Người du kích Ba Tơ còn lại

Chủ nhật, ngày 05/09/2010 13:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong ba vị chỉ huy của đội quân du kích lừng danh ấy chỉ còn một người, đó là Trung tướng Nguyễn Đôn, hiện sống tại Đà Nẵng.
Bình luận 0
img
Trung tướng Nguyễn Đôn.

Trong ký ức của người lính già

Nghe tiếng khua cổng, vị tướng già ra mở cửa. Tóc ông trắng xóa như mây trời. Đã qua tuổi 92 nhưng bước chân ông rất dứt khoát, đúng con nhà binh. Trước khi tôi ra Đà Nẵng để gặp ông, một đồng nghiệp mách nước: “Đừng “khai” là nhà báo, ông không cởi mở lắm đâu”.

Tôi hỏi vì sao? Ông bạn nói rằng, vào những ngày này, chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Khởi nghĩa Ba Tơ, nhiều nhà báo đến quấy rầy ông suốt buổi nên ông chỉ trả lời “nhát gừng” rồi đi nghỉ.

img Tôi vẫn luôn nghĩ mình là lính. Cái từ ấy nó thiêng liêng lắm, nó kiêu hãnh lắm và nó cũng đời lắm!. img

Trung tướng Nguyễn Đôn

Mà cũng đúng thật, ở vào tuổi đại thượng thọ như ông, đi lại được cũng đã mừng lắm rồi, còn sức đâu nữa mà hầu mấy ông nhà báo! Y lời ông bạn, tôi chỉ “khai” với tướng Đôn rằng tôi là người cùng quê Sơn Tịnh, nhân chuyến đi Đà Nẵng, ghé thăm ông với lòng ngưỡng mộ của kẻ hậu sinh.

Tướng Đôn bắt đầu câu chuyện bằng một ký ức xa lắc: “Mùa đông năm 1941, sợ mấy “ông đỏ” tiếp tục hoạt động sau khi đã mãn hạn tù, thực dân Pháp đã lập hàng loạt căng an trí ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi, trong đó có căng an trí Ba Tơ. Cái thằng Tây này nó cũng kỳ thiệt, lên Ba Tơ hồi ấy là đồng nghĩa với đi đày, thế mà nó gọi là đi “an trí”, rồi ai cũng gọi theo, cứ nghe như là đi… an dưỡng không bằng!”.

Tôi cứ ngỡ quãng thời gian của 65 năm trước chỉ còn là ký ức mù sương với vị tướng già, không ngờ tất cả như vừa mới xảy ra với ông: “Trước khi đi Ba Tơ, tên lý trưởng của làng chỉ cho phép tôi được tự do 15 ngày. Lên Ba Tơ chưa được bao lâu thì những sự kiện trong nước và thế giới diễn ra dồn dập, nhất là cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 đang đến hồi kết.

Đêm mùng 9-3-1945 Nhật hất cẳng Pháp, sáng mùng 10-3, Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Ngãi gồm những người tù tại căng an trí Ba Tơ đã có cuộc họp bất thường và quyết định khởi nghĩa. Thông tin Nhật đảo chính Pháp là do một cán bộ cơ sở của ta chạy bộ từ sông Vệ lên báo cáo lại.

Anh ấy đã chạy bằng đôi chân đất gần hết cả ngày mùng 10! Tôi cho rằng cuộc khởi nghĩa Ba Tơ rồi sự ra đời của đội quân du kích là một may mắn của lịch sử, vì phần lớn những người tù tại căng an trí này đều là những nhà lãnh đạo cách mạng bấy giờ.

Những năm ấy, thực dân Pháp ở Đông Dương gần như kiệt quệ về tài chính. Thôi thì cho những “ông đỏ” này lên Ba Tơ tự túc tự cấp, ngân sách nước Pháp khỏi phải nuôi tù mà còn quản lý được hoạt động của họ. Nhân thể, cũng mượn chốn rừng thiêng nước độc này kết liễu luôn cuộc sống của những người cộng sản. Trong cái họa nó có cái phúc là vậy”.

Tôi lại chen ngang ông: “Có người cho rằng, lúc ấy, Pháp đã rệu rã nên việc khởi nghĩa và tuyên bố thành lập chính quyền cũng là chuyện bình thường…”.

Ông không “cáu” trước câu hỏi ngang xương này mà bình tâm như một nhà chính trị: “Đúng là Pháp lúc ấy đã tê liệt, song nếu ta không chớp thời cơ và hành động ngay trong ngày 11-3 thì chỉ một ngày sau, Nhật đã có mặt tại Ba Tơ thì làm sao khởi nghĩa được! Nên nhớ rằng, Pháp đã rệu rã cả miền Trung nhưng chỉ có Ba Tơ mới khởi nghĩa. Cái mẫn cảm của những nhà lãnh đạo bấy giờ là ở chỗ biết chớp lấy thời cơ ngay trong những khoảnh khắc lịch sử ấy”.

Chuyện của hôm nay

Nói chuyện với tôi, tướng Đôn rất ít khi nhắc đến cuộc đời quân ngũ của mình, dù đời binh nghiệp của ông luôn gắn với những chiến công. Ông nói rằng, chính cuộc trường chinh cùng dân tộc là trường quân sự lớn nhất đã dạy cho ông và những người cùng thế hệ trở thành những vị tướng, góp công sức vào thắng lợi chung của dân tộc.

Ông nhớ lại: “Đã có lúc, đội du kích Ba Tơ phải thắt lòng lại để thịt con ngựa duy nhất của mình làm lương thảo cho cả đơn vị. Trong những khoảnh khắc nghìn cân treo sợi tóc, người chỉ huy phải dám đưa ra quyết định cuối cùng và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Phát triển đội du kích về đồng bằng ngay vào thời điểm khó khăn nhất là một quyết định mang tính chiến lược.

Nếu không có quyết định lịch sử ấy, làm sao có đủ lực lượng để tham gia khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945 và cũng khó có những người chỉ huy quân sự tài năng của Khu V đóng góp cho cuộc kháng chiến ở Nam bộ bấy giờ”.

img
Bảo tàng đội du kích Ba Tơ (ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi).

Bước chân của ông đã ngang dọc mọi vùng rừng của khu Năm trong chống Pháp rồi chống Mỹ, mang quân hàm Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4, từng chỉ huy những trận đánh lớn trong chiến tranh chống Mỹ nhưng bao giờ ông cũng nghĩ mình là một người lính bình thường: “Tôi vẫn luôn nghĩ mình là lính.

Cái từ ấy nó thiêng liêng lắm, nó kiêu hãnh lắm và nó cũng đời lắm!”. Tôi hiểu những ẩn ý của ông phía sau nhưng con chữ ngắn gọn và dung dị ấy. Chả thế mà khi nghe tôi kể về Ba Tơ hôm nay với những thành tựu rất đáng kể về kinh tế xã hội cũng như vẫn còn bao nỗi cơ hàn của những con người ở nơi đã từng cưu mang đội quân du kích năm xưa, ông như muốn vụt đứng dậy để… lên đường như một người lính.

Ông nói: “Bây giờ người ta hay lạm dụng mấy từ “được sự quan tâm”, nghe rất chung chung. Quan tâm phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Thương đồng bào không phải là mang gạo và mắm cho họ hàng tháng mà cái chính là bày việc cho người ta làm. Họ đã chia từng mẩu củ sắn để nuôi cách mạng ngay từ thời trứng nước thì không lý do gì không đưa họ thoát khỏi đói nghèo.

Ba Tơ đã trở thành huyện Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Điều đó cũng tốt thôi, nhưng anh hùng phải xứng danh chứ đừng chạy theo thành tích mà để dân đói là có tội với bà con”. Tôi nói với ông rằng Ba Tơ là huyện có tỷ lệ hộ đói nghèo thấp nhất trong các huyện miền núi của tỉnh. Ông nói: “Tôi hy vọng rằng đó không phải là những con số trong báo cáo”.

Bắt tay vị tướng già, tôi cũng “ăn theo” ông: “Cháu cũng hy vọng như bác”. Đến lúc ấy ông mới hỏi tôi: “Hình như cháu là nhà báo thì phải?”. Tôi không dám thú nhận với ông mà chỉ cười trừ.

Trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 - 1945, đội du kích Ba Tơ cùng với nhân dân Quảng Ngãi giành được những thắng lợi quân sự tại Gi Lăng, Xuân Phổ, Sa Huỳnh, Châu Ổ, Cổ Lũy, Mỏ Cày và Tú Sơn . Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, các lực lượng vũ trang cách mạng được chuyển thành các đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam thống nhất, Đội du kích Ba Tơ được đổi tên thành Giải phóng quân Lê Trung Đình (Quảng Ngãi) nhưng cái tên "du kích Ba Tơ" vẫn được sử dụng phổ biến để chỉ những chiến sĩ thuộc lực lượng này.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem