Người dân bơm nước vào túi bóng đặt lên mái nhà phòng siêu bão Yagi

Nguyễn Chương - Nguyễn Hoà Thứ sáu, ngày 06/09/2024 20:22 PM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Yagi (bão số 3), nhiều gia đình, cơ sở kinh doanh ven biển ở Thái Bình đã cất kỹ đồ đạc, chằng chống nhà cửa, thậm chí có gia đình đã bơm nước vào túi nilon đặt lên nóc nhà để tránh gió giật.
Bình luận 0

Chiều 6/9, thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các công điện, yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện việc phòng, chống bão.

Thái Bình đã tiến hành cấm biển từ 5 giờ sáng cùng ngày, đồng thời triển khai một loạt các biện pháp để phòng, chống cơn bão số 3.

Người dân bơm nước vào túi bóng đặt lên mái nhà phòng bão ở Thái Bình - Ảnh 1.

Chiều ngày 6/9, người dân cũng như các hộ kinh doanh tại biển Đồng Châu (Tiền Hải, Thái Bình) đã hoàn tất công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3. Ảnh: Nguyễn Chương

Tính đến 17 giờ hôm nay, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, trên địa bàn có tổng số 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động, tất cả các phương tiện đã được neo đậu tại các bến trong và ngoài tỉnh an toàn.

Toàn tỉnh có 1.179 chòi canh với 1.254 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.128 đầm với 1.617 lao động nuôi trồng thuỷ, hải sản ven biển ở các huyện Tiền Hải, Thái Thuỵ, đến nay đã kêu gọi được toàn bộ lao động trông coi chòi ngoa và lao động ở các đầm nuôi trồng thuỷ, hải sản ven sông, ven biển đã di dời vào nơi an toàn.

Người dân bơm nước vào túi bóng đặt lên mái nhà phòng bão ở Thái Bình - Ảnh 2.

Người dân bơm nước vào túi bóng đặt lên mái nhà phòng bão ở Thái Bình - Ảnh 3.

Anh Phạm Nhật đang dùng dây thừng gia cố lại các chòi nghỉ trong khuôn viên nhà hàng tại biển Đồng Châu. Ảnh: Nguyễn Chương

Về phương án sơ tán dân trong nhà yếu và khu vực nguy hiểm, toàn tỉnh Thái Bình hiện có 7.731 hộ với 18.639 người sống trong nhà yếu, đến nay các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác di dời, sơ tán người dân đến các khu vực kiên cố đảm bảo an toàn. Toàn bộ cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông đã được đóng.

Với các hộ nuôi cá lồng, nuôi hàu cửa sông trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn gia cố thêm các neo, dây buộc, bổ sung dây thép vào phao bè để chủ động ứng phó.

Người dân bơm nước vào túi bóng đặt lên mái nhà phòng bão ở Thái Bình - Ảnh 4.

Ngay từ sáng ngày 5/9, nhiều gia đình tại khu vực biển Đồng Châu đã tiến hành chằng mái tôn để tránh bị gió giật. Ảnh: Nguyễn Chương

Ghi nhận của nhóm PV Dân Việt vào chiều ngày 6/9 tại biển Đồng Châu (xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, Thái Bình), các công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 đã hoàn tất.

Các gia đình tại đây đã tiến hành chặt bỏ những cành cây có nguy cơ gãy, đổ; chằng chống nhà cửa, di dời những vật dụng để tránh bão. Tại một số nhà hàng ven biển Đồng Châu, các chủ cơ sở đã dùng dây thừng chằng kỹ các chồng ghế nhựa rồi đặt nằm xuống đất; mái tôn trên nóc nhà có nguy cơ bị gió giật đã được chằng kỹ bằng dây thừng. Một số vị trí người dân còn dùng dây thép chăng qua mái nhà rồi cố định chặt xuống đất.

Người dân bơm nước vào túi bóng đặt lên mái nhà phòng bão ở Thái Bình - Ảnh 5.

Người dân bơm nước vào túi bóng đặt lên mái nhà phòng bão ở Thái Bình - Ảnh 6.

Bàn ghế, quạt điện cùng một số vật dụng khác tại các nhà hàng được chủ cơ sở tiến hành tháo dỡ, buộc cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Chương

Trao đổi với PV, anh Phạm Nhật (46 tuổi, chủ một cơ sở kinh doanh tại biển Đồng Châu) cho biết, anh nhận được thông tin về cơn bão từ lực lượng chức năng khá sớm. Khi biết cơn bão có diễn biến rất phức tạp và là siêu bão, anh đã sớm chuẩn bị các vật dụng để gia cố lại công trình.

Ngay từ ngày 5/9, gia đình anh Nhật đã dùng dây thừng để cố định chặt tôn trên mái tại nhà hàng. Với những chòi nghỉ trong khuôn viên, anh Nhật tiếp tục dùng dây thừng cố định chặt xuống đất để tránh bị gió hất tung.

Những chiếc cầu trượt ở khu vực trò chơi trẻ em, mái nhà bóng… đều được anh tháo dỡ, cất gọn vào trong kho.

"Tôi mong cơn bão sớm qua đi, bão nhẹ thôi để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân." – anh Nhật vừa dùng đoạn tre để gia tăng độ căng của dây thừng vừa nói.

Ngay cạnh bên nhà hàng của gia đình anh Nhật, chủ một cơ sở kinh doanh ven biển cũng đang tất bật thu dọn đồ đạc, tháo rỡ quạt, chằng chặt các chồng ghế dài để phòng bão. Những chiếc bàn ăn hình tròn được bọc kín bằng nilon, đặt nằm ngửa xuống nền nhà.

Người dân bơm nước vào túi bóng đặt lên mái nhà phòng bão ở Thái Bình - Ảnh 7.

Người dân bơm nước vào túi bóng đặt lên mái nhà phòng bão ở Thái Bình - Ảnh 8.

Mái nhà được người dân gia cố bằng bao cát, đặt thùng nước hoặc bơm nước vào túi nilon rồi đặt lên. Ảnh: Nguyễn Hoà

Không chỉ các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh ven biển Đồng Châu, người dân ở các địa bàn khác ở huyện Tiền Hải cũng đang khẩn trương chuẩn bị ứng phó với bão.

18h30 ngày 6/9, gia đình ông Nguyễn Văn Niên (61 tuổi, xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải) cũng đang thu dọn đồ đạc, chằng chống nhà cửa. Không dùng bao cát để đặt lên nóc nhà nhằm tránh gió giật như nhiều gia đình khác trong khu vực, ông Niên cùng con trai từ trưa 6/9 đã bơm đầy nước vào các túi nilon lớn, sau đó cho vào bao rồi đặt lên mái nhà.

Để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của bão, gia ông Niên đã đặt khoảng 30 bao nước như vậy lên mái nhà. Trong lúc ông Niên đang kiểm tra lại các bao nước, con trai ông đang tiến hành tháo dỡ hệ thống bình năng lượng mặt trời trên nóc nhà. Tất cả đều đang chạy đua để hoàn thành trước khi bão vào đất liền.

Ở một số vị trí khác trên địa bàn huyện Tiền Hải, người dân cũng đặt các thùng nước lớn lên mái nhà để tránh gió giật tung mái tôn.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tiền Hải, tính đến 15 giờ 35' ngày 6/9, UBND huyện Tiền Hải đã yêu cầu các lực lượng chức năng, UBND các xã kiên quyết, kể cả cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình chống đối chưa di chuyển đến nơi tránh trú an toàn theo quy định.

Hiệp đồng công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với Trung đoàn 8, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện sẵn sàng lực lượng, thiết bị phục vụ công tác di dân, ứng cứu sự cố đảm bảo an toàn trong bão.

Theo đó, lực lượng hiệp đồng gôm 1.541 người (cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn 8, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Đồn Biên phòng Cửa lân, lực lượng dân quân cơ động). Ngoài ra sẵn sàng 5 cán bộ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện phục vụ chạy công văn hỏa tốc phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện.

Huyện Tiền Hải cũng đã : Huy động 15 xe khách, 75 xe tải; 10 ô tô con, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ di dân khi có yêu cầu.

5 máy đào, 5 ca nô, 300 áo phao, ... cũng đã sẵn sàng di chuyển ứng cứu sự cố về đê điều, công trình thủy lợi và công tác ứng cứu trên sông, trên địa trên biển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem