Người đàn ông đam mê vũ điệu của lửa và thủy tinh

Minh Trí (Dòng đời) Chủ nhật, ngày 21/09/2014 08:00 AM (GMT+7)
Cả phường 14, quận 8, TP.HCM trước đây nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh giờ đây chỉ còn duy nhất một người làm. Qua bao biến động của thời cuộc, người thợ cuối cùng của làng nghề này 10 năm qua cần mẫn tạo hình những con thú thủy tinh nhỏ nhắn, lung linh.
Bình luận 0
8 giờ sáng, con hẻm nhỏ trên đường Cây Sung, phường 14, quận 8 quẹo vào nhà anh Nguyễn Đức Thuận vẫn yên tĩnh như mọi ngày. Đưa tay vặn bình khí oxy anh Thuận bật lửa thắp sáng chiếc đèn khò. Chỉnh ngọn lửa cho vừa phải, anh bắt đầu ngày làm việc của mình.

Vũ điệu của lửa và thủy tinh

Hôm nay anh Thuận nhận đơn hàng làm hơn 1.000 viên thủy tinh hình giọt nước. Khuôn canh chỉnh chỉ là miếng inox có khoét lỗ hình giọt nước. Đưa que thủy tinh màu nâu lên ngọn lửa hàng ngàn độ C, anh Thuận thoăn thoắt lăn tròn. Thủy tinh gặp lửa dần chuyển sang đỏ hồng rồi mềm oặt.
img Anh Thuận - một trong những người thợ cuối cùng của làng nghề thổi thủy tinh ở TP.HCM.  

Một tay lăn đều, một tay dùng que kẹp, kéo, cứ như vậy một lúc sau giọt nước thủy tinh dần hình thành. Mồ hôi bắt đầu lấm tấm trán, anh Thuận đưa tay lấy thêm một que thủy tinh trắng nhỏ dính vào đầu giọt nước thủy tinh màu nâu. Sau vài động tác vặn, xoắn, kéo, nhiều lần đưa lên khuôn để đo độ chính xác, âm thanh “cạch” khi giọt thủy tinh này chạm vào mặt bàn báo hiệu một “giọt nước” được hoàn tất.

Cả buổi sáng, công đoạn này cứ lặp đi lặp lại. Chiếc quạt chạy vù vù cách đó không xa cũng không thể xoa đi cái nóng táp vào mặt, vào cổ người làm. Mỗi viên thủy tinh hình giọt nước như vậy mất của anh Thuận từ 3-4 phút.

Như chưa thể thỏa mãn được tính tò mò về cách làm ra những con thú ngộ nghĩnh, đầy màu sắc, chúng tôi ngỏ ý được xem cách anh Thuận làm ra chúng. Tuy kiệm lời nhưng anh lại vui vẻ làm cho chúng tôi xem. 

Những con hổ thủy tinh sọc vằn trắng vàng hòa trộn vào nhau, những con rồng có vảy đều tăm tắp hay đóa hoa hồng xanh đỏ hài hòa. Tất cả như một thế giới mà người lý trí nhất có thể nghĩ ra chúng là một sản phẩm từ máy móc đúc thành.

Thủy tinh nóng hổi, một tay cầm que xoay tới lui trên ngọn lửa, một tay dùng kìm kẹp và kéo. Cả những chi tiết nhỏ nhất như bàn chân, sừng, tai của con vật cũng được anh Thuận tỉ mỉ tạo hình. Với những con thú, mẫu vật có nhiều màu sắc, sự pha trộn màu lúc này thực sự là nghệ thuật của nhiệt độ lửa, sự chính xác gần như tuyệt đối của đôi tay và một con mắt đo lường hoàn hảo. 

Thi thoảng dừng đôi chút để ước lượng, canh chỉnh độ dài, ngắn, cân bằng của từng chi tiết nhỏ nhất. 5 phút sau một chú hưu thủy tinh trong veo đã thành hình. 

 “Chỉ trong tích tắc nếu không sửa, không ép, kéo đúng lực, đúng cách thủy tinh sẽ cứng lại nếu không thuần thục với những thao tác này, có khi cả buổi trời không xong được chục con”, anh Thuận nói trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt như đang múa vũ điệu của lửa và thủy tinh.

Bí mật của nghề làm không hết việc

Những vết sẹo không đếm hết trên bàn tay, cánh tay hay trên chân của anh Thuận là kết quả của gần 10 năm gắn bó với nghề. Đổi lại là một cuộc sống êm đềm, không vất vả nắng mưa và chủ động với công việc. “Tôi có thể làm lúc nào tùy thích. Muốn nghỉ thì nghỉ, không lo gì thất nghiệp hay chủ đuổi”, anh Thuận nói.
img

Có lẽ người chủ duy nhất của anh Thuận đó chính là mẹ ruột mình, bà Nguyễn Thị Chín, bà nội của ba đứa con gái anh Thuận. Giao việc làm thủy tinh cho vợ chồng anh Thuận, bà Chín quán xuyến các mối làm ăn trong và ngoài nước.

Bây giờ, bà Chín không phải lo tìm nguồn ra vì người ta đã quá biết đến con trai bà khi anh ấy không ít lần xuất hiện trên truyền hình, báo đài. Bà còn nói đùa: “Giờ mà ai đến quay phim là sợ lắm. Mình phải chuẩn bị cả ngày, mất thêm cả ngày để họ quay. Nhưng mà thôi nói vậy chứ cũng giúp họ làm cho xong việc”.

Hàng do vợ chồng anh Thuận làm ra được bà Chín xuất đi các mối ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng. Bà còn xuất sang nhiều nước như Úc, Mỹ, Hà Lan. Mỗi lô hàng như vậy tầm 20 triệu đồng. Mỗi năm đi vài chục đợt. Tính ra cả tỷ đồng tiền giao dịch xuất phát từ chiếc bàn nhỏ mà anh Thuận, con trai bà đang ngồi hàng ngày.

Trước đây, bà Chín thuê thêm 4 người thợ về làm cho mình. Tuy nhiên, đặc thù mặt hàng này chỉ tiêu thụ được từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau nên hàng tồn chất từ trệt lên tới lầu. Suốt 6 tháng trời nuôi thợ nên không có đủ vốn. Sau cùng chỉ có vợ chồng anh Thuận chịu làm, còn gắn bó với nghề. 

Trong những tháng này, anh Thuận làm những mặt hàng phổ biến để trữ. Đến tháng hút hàng, anh chỉ tập trung làm những món mà khách hàng yêu cầu. Tuy vậy, nhiều khi bà Chín cũng phải bỏ tiền ra để đặt mua hàng ngoài chợ nhưng với giá cao hơn để đảm bảo chất lượng giao cho khách hàng.

Mỗi ngày anh Thuận làm được khoảng 60 con thú lớn hoặc 100 con thú nhỏ. Tiền công mỗi con trung bình khoảng 4000 đồng. Nếu vợ anh cùng làm thì số này gấp đôi. Chính vì thế mà bà Chín không phải lo kiếm thêm thợ ngoài mà vẫn đủ hàng cung cấp cho thị trường.

Người thợ thủy tinh duy nhất còn “sót lại”

Những con thú lớn nhỏ đều được bọc trong bịch nilon trước khi gửi xe giao cho khách hàng. Trong căn nhà yên tĩnh của mình, công việc của vợ chồng anh Thuận cứ thế êm đềm theo tháng ngày. 
img

Bà Chín lẫn con trai đều không biết chính xác vì sao một khu phố trước đây vài chục hộ làm nghề thổi thủy tinh như mình lại đều đổi sang công việc khác. Có lẽ vì nghề này không cho thu nhập đều. Một năm thu nhập được có 6 tháng nên nhiều người bỏ. Có người vô làm cho các cơ sở lớn, có lương đều đặn, có chế độ nhưng yêu cầu chất lượng sản phẩm vô cùng khắc khe. Còn với bà thì đa số khách hàng đều ưng ý hàng do bà cung cấp. Ngày trước, cả khu phố này tấp nập người làm thủy tinh, người đến đặt hàng. Xe cộ nườm nượp nhận hàng giao khắp nơi trên toàn quốc. Bây giờ chỉ còn anh Thuận làm nghề này. “Bên Trung Quốc có làm thú, hoa thủy tinh bằng khuôn rất đẹp, rẻ nhưng chúng không có linh hồn. Người ta chọn mình bởi mỗi con thú đều có điểm khác nhau, là cảm xúc của người thợ khi làm ra chúng”, anh Thuận nói tiếp: “Nghề này thấy thú vị nhưng nếu làm lâu, không kiên trì, nhẫn nại chắc chắn sẽ bỏ cuộc. Mỗi lần có mẫu mới phải tập làm có khi cả ngày trời mới quen tay. Hì hục làm mà chỉ một sơ xuất nhỏ cũng bỏ cả con thú nên cũng có lúc bực mình. Tuy vậy phải kìm lại, nóng giận thì không làm được gì”.
Hàng do vợ chồng anh Thuận làm ra được bà Chín xuất đi các mối ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng. Bà còn xuất sang nhiều nước như Úc, Mỹ, Hà Lan. Mỗi lô hàng như vậy tầm 20 triệu đồng. Mỗi năm đi vài chục đợt. Tính ra cả tỷ đồng tiền giao dịch xuất phát từ chiếc bàn nhỏ mà anh Thuận, con trai bà đang ngồi hàng ngày.

Không biết sự nóng giận khi những con thú bị “lỗi kỹ thuật” như thế nào, nhưng cái nóng từ chiếc đèn khò chỉ cách anh Thuận độ gang tay thì người tay ngang quả khó lòng chịu nổi. Mỗi ngày không dưới 8 giờ, cạnh cái nóng rát da, rát thịt ngàn độ C, người thợ này vẫn điềm tĩnh ngồi thổi hồn vào từng con thú. Mỗi con thú lung linh kia đánh đổi không biết bao giọt mồ hôi của người thợ. Cõ lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến anh Thuận là một trong số những người thợ thổi thủy tinh hiếm hoi còn gắn bó với nghề giữa Sài Gòn đô hội này. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem