Người dạy cá đổi dòng

Thứ ba, ngày 26/10/2010 15:26 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Dạy” giống cá dứa vốn quen sống ở vùng nước mặn-lợ về sống tốt ở vùng nước ngọt-lợ, anh Tống Minh Chánh chuẩn bị vững chắc cho một ngày mà biến đổi khí hậu sẽ làm thui chột nguồn lợi cá tra và basa của ĐBSCL.
Bình luận 0
img
Tống Minh Chánh bên bể ươm cá dứa của mình.Tống Minh Chánh khẳng định

Anh Chánh tốt nghiệp ngành thủy sản ở Đại học Cần Thơ. Chỉ một năm sau khi tốt nghiệp (1989), anh đã làm chủ một bè cá basa, rồi dần dần lên 10 bè, 18 bè… Thời đó, nguồn cá giống chủ yếu bắt trong thiên nhiên, mãi đến gần cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học mới tìm được cách cho cá đẻ trong môi trường nhân tạo. Ngay từ ngày đó, Chánh đã đi khắp nơi nghiên cứu kỹ thuật ươm cá giống.

Chuyển vùng nuôi cho cá

Chỉ sau vài năm, anh đã đầu tư được một hệ thống ươm hiện đại, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 3 triệu con giống. Thành công đó tạo cơ hội cho anh đứng ra thành lập Công ty TNHH một thành viên Giống thủy sản Minh Chánh, đặt tại ấp Long Thạnh 2, xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

10 năm trước tôi đã đầu tư 2 tỷ đồng để nghiên cứu các quy trình sản xuất con giống ba sa. Bây giờ, thời vàng son của con basa đã qua, theo tôi, con cá dứa là loài cá chủ lực có thể thay cho con cá tra và basa trong tương lai.

Nhưng từ khi con cá tra và cá basa rớt giá, nhiều chủ bè bắt đầu rơi vào khủng hoảng, không ít người trắng tay. Với tầm nhìn của một người được đào tạo chuyên môn và đã nhiều năm lăn lộn trong nghề, Chánh bình tĩnh theo dõi sự biến động của thị trường, đặc biệt là tình hình nuôi trồng thủy sản trong thời kỳ biến đổi khí hậu.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, nếu ngành thủy sản không chủ động đối phó với tác động của biến đổi khí hậu thì thiệt hại của những vùng nuôi thủy sản ven biển vài năm nữa có thể tính bằng con số tỷ USD. Nhiều nhà khoa học cũng dự báo, khi nước biển dâng cao, mặn ngập sâu nhiều loài thủy sản sẽ không còn thích nghi với môi trường.

Băn khoăn tìm cách ứng phó, cuối cùng Chánh đã tìm được cách chuyển vùng nuôi cho cá. ĐBSCL rất phong phú về loại, giống thủy sản, trong đó có nhiều loại cá nước ngọt nhưng thường di cư sang nước lợ như cá bông lau, cá kèo, cá dứa…

Cá dứa thuộc họ cá da trơn, rất giống cá tra, basa, có tên khoa học là Pangasius Kunyit, thịt săn chắc và thơm ngon. Canh chua cá dứa hay cá dứa kho tộ là đặc sản miền Tây mà ai nếm qua cũng phải nhớ thèm. Cá dứa nổi tiếng nhất xưa nay là ở Cần Giờ (TP.HCM) và các cửa sông Bồ Đề, sông Cửa Lớn (Cà Mau)…

Trong khi đó, cá tra và basa chúng không thể phát triển nếu độ mặn quá 7%. Chọn con cá dứa vì những ưu điểm của nó, Chánh dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về đặc điểm, tình hình và điều kiện sinh thái của nó, quyết tâm đưa về với môi trường nước lợ để thay thế con cá tra và basa - loài nước ngọt - sẽ không còn thích nghi với khí hậu và môi trường nước lợ trong tương lai.

Ước mơ thành hiện thực

Từng là “bà mụ ” của họ hàng nhà cá ba sa, Chánh rất tự tin khi bắt tay cho cá dứa sinh sản. Sau gần 3 năm nghiên cứu, thực nghiệm, Chánh đã hoàn chỉnh được giai đoạn cá sinh sản.

Tới đầu tháng 10-2009, tỉ lệ sống của cá bột đã đạt mức khá cao và được bắt đầu nuôi thử nghiệm ở các vùng nước lợ như Duyên Hải (Trà Vinh): 1 ao; Nhà Bè: 3 ao; Cần Giờ: 3 ao, tổng cộng khoảng 100.000 con giống.

Kết quả sau 100 ngày, cá cân nặng 200gr/con, lớn gấp 2,5 lần so với nuôi bè trong môi trường nước ngọt.

img
 

Kỹ sư Võ Văn Phẳng - Tổ trưởng tổ Khuyến nông huyện Cần Giờ, người phụ trách đề tài nuôi thử nghiệm 2ha cá dứa ở huyện Cần Giờ cho biết, kết quả sau khi kết thúc giai đoạn I: Tỉ lệ cá sống đạt 90%, sau hơn 10 tháng tuổi, cá cân nặng 700g/con. Sau 12 tháng có thể lên 1-1,2 kg/con. Khi đưa ra thị trường, cá dứa nuôi được nhiều người ưa thích, mặc dù giá tương đương với cá ngoài thiên nhiên (40.000 đồng/kg).

Từ kết quả đó, tổ khuyến nông huyện Cần Giờ dự kiến sẽ mở rộng quy mô nuôi khoảng 100ha.

Chánh cho biết, hiện anh đang sở hữu một đàn cá bố mẹ trên 10 tấn, mỗi năm trại ươm có thể cho ra đời hàng trăm triệu con giống, đủ cung ứng cho nhiều trang trại có quy mô lớn. Cũng theo anh, cá dứa có thể sống khỏe trong môi trường nước lợ từ 0% đến 20% mặn. Cá dứa ít bệnh tật, lượng thức ăn ít, chi phí giảm, lợi nhuận cao.

Theo anh, hiện nay trên cả nước có trên 500.000ha mặt nước nuôi tôm, trong tình trạng môi trường biến đổi nhanh chóng như hiện nay, cộng với thực tế môi trường ở Việt Nam vẫn tiếp tục suy thoái, dự đoán sẽ có trên 70% ao bỏ trống. “Thay vì treo ao, chúng ta có thể tận dụng vào việc nuôi cá dứa thì còn gì tốt hơn!” - Chánh khẳng định.

Đây là một hướng ra rất sáng sủa cho tương lai của những hộ dân nuôi tôm, cá tra, cá ba sa mà biến đổi khí hậu có thể biến họ thành kẻ thất nghiệp. “Giờ tui chỉ mong sao bà con nông dân và ngư dân mạnh dạn chuyển dịch vật nuôi để tạo ra nguồn thủy sản mới, kịp thời thay thế cho con cá tra, đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho bà con ngư dân ở vùng biển đang càng ngày càng điêu đứng về con tôm sú”-Chánh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem