Như Dân Việt đã thông tin, ngày hôm qua (20.7), theo báo cáo số 256 BC/BCSĐ ngày 18.7 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Giang: Ngày 7.7, lãnh đạo Hội đồng thi phát hiện ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Ban thư ký của Hội đồng thi có hành vi di chuyển các hòm đựng bài thi trắc nghiệm đã quét xong và một số thiết bị phục vụ công tác chấm thi trắc nghiệm (gồm máy tính và 2 máy quét bài thi) về Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang, khi chưa được sự cho phép của Chủ tịch Hội đồng thi.
Nhà riêng ông Lương cũng được khám xét ngay sau khi quyết định khởi tố bị can đối với ông này được công bố. Ảnh: Phương Hòa.
Căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát sơ bộ, Hội đồng thi Sở GDĐT Hà Giang đã ban hành Quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ liên quan tới kỳ thi đối với ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang - Phó Trưởng Ban chấm thi, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng thi.
Ông Hoài được xác định là người đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho ông Vũ Trọng Lương. Hành vi này của ông Hoài là trái với quy chế.
Cùng ngày, Công an tỉnh Hà Giang đã chính thức công bố thông tin khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Vũ Trọng Lương – Phó phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang, về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc gây nhiều hệ lụy xấu.
Vị luật sư này cho rằng, Bộ GDĐT, Công an cần phải làm nghiêm, xử lý đến nơi đến chốn trường hợp vi phạm ở Hà Giang để răn đe những kẻ có ý định gian lận phải lùi bước.
Luật sư Hòe cho biết, hành vi sai của Vũ Trọng Lương đã quá rõ ràng và chắc chắn người này sẽ bị xử lý. Còn về trách nhiệm của ông Nguyễn Thanh Hoài, cơ quan chức năng cần phải làm rõ thêm, nên việc xử lý thế nào, có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không còn phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an.
Tuy nhiên, về cơ bản sẽ có hai trường hợp xảy ra.
Thứ nhất, nếu xác định, ông Hoài biết trước việc làm của ông Lương và có hành vi tiếp tay (đưa chìa khóa) thì sẽ là đồng phạm. Khi đó, ông này sẽ bị khởi tố cùng tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với ông Lương.
Luật sư Hòe phân tích, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi cố ý trực tiếp lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, do người có chức vụ, quyền hạn và đạt độ tuổi luật hình sự quy định thực hiện vì vụ lợi. Ai vi phạm điều luật này có thể phải đối mặt với với mức án cao nhất là 15 năm tù.
Thứ hai, nếu ông Hoài không biết hành vi của ông Lương và việc đưa chìa khóa chỉ là vô tình, khi đó sẽ không có căn cứ để xử lý hình sự hay hành chính. Tuy nhiên, ông Hoài vẫn có thể bị cơ quan nơi đang công tác kỷ luật vì vi phạm quy chế.
Điều 356 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như sau:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.