Người dân băn khoăn về quyền lợi của mình khi trở thành cư dân của TP.Thủ Đức

Quang Phương Thứ bảy, ngày 23/01/2021 11:41 AM (GMT+7)
Các cư dân của TP.Thủ Đức bày tỏ sự vui mừng khi chính quyền TP.Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, họ cũng có không ít băn khoăn liệu đời sống sẽ thay đổi thế nào, quyền lợi của người dân lâu nay sẽ được giải quyết ra sao?
Bình luận 0

Nhiều cư dân của TP.Thủ Đức hiện nay đang băn khoăn về việc phải thay đổi các loại giấy tờ liên quan do thay đổi địa giới hành chính.

Cần xử lý thủ tục hành chính nhanh, gọn

Anh Lê Phú Đạt (trú tại phường Thạnh Mỹ Lợi) chia sẻ TP.Thủ Đức được thành lập và đi vào hoạt động, bản thân anh thấy vui và tự hào. Theo anh, được gọi là cư dân TP.Thủ Đức, nghe rất "oách"! Điều anh lo và phân vân là sắp tới, anh và hàng loạt cư dân khác phải tiến hành thay đổi hàng loạt giấy tờ liên quan như: Chứng minh thư, giấy tờ nhà, giấy đăng ký kinh doanh…

"Lâu nay, thủ tục hành chính của chúng ta rất chậm, mỗi lần làm, đăng ký các loại giấy tờ tốn khá nhiều thời gian. Vậy giờ lên TP.Thủ Đức rồi, liệu thủ tục thay đổi có "tự động hóa" được không? Có cắt giảm bớt thời gian và thủ tục không? TP.Thủ Đức được sáp nhập từ 3 quận nên lượng người cần thay đổi giấy tờ rất nhiều, trong khi đội ngũ cán bộ thì đang tinh gọn lại", anh Đạt băn khoăn.

Tâm tư của người người dân khi trở thành cư dân của TP.Thủ Đức - Ảnh 1.

Thành ủy TP.HCM trao tặng bức trướng có dòng chữ "Đoàn kết - kỷ cương - năng động - sáng tạo - phát triển" cho Thành ủy TP.Thủ Đức với mong muốn lãnh đạo cùng nhân dân xây dựng thành phố phát triển vững bền. Ảnh: Quang Phương

Nói về nguyện vọng chung của người dân, anh Đạt mong các lãnh đạo mới nhanh chóng làm quen với việc điều hành, xử lý công việc khi nhận nhiệm vụ tại TP.Thủ Đức (được hợp thành từ 3 quận với quy mô rộng lớn và mật độ dân cư phân bố phức tạp). Hy vọng các lãnh đạo nhận nhiệm vụ tại TP.Thủ Đức sớm nắm bắt công việc, xử lý sớm các tồn đọng của 3 quận cũ và đầu tư phát triển TP.Thủ Đức xứng đáng là hình mẫu đổi mới tại TP.HCM.

Còn ông Nguyễn Văn Định (45 tuổi, phường Tăng Nhơn Phú B) tâm tư lên TP.Thủ Đức thì sắp tới phải đi thay đổi các loại giấy tờ để đúng với tên TP.Thủ Đức.

"Tôi làm thợ điện dân dụng tự do, người ta ai cần, gọi lúc nào, tôi làm lúc đó. Tôi không thay đổi giấy tờ chắc không ảnh hưởng gì, nhưng con cái tôi thì phải thay đổi cho phù hợp để còn học hành. Không biết đi thay đổi có tốn thời gian lên ngồi chờ trực không? Lên TP.Thủ Đức rồi, tôi nghĩ làm lại giấy tờ, hay làm các thủ tục hành chính phải thay đổi làm sao cho "nhanh như điện" mà chính xác để đỡ tốn thời gian của người dân", ông Định ước ao.

Trong thời gian qua, đại diện UBND TP.HCM, Thành ủy TP.HCM đều khẳng định việc thay đổi các loại giấy tờ của người dân sẽ không bị tính phí. Tại lễ công bố quyết định thành lập TP.Thủ Đức (ngày 31/12/2020), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói: “Giai đoạn từ ngày 7/2/2021 sẽ triển khai thực hiện hướng dẫn của các sở, ngành trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, kinh doanh cho cá nhân, tổ chức với phương pháp không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới hành chính”.

Giải quyết nhanh các vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài

Một trong những mối quan tâm của người dân, đó là quyền lợi của họ sẽ được xử lý, giải quyết thế nào khi TP.Thủ Đức đi vào hoạt động. Bởi tại 3 quận cũ, hàng trăm nghìn trường hợp khiếu nại, khiếu kiện đòi quyền lợi, nhất là lĩnh vực đất đai đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Người dân băn khoăn về quyền lợi của mình khi trở thành cư dân của TP.Thủ Đức - Ảnh 3.

Người dân TP.Thủ Đức tập thể dục tại khu vực Nhà thiếu nhi quận 9 (cũ) sáng 23/1. Ảnh: Quang Phương

Anh Lê Đức Hiệp (phường Bình Khánh) cho biết  gia đình anh có nhà đất bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Anh chia sẻ: “Gia đình tôi và nhiều người dân khác bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến nay vẫn chưa được giải quyết khiếu nại, đền bù. Cha tôi đã đi khiếu nại nhiều năm, nhưng vẫn chưa có kết quả, các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết. Nay, cha tôi bị tai biến, nằm liệt một chỗ, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để đòi lại quyền lợi chính đáng của gia đình”.

Tâm tư của người người dân khi trở thành cư dân của TP.Thủ Đức - Ảnh 3.

Chính quyền TP.Thủ Đức đã chính thức hoạt động, quyền lợi của người dân cần phải được đảm bảo, nhất là những vấn đề liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện về đất đai kéo dài. Trong ảnh là cảnh người dân mua rau từ các xe hàng rong trên đường Dương Đình Hội sáng 23/1. Người mua và người bán thường là người nghèo. Ảnh: Quang Phương.

"Chính quyền TP.Thủ Đức đã chính thức đi vào hoạt động. Tôi mong muốn là TP.Thủ Đức nên thành lập một tổ, bộ phận cán bộ hướng dẫn cho những hộ dân như chúng tôi tiến hành các thủ tục, chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu gì… để được giải quyết quyền lợi mà lâu nay, chúng tôi đã đi đòi. Tôi mong làm sao vấn đề của gia đình tôi và hàng chục hộ dân khác bị ảnh hưởng bởi dự án Thủ Thiêm được giải quyết triệt để, đảm bảo quyền lợi của chúng tôi trong thời gian sớm nhất", anh Hiệp bày tỏ mong muốn.

Trong khi đó, ông Phùng Quang Bình (phường Tăng Nhơn Phú B) chia sẻ lâu nay, người dân rất mù mờ về thông tin quy hoạch đất đai. Nhiều người không có thông tin nên mua trúng đất dính quy hoạch treo, không thể xây dựng nhà để ở. Nhà ông cũng có đất dính dự án quy hoạch treo hơn chục năm nay, nhưng chưa có thông tin xóa quy hoạch hay không.

"TP.Thủ Đức cần có một quy hoạch tổng thể. Trên cơ sở đó, các phường cần công khai quy hoạch đất đai một cách công khai. Càng công khai chi tiết càng tốt. Tôi nghĩ tại các trụ sở khu phố nên có bảng công khai quy hoạch đất đai của khu vực đó để cho người dân nắm rõ đâu là đất ở, đâu là đất quy hoạch dự án. Làm như vậy, thiết nghĩ sẽ tránh được tình trạng người dân mua đất bị dính quy hoạch, bỏ tiền mua đất nhưng không được xây nhà ở…", ông Bình đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem