Người đàn bà cả đời chăm “người dưng” và chưa hề biết tờ... 200.000 đồng

Thứ ba, ngày 06/08/2013 14:52 PM (GMT+7)
Rút từng tờ bạc 100.000, 200.000, 500.000 đồng ra, bà Hồng cầm từng tờ hỏi lại: “Tờ ni 100.000 đồng là tui biết nhưng tờ ni, cả tờ ni nữa thì không”.
Bình luận 0
Thời con gái có biết bao trai làng đến chạm ngõ xin cưới về làm vợ nhưng bà đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, quyết không lập gia đình, ở vậy để chăm đứa cháu bệnh tật, bán thân bị bại liệt đang nằm liệt giường.

Cơm nước, giặt giũ, vệ sinh… là những công việc thường nhật của bà Nguyễn Thị Hồng (59 tuổi), trú tổ 5, thôn Thuận Yên Đông, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Vượt chặng đường gần 100km, băng rừng, trèo đèo, lội suối, chúng tôi tìm về với xã Tam Sơn, một xã vùng núi cao vẫn mang tiếng nghèo nhất nhì của huyện Núi Thành (Quảng Nam). Về đây gặp người dân, chỉ cần hỏi đến cái tên Nguyễn Thị Hồng thì ai nấy cũng biết, và ai nấy cũng trầm trồ khen ngợi: “Bả (bà) là người bà cực kỳ tốt bụng, dám hy sinh cả hạnh phúc bản thân mình, ở vậy nuôi đứa cháu bại liệt suốt 32 năm qua”.

Căn nhà nhỏ bé của bà Hồng
Căn nhà nhỏ bé của bà Hồng

Theo lời người dân quanh đây, thì đứa cháu bà Hồng chăm suốt ngần ấy năm không phải cháu ruột, nhưng bà Hồng thương, cưu mang, chăm sóc như chính người ruột thịt trong gia đình.

32 năm chăm “người dưng”

Hôm chúng tôi đến là buổi trưa, bà Hồng đang tất bật với việc chuẩn bị cơm nước. Thấy có tiếng người vào, bà Hồng, từ trong nhà, chân tay lấm lem lọ nghẹ, chạy ra cửa đón khách bằng vẻ lúng túng. Mời khách vào nhà, bà Hồng xin phép được xuống bếp nấu vội nồi cơm còn dang dở.

Được biết, vì thương cảm cho hoàn cảnh bà Hồng, chính quyền địa phương và bà con lối xóm đã chung tay giúp tu sửa lại ngôi nhà cho bà. Nhìn chung quanh, một góc gian nhà, trên chiếc chõng xập xệ trong căn nhà nhỏ lợp tôn thấp bé, một người đàn ông đang nằm quằn quại từng cơn co giật.

Anh Trương Kim Hạnh, cán bộ văn hóa xã, người dẫn chúng tôi đến thăm gia đình bà Hồng cho biết, đó là đứa cháu bị bại liệt suốt 32 năm của bà Hồng.
Bà Hồng bên người cháu bị bại liệt
Bà Hồng bên người cháu bị bại liệt
Khi chúng tôi chạm tay vào trán, anh đưa hai tay quờ quạng, đôi mắt chớp chớp, rồi cầm níu chặt tay chúng tôi trong cơn “nửa tỉnh, nửa mê". Anh lay tay chúng tôi gọi xin nước uống. Sau cơn khát, anh cất giọng gọi bà: “Cô ơi! Có cơm cho con chưa ạ?”. Từ dưới bếp, bà Hồng vọng lên: “Chờ cô xíu!”.

Sau khi nấu cơm và cho đứa cháu của mình ăn xong, bà Hồng bắt đầu ngồi kể lại số phận thảm thương của đứa cháu nghèo khốn khổ của mình.

Năm 1982, anh Nguyễn Văn Sang (năm nay 51 tuổi, cháu bà Hồng) không may bị gỗ đè gãy xương sống lưng trong một lần đi kéo gỗ. Thời bấy giờ y tế còn khó khăn, chuyện điều trị cho những nạn nhân bị gãy xương sống là một điều cực kỳ gian nan, gia đình lại không có tiền. Cứ thế người cháu phải nằm liệt trên giường từ đó đến nay.

Nửa thân dưới của anh Sang 32 năm qua chỉ dính trên chiếc giường tre ọp ẹp nên đã bị teo lại, khẳng khiu chỉ còn da bọc xương. Anh chỉ cử động được một cánh tay trái, cánh tay còn lại cũng đã bị liệt.

Trên khuôn mặt hốc hác, hai hàng nước mắt khó nhọc chảy ra khi anh nói chuyện với chúng tôi: “Cô thương tôi lắm nên ở vậy để chăm sóc cho tôi. Tôi trở thành gánh nặng của bà. Nhiều lúc tôi cũng muốn chết đi để cho cô đỡ cực nhưng cái số rồi, có muốn chết cũng không được. 32 năm qua, tôi chỉ nằm một chỗ như thế này, ăn uống, lau rửa, đến cả việc đại tiểu tiện cũng phải nhờ vào bàn tay cô.

Nhiều đêm tôi thức, thấy cô nằm ngủ trên võng mà thương, muốn nhường chỗ cô nằm nghỉ cho đỡ đau lưng mà cũng không thể. Cả một đời cô phải khổ vì đứa cháu như tôi. Tội nghiệp cô lắm…”. Nói đến đây anh Sang khóc nấc lên, không thể tiếp tục câu chuyện được nữa. Bà Hồng thấy đứa cháu mình khóc, bà cũng khóc theo.

“Tuy không phải là cháu ruột, nhưng suốt 32 năm qua tôi coi hắn còn hơn cháu ruột. Cũng đã thành thói quen, ngày nào không chăm hắn là tôi chịu không được” - bà Hồng tâm sự trong nước mắt.

Để có đồng ra đồng vào vượt qua những ngày gian khó, lúc trẻ bà Hồng cũng đi cày thuê, cuốc mướn cho người ta lấy tiền sinh sống. Nhưng giờ đây tuổi đã già, sức khỏe đã giảm sút nghiêm trọng, một con mắt bên phải cũng đã mờ đi. Bà chỉ còn biết quanh quẩn trong vườn trồng ít rau, nuôi vài con gà đến tháng, đến ngày bán kiếm vài đồng nuôi sống hai cô cháu.

Anh Nguyễn Văn Sang
Anh Nguyễn Văn Sang
Thương cho hoàn cảnh bà cháu, người dân trong thôn vẫn thường đến động viên chia sẻ, người thì giúp vài gói mì tôm, người giúp chai nước, lon gạo.

Không đề cập nhiều đến thời trẻ của mình, nhưng qua câu chuyện, chúng tôi được biết hơn về thời con gái đầy mộng mơ của bà Hồng. Ngày ấy, bà vốn cũng là người con gái thùy mị, nết na, hiền lành như bao cô gái trong làng. Đã có nhiều chàng trai đến làm quen, chạm ngõ xin lấy làm vợ. Nhưng nghĩ mình còn trẻ và vì thương cháu, bà Hồng đã khước từ hạnh phúc riêng tư và mong nuôi cháu được khỏi bệnh. Thời gian cứ thế trôi qua và đến giờ bà vẫn lầm lũi một mình.

Chưa từng biết đến những đồng tiền…?

Khi chúng tôi gửi biếu bà Hồng 100.000 đồng, nói là để mua gạo, mua thức ăn, anh Sang đưa mắt nhìn rồi hỏi lại: “Chừng ni là bao nhiêu hả bà? Mua được bao nhiêu gạo ạ?”. Hóa ra, trong bao nhiêu năm qua, anh Sang còn chưa bao giờ được cầm một tờ bạc 100.000 đồng.

Trước khi lên thăm bà, chúng tôi có liên lạc với anh Trương Kim Hạnh, cán bộ xã Tam Sơn để xin phép chính quyền xã được trao số tiền giúp đỡ của bạn đọc gửi cho bà Nguyễn Thị Hồng.
Bà Hồng nhận tiền độc giả gửi tặng
Bà Hồng nhận tiền độc giả gửi tặng
Anh Hạnh hết lời cảm ơn chúng tôi: “Rứa thì tốt quá, quý quá! May thay nhờ các anh mà cô cháu bà Hồng có đồng ra đồng vào để cơm nước, chữa bệnh. Hoàn cảnh hai bà cháu đáng thương quá”.

Ông Nguyễn Đức Phong, trưởng thôn Thuận Yên Đông, cho biết: “Bà Nguyễn Thị Hồng là người phụ nữ giàu đức hy sinh. Hơn 30 năm, bà ở vậy để nuôi đứa cháu Nguyễn Văn Sang bị bại liệt. Trong khi bà cũng bị bệnh tật, một con mắt mù lòa luôn. Bà là tấm gương cho nhiều bà con địa phương học hỏi. Hiện gia đình bà cũng được địa phương đưa vào diện hộ nghèo đặc biệt từ mấy năm qua, thường xuyên thăm hỏi và có nhiều suất quà hỗ trợ kịp thời. Cũng mong xã hội có nhiều người như bà Hồng”.
Cầm trên tay số tiền, bà Hồng bật khóc trong niềm xúc động. Đôi mắt mờ đục của bà, từng dòng nước mắt cứ tuôn ra, ướt đẫm khóe mi, bà tâm sự:

“Có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời cô cháu tui mới cầm trên tay số tiền lớn đến như vậy. Có tiền nhiều ri, tui sẽ sắp xếp chuyện nương rẫy xong, đưa cả cô cháu xuống huyện chữa bệnh. Chứ con mắt tui cũng mờ lắm rồi, chân tay nhức mỏi lắm…”

Rút từng tờ bạc 100.000, 200.000, 500.000 đồng ra, bà Hồng cầm từng tờ hỏi lại: “Tờ ni 100.000 đồng là tui biết nhưng tờ ni, cả tờ ni nữa thì không”.

Anh Minh, thành viên đi trong đoàn quay mặt sang nói thầm với chúng tôi : “Hình như, bà Hồng chưa bao giờ được cầm trên tay một tờ bạc có mệnh giá lớn như vậy”. Chúng tôi không nén nổi xúc động, rồi cầm từng tờ bạc giải thích cho bà hiểu. Bà Hồng nghe vậy, vui lắm, rưng rưng cảm ơn chúng tôi và những độc giả báo đã gửi tiền giúp gia đình bà.

Trước khi ra về, chúng tôi có điện thoại nhắc anh Hạnh, cán bộ xã Tam Sơn thứ 2 này gửi giùm số tiền trên vào thẻ tiết kiệm cho bà Hồng, khi nào cần thì rút cho bà đi chữa bệnh.

Tiễn chúng tôi ra đầu ngõ, bà Hồng còn biếu chúng tôi mấy quả mít làm quà, bà nói: “Mấy chú lên đây mà nhà này không có chi đãi hết, có mấy trái mít trong vườn vừa chín, nay gửi mấy chú về ăn cho biết mít Tam Sơn quê tui”.

Rời căn nhà bà Hồng, trong lòng chúng tôi tràn ngập cảm xúc xen lẫn niềm ưu tư, chúng tôi vẫn nhớ mãi lời bà Hồng: “Sang ơi! Mai này cô đi rồi. Ai sẽ lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho con. Ai sẽ tắm rửa cho con mỗi ngày. Rồi ai sẽ đưa con vào viện....”.

Xe lăn bánh nhưng chúng tôi vẫn cứ mãi bị day dứt về hình ảnh anh Nguyễn Văn Sang nằm bất động suốt 32 năm, và hình ảnh bà Hồng – người đã từ bỏ hạnh phúc của riêng mình để ở vậy nuôi cháu bại liệt…
Hà Kiều (Dòng Đời) (Hà Kiều (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem