Người đem niềm vui về buôn làng

Chủ nhật, ngày 29/08/2010 23:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sinh năm 1940, là người Kinh, nhưng đồng bào K'Ho, Châu Mạ, Châu Ro, S'Tiêng, Cil, Lạch… đều xem tôi như người đồng tộc, trìu mến gọi với cái tên K'Toàn.
Bình luận 0
img
Ông Toàn phát quà cho trẻ em Tây Nguyên.

Cùng gia đình rời quê Ninh Bình vào Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1954, để rồi như có duyên tiền định, tôi đã gắn bó gần trọn cuộc đời với đại ngàn Tây Nguyên kỳ bí và đầy mê hoặc.

Từ khi còn là một cậu bé, chứng kiến cảnh những bạn bè người dân tộc Châu Mạ luôn xanh rớt vì đói, áo quần mặc đến trường thì vá víu chằng chịt hoặc mỏng manh tê tái, tôi thấy lòng mình quặn đau. Phải làm gì để giúp bà con dân tộc đỡ khổ? Câu hỏi cứ luôn day dứt trong tôi.

Tôi đã phải xoay đủ nghề, từ làm vườn, nuôi heo, trồng cà phê đến hái chè, thợ điện... để đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình với mẹ già, vợ yếu cùng 5 đứa con thơ dại . Dù vậy mấy mươi năm qua, cứ ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, tôi lại lặn lội vào các buôn làng để thăm và tặng quà đồng bào.

Ban đầu bằng xe đạp cọc cạch, đến chiếc Honda, chiếc xe máy cổ lỗ sĩ Yamaha Town Mate và nay là chiếc môtô Rebel 250 kềnh càng, tôi đã đi qua hầu khắp các buôn vùng sâu vùng xa nhất như Tân Rai, Đăk Cháy, Đam Ron, Lát, Bà Đạ, Xây Xàng... Những thứ tôi mang đến tặng đồng bào dân tộc chỉ là bánh kẹo, quần áo, lịch, đồng hồ, thuốc men, sách, bút...

Từ khi lựa chọn công việc "đem niềm vui về với buôn làng", đến làm thuê cho nhà ai, tôi cũng tỉ tê xin đồ cũ. Có tiền công, tôi trích một phần ra những hàng bán quần áo cũ ở chợ Bảo Lộc nhặt nhạnh mỗi thứ mỗi ít. Thỉnh thoảng tôi lại gọi điện cho bạn bè, người thân dặn dò hễ có đồ cũ thì nhớ gọi tôi.

Quần, áo, tất, khăn, tôi giặt sạch, phơi khô rồi cuộn tròn như gói bánh tét, xếp gọn gàng vào những thùng carton; tranh, lịch, sách, vở, bút, bấm móng tay, gương, lược… dồn vào từng bao tải dựng ngay ngắn nơi góc phải cửa ra vào để chờ dịp về buôn phân phát cho bà con.

Dù công việc đã rất quen thuộc nhưng lần nào cũng vậy, chuẩn bị cho mỗi chuyến đi tặng quà đồng bào, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác lâng lâng khó tả. Cũng có đôi lần thấy chồng cứ suốt ngày "ăn cơm nhà, phát quà cho thiên hạ", vợ tôi cũng giận và cằn nhằn. Nhưng nói là nói vậy chứ tôi biết vợ tôi cũng ủng hộ tôi nhiều lắm. Vất vả mấy bà ấy cũng cố gánh vác việc nhà để tôi có thời gian đi "tặng quà"...

Mấy mươi năm ròng, giờ đây tôi đã ngoài 60 tuổi với gần 40 năm gắn bó với những cung đường, con suối, buôn làng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tôi cũng chẳng nhớ nổi bao nhiêu thứ đồ, bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu kỳ công, tâm huyết của mình đã cho đi để đổi lấy niềm vui nở trên khuôn mặt khắc khổ của những đồng bào nghèo ở các buôn làng xa xôi.

Đi đến đâu, tôi cũng được đồng bào quấn quýt, mừng rỡ như đón người thân lâu ngày gặp lại. Với tôi, đó là món quà vô giá được nhận lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem