Người dân Hà Nội chung tay giải cứu nông sản xuất khẩu những ngày đầu năm

Hà Trang - Minh Đức Thứ tư, ngày 05/01/2022 09:31 AM (GMT+7)
Những ngày đầu năm mới, tiết trời Hà Nội còn rét đậm, hình ảnh nhiều người dân thủ đô xúm lại, cùng nhau chung tay giải cứu nông sản xuất khẩu dưa hấu, mít Thái khiến ai cũng ấm lòng.
Bình luận 0

Trái cây "kêu cứu" vì dịch Covid-19

Do những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Trung Quốc đã siết chặt biên giới để phòng dịch. Hàng nghìn xe vận chuyển hoa quả vì thế mà bị ùn ứ tại cửa khẩu, không thể xuất sang nước bạn. Nhiều tiểu thương phải chủ động cho xe hàng "quay đầu" về Hà Nội để tiêu thụ giá rẻ với hy vọng gỡ gạc được chút vốn.

VIDEO: Người dân Hà Nội chung tay giải cứu trái cây những ngày đầu năm. Thực hiện: Minh Đức - Hà Trang.

Anh Trần Văn Thắng là thương lái chở mít từ Tiền Giang lên tới Lạng Sơn thì xe container bị tắc tại cửa khẩu, anh quyết định quay đầu về Hà Nội từ ngày 27/12 và hiện đang đỗ tại khu vực gần Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Anh Thắng chia sẻ, xe hàng này của anh chở gần 19 tấn mít Thái xuất khẩu, tất cả đều đã được kiểm định ngay tại các vựa, vườn ở Tiền Giang rồi mới đóng gói lên xe để vận chuyển đi tiêu thụ.

Người dân Hà Nội chung tay giải cứu nông sản xuất khẩu những ngày đầu năm - Ảnh 2.

Những quả mít Thái được anh Trần Văn Thắng (thương lái chở mít từ Tiền Giang lên tới Lạng Sơn thì xe container bị tắc tại cửa khẩu) phải quay về Hà Nội mong được “giải cứu”. Ảnh: Minh Đức.

Mít giải cứu của anh Thắng được bán theo quả (khoảng 10kg), chia làm hai loại được phân biệt theo màu giấy bọc bên ngoài. Quả bọc giấy kẻ cam có chất lượng nhỉnh hơn, được bán với giá 150.000 đồng/ quả. Quả bọc giấy kẻ xanh thì thấp hơn, được bán khoảng 130.000 đồng/ quả. Nếu không vì dịch Covid-19 khiến trái cây bị ùn ứ tại cửa khẩu thì số mít này đã có thể bán với giá cao gấp hai, gấp ba lần.

Anh Hùng - người góp một tay giúp sức tiêu thụ cho những trái dưa hấu bị mắc kẹt tại cửa khẩu chia sẻ: "Thấy có tin dưa hấu xuất khẩu bị mắc kẹt nhiều ngày ở biên giới không xuất sang Trung Quốc được, tôi cùng với mấy người anh em nữa chia nhau mỗi người đánh vài chuyến xe giải cứu chở về Hà Nội tiêu thụ giúp bà con".

Hai chuyến xe của riêng anh Hùng chở theo khoảng 40 tấn dưa hấu chờ được người dân thủ đô "giải cứu" giúp. Là trái cây xuất khẩu được trồng ở Đắk Lắk, trước khi xuất vườn tất cả đều đã được kiểm định chất lượng và có dán tem đầy đủ trên mỗi quả. Giá bán dưa hấu là 10.000 đồng/ kg dưa, chỉ rẻ bằng gần một nửa so với giá gốc.

Người dân Hà Nội chung tay giải cứu nông sản xuất khẩu những ngày đầu năm - Ảnh 4.

Rất đông người dân đi đường đã dừng xe để ghé vào mua mít Thái giải cứu ở xe anh Trần Văn Thắng. Ảnh: Minh Đức.

Ấm áp tình người giữa những ngày đầu năm

Theo ghi nhận của Dân Việt, sáng 3/1, tại các địa điểm giải cứu mít Thái và dưa hấu đều có rất đông người dân thủ đô ghé mua ủng hộ giúp bà con và tiểu thương. Giá mua trái cây giải cứu đều rẻ hơn rất nhiều so với bình thường nhưng không vì thế mà chất lượng bị giảm sút.

Anh Trần Đức Huy (Cổ Nhuế, quận Nam Từ Liêm) đang trên đường về nhà, thấy treo biển "Giải cứu dưa hấu miền Trung" nên ghé vào vỉa hè và quyết định mua một lúc 10kg dưa hấu. Anh Huy chia sẻ: "Giá dưa rẻ quá, chỉ bằng gần nửa bình thường. Hơn nữa được ăn thử trước thấy dưa ngọt, chất lượng cũng tốt nên tôi mua nhiều chút. Vừa giúp được bà con mình lại vừa có dưa ngon để ăn".

Người dân Hà Nội chung tay giải cứu nông sản xuất khẩu những ngày đầu năm - Ảnh 5.

Xe giải cứu dưa hấu của anh Hùng đỗ trên vỉa hè gần khu vực Học viện Tài chính (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Hà Trang.

Đã hơn một tuần tính từ ngày đánh chuyến xe dưa hấu đầu tiên từ cửa khẩu về Hà Nội bán, trung bình một ngày anh Hùng bán được khoảng 3 tạ dưa. Nghe tưởng chừng nhiều nhưng so với con số gần 40 tấn dưa còn tồn đọng suốt nhiều ngày qua, anh Hùng lúc nào cũng như "ngồi trên đống lửa". 

"Nhiều khách đến mua vì đọc được thông tin trên mạng. Cũng có nhiều người mua một lần rồi sẽ ghé lại mua lần hai, lần ba hoặc giới thiệu bạn bè, người thân ra mua. Chỉ hy vọng từ giờ tới cuối tháng nhanh chóng bán hết dưa là nồi bánh chưng Tết có thịt rồi", anh Hùng hóm hỉnh chia sẻ.

Tại Diễn đàn kết nối nông sản 970, do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 31/12/2021, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản (Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, nhiều nông sản đang vào vụ, nhu cầu tiêu thụ lớn.

Những vấn đề ở biên giới đặt ra yêu cầu về việc chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phải thay đổi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Một số mặt hàng như thủy sản, rau quả bảo quản lạnh sẽ được Trung Quốc giám sát chặt chẽ.

Khẳng định Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng khi giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này vẫn đạt khoảng 1,7 tỷ USD trong năm 2021, nhưng ông Hòa cũng khuyến cáo "cần tập trung tiêu thụ tốt các sản phẩm đang vào mùa vụ. Những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia quá trình này, tránh tình trạng để giá nông sản giảm sâu".

Từ 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng lệnh 248 và lệnh 249 nhằm quản chặt kinh tế biên mậu, thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. "Do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần lưu ý nâng cao quy trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo có thể tham gia các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc", ông Hòa đề xuất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem