Người đưa thanh long ruột đỏ về vùng cát

Chủ nhật, ngày 30/12/2012 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khác với nhiều nông dân ở vùng Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), ông Lê Ngoạn (thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp) không vỡ đất trồng sắn, chuối mà trồng một loại cây còn rất xa lạ với địa phương - thanh long ruột đỏ.
Bình luận 0

Nhờ việc làm khác người này mà bước đầu ông đã thành công. Những ngày cuối năm, gia đình ông Lê Ngoạn dường như tất bật hơn bởi việc thu hoạch thanh long xuất bán ra thị trường.

Ông Ngoạn cho biết, cơ duyên đưa ông đến với nghề trồng thanh long ruột đỏ bắt đầu từ những chuyến xe mưu sinh xuôi Nam, ngược Bắc. Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Long An, ông Ngoạn đã mạnh dạn đưa giống cây này về trồng vườn đất quê mình. “Sau một năm rưỡi, cây bén rễ, phát triển và đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. So với các loại cây khác, loại cây này dễ trồng, chỉ cần bón gốc cây bằng phân chuồng và đảm bảo đủ ánh sáng”.

img
ông Lê Ngoạn chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ.

Theo kinh nghiệm của ông Ngoạn, cây thanh long ruột đỏ có ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế so với các loại thanh long ruột trắng. Loại cây này ra hoa sớm hơn thanh long ruột trắng 2 - 3 tháng, chất lượng ổn định và trọng lượng quả nặng hơn, có nhiều trái nặng đến 2kg. Mặt khác, ở miền Trung, loại trái cây này rất khan hiếm nên đến vụ chỉ cần một cuộc điện thoại là thương lái khắp nơi tìm về tận vườn để mua. Với giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg, với 400 gốc thanh long cho quả, ông Ngoạn thu về 40 triệu đồng/lứa.

Từ thành công này, ông Ngoạn đầu tư hơn 300 triệu đồng để trồng 4.000 gốc thanh long ruột đỏ trên diện tích rộng 1ha ở thôn Lệ Xuyên (Triệu Trạch). Sau 2 tháng xuống giống, 4.000 gốc thanh long ruột đỏ nhanh chóng phát triển xanh tốt. “Vì vùng cát thường hay bị ngập úng, nên mình quyết định vun gốc trụ cao từ 70cm đến 1m. Sau 2 tháng quan sát, ở điều kiện vùng cát, cây còn phát triển nhanh hơn vùng đồi” - ông Ngoạn nói.

Ông Trần Sạn - Chủ tịch Hội ND xã Triệu Trạch, cho biết, “Triệu Trạch đa phần là cát trắng, đời sống của người dân ở vùng này còn gặp nhiều khó khăn. Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Ngoạn là hướng đi rất mới ở vùng cát này. Sau khi khảo sát, kiểm tra, chúng tôi thấy cây phát triển rất tốt, thích nghi với môi trường, khí hậu nơi đây. Sau khi mô hình thành công, chúng tôi sẽ khuyến khích bà con học hỏi kỹ thuật, nhân rộng mô hình này để giúp bà con ổn định cuộc sống”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem