành phố, gặp cảnh khó khăn nên phải vào làm ở các tiệm hát. Mỗi lần đi nghe hát, khách thường ngủ lại qua đêm đến sáng hết khoảng 5 đồng. Nhưng lúc đó các nhà văn cũng ít đi nghe hát vì đời sống nói chung là nghèo khổ, không dư dả gì. Hà Nội thì bé tí nên quen biết nhau hết.

Năm đó chợ Hàng Da chỉ là những túp lều, phên đan nứa lụp xụp, cũng tại đây là rạp xiếc của gánh xiếc Tạ Duy Hiển. Mỗi vé xem xiếc giá 5 xu và xiếc thường diễn tiết mục đi xe đạp trên dây. Cả Hà Nội đều trầm trồ tán thưởng tiết mục này. Cách rạp xiếc không xa, ở phố Quán Thánh là Nhà xuất bản Đời nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nơi nhà văn nổi tiếng Thạch Lam làm việc. Ông sống ở Yên Phụ, nhà có một cây liễu rất đẹp...

Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió...

Ông Đạm cho biết, ông và danh họa Bùi Xuân Phái quen biết nhau từ năm 1962. Ông Phái hơn ông Đạm 2 tuổi, nhà nghèo và sống ở phố Thuốc Bắc. Tranh những năm đó rất khó bán, chỉ có một vài người có tiền để mua. Cuộc sống của các họa sĩ thường là nhờ vào trợ cấp của Hội Mỹ thuật. Lúc rỗi 2 người thường đi uống cà phê tại quán Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân ngày nay.

Do giao du với ông Phái nên ông Đạm quen biết thêm những người bạn văn nghệ sĩ khác như nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhà văn Nguyễn Tuân… Những lúc không có tiền cả nhóm thường tụ tập rồi lên hồ Tây, ra Yên Phụ đi chơi. Ông Đạm nhớ mãi kỷ niệm về người bạn thân của mình. Một năm đi sơ tán chiến tranh về, tình hình kinh tế tất cả mọi gia đình đều khó khăn, ông Đạm đi câu và bắt được con cá mè rất to.

Nghĩ đến người bạn, ông khấp khởi xách nó đến nhà họa sĩ và hy vọng sẽ đem lại cho bạn mình một niềm vui. Nhưng khi đến nơi, ông thấy bạn mình đang ngồi buồn thiu và trong nhà có thắp hương. Thì ra người con trai cả của ông Phái bị tai nạn và mới mất trong bệnh viện. Thế là ông Đạm cũng quẳng cả con cá mè sang bên cạnh và ngồi chia buồn với ông Phái. Chỉ có hai người bạn già bên nhau vì bà vợ còn phải lo việc tang ở trong bệnh viện...

Trong khói hương trầm ngào ngạt, nụ hoa đào như nhú nở, xuân về man mác, ngồi nói chuyện với ông Đạm, chúng tôi như cảm thấy cả một tinh thần cổ xưa của con người Hà Nội đang trở về. Thanh lịch, nhã nhặn, không phô trương và khiêm ái.

Trong hơn mấy chục năm trời thâm giao, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ tặng cho ông Đạm 242 bức chân dung, thường là vẽ trên những giấy nhỏ hoặc bao thuốc lá. Năm 1967, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ một bức chân dung bằng bút chì cho ông Đạm trong lúc không gặp ông và chỉ vẽ theo trí nhớ tưởng tượng.

Đặc điểm của bức chân dung này được vẽ theo phong cách đặc biệt- làm đậm một số chi tiết trên gương mặt như mắt, mũi… Bức tranh này đã tồn tại hơn 50 năm, được ông Đạm trân trọng treo trong nhà. Và thật đáng ngạc nhiên là theo thời gian nó càng ngày trở nên giống ông hơn. Tưởng chừng như mới vẽ đâu đó ngày hôm qua. Xem bức tranh chúng ta càng thấy ngạc nhiên và kính trọng bút pháp tài năng của danh họa. Bức tranh này hiện được in lại trong tuyển tập tác phẩm của Bùi Xuân Phái.

Trong khói hương trầm ngào ngạt, nụ hoa đào như nhú nở, xuân về man mác, ngồi nói chuyện với ông Đạm, chúng tôi như cảm thấy cả một tinh thần cổ xưa của con người Hà Nội đang trở về. Thanh lịch, nhã nhặn, không phô trương và khiêm ái. Ở giữa nhà ông treo một bức thư pháp của cụ Lê Xuân Hòa:

“Thanh đạm tinh thần sảng, ung dung nhật nguyệt trường”. Phải chăng ông đã sống theo đúng tinh thần này nên năm nay đã ngoài 90 mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và vẫn nhớ mãi không quên một thời Hà Nội xa xưa. Hào hoa, tinh tế và lãng mạn!

Nguyễn Thiên Việt (Nguyễn Thiên Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem