Người dân TP.HCM mua bánh trung thu ở đâu giữa dịch Covid-19?

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 18/09/2021 12:06 PM (GMT+7)
Tết Trung thu đang đến gần nhưng không được đi ra ngoài, nhiều cửa hàng không mở cửa, người dân TP.HCM mua bánh trung thu ở đâu giữa dịch Covid-19?
Bình luận 0

Tết Trung thu đang đến rất gần nhưng TP.HCM vẫn còn giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. 

Do đó, người dân khó mua được bánh trung thu. Hoặc nếu có giấy đi đường nhưng cũng không dễ tìm quầy bánh trung thu trên các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương, Hồng Bàng, Kinh Dương Vương… như mọi năm.

Mua bánh trung thu ở đâu?

Giãn cách xã hội liên tục hơn 3 tháng qua, người dân hạn chế ra đường nên các thương hiệu đều chỉ cung cấp bánh trung thu online, đặt qua điện thoại, bán trên các sàn thương mại điện tử, website chính thức của các công ty.

Nhiều cửa hàng Givral tại TP.HCM vẫn mở cửa, tuy nhiên, không phục vụ khách mua trực tiếp mà chỉ nhận đơn đặt qua số điện thoại hoặc website của doanh nghiệp.

Người dân TP.HCM mua bánh trung thu ở đâu giữa dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Thương hiệu bánh trung thu Như Lan tại TP.HCM bán trực tiếp nhưng cũng khuyến khích khách đặt qua app. Ảnh: Hồng Phúc.

Nhân viên thương hiệu này cho biết, mỗi ngày cửa hàng nhận đơn từ 7-18h, chỉ chấp nhận thanh toán online để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Nếu khách mua 1 hộp 4 bánh, phí giao hàng là 20.000 đồng và được miễn phí ship khi mua 2 hộp 4 bánh trở lên hoặc 5 hộp 2 bánh.

Theo ghi nhận, giá mỗi hộp 4 bánh đa dạng nhân dao động từ 687.000 - 790.000 đồng, tùy khối lượng. Giá bánh lẻ từ hơn 100.000 - 268.000 đồng/bánh tùy loại nhân và kích cỡ.

Còn Mondelez Kinh Đô Việt Nam, năm nay cũng tập trung bán bánh trung thu qua các trang thương mại điện tử. Mondelez Kinh Đô tung ra 25.000 phiếu mua sắm trực tuyến ưu đãi để khuyến khích người dân đặt bánh trực tuyến. Hãng cung cấp 80 loại bánh với mức giá từ 68.000 - 167.000 đồng/bánh loại 230g. Dòng bánh cao cấp có giá từ 500.000 - 4,5 triệu đồng/hộp (4 - 6 cái).

Bánh trung thu truyền thống Như Lan là thương hiệu hiếm hoi mở cửa bán trực tiếp tại TP.HCM trong mùa dịch. Tuy nhiên, hãng cũng khuyến khích đặt hàng qua ứng dụng, hiện shipper tại TP.HCM đã được giao hàng liên quận, nên số lượng người đặt bánh trung thu Như Lan qua app, được giao nhanh ngay sau khi đặt khá nhiều.

Năm nay, Như Lan chỉ sản xuất bánh cỡ loại 300g và 400g/cái, giá dao động từ 75.000 - 265.000 đồng/bánh.

Nhiều hệ thống bán lẻ như VinMart, Co.opmart, Lotte Mart, Aeon, Farmer Market… cũng bán bánh trung thu, khách có thể đặt hàng qua các kênh online hoặc ứng dụng giao hàng.

Cẩn thận bánh trung thu trên mạng xã hội

Nếu như các năm, bánh trung thu khá sôi nổi trên chợ mạng thì năm nay, do không thể mua bán trực tiếp tại TP.HCM, thị trường bánh trung thu online càng trở nên sôi động hơn. 

Trên mạng xã hội, nhóm mua hàng, website của các sàn thương mại điện tử… rất nhiều loại bánh trung thu từ làm thủ công, đến có thương hiệu được rao bán. 

Ghi nhận cho thấy, ngoài các gian hàng chính hãng do chính thương hiệu bán, thì cũng có rất nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ là cá nhân, hình ảnh sản phẩm bày bán không có bao bì.

Người dân TP.HCM mua bánh trung thu ở đâu giữa dịch Covid-19? - Ảnh 3.

Bánh Trung thu được bán nhộn nhịp trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Chị Nguyễn Thu Thủy (ngụ quận Bình Thạnh) cho hay, các nhóm mua thực phẩm trên Zalo, Facebook của chị những ngày gần đây rất nhiều người rao bán bánh trung thu. Do đã cận Tết Trung thu nên họ cam kết giao ngay trong ngày nhưng chị Thủy không dám mua.

"Tôi rất thích bánh trung thu handmade (tự làm thủ công) nhưng năm nay chỗ quen họ không làm vì dịch. Hỏi vài người rao bán, thấy thông tin họ trả lời không rõ ràng, không giống như tự tay làm thật nên tôi lo ngại an toàn thực phẩm, chưa kể nguy cơ dịch bệnh từ quá trình làm, đóng gói", chị nói.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tại nhiều địa phương phát hiện và thu giữ một số lượng lớn bánh trung thu có bao bì chữ Trung Quốc, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các loại bánh này được nhập lậu và chủ yếu bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cảnh báo nhiều đối tượng lợi dụng sàn thương mại điện tử để bán bánh trung thu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm…

Cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu khuyến cáo người tiêu dùng chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản…); sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, còn hạn sử dụng; mua hàng trên webiste chính thức của hãng hoặc gian hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem